Theo các chuyên gia da liễu tại Trường Đại học Y Keck – Nam California (USC- University of Southern California), “Liệu pháp tại chỗ luôn là chìa khóa của điều trị vảy nến với diện tích khu trú”.
3 phương pháp điều trị vảy nến
Mặc dù điều trị vảy nến với phương pháp điều trị toàn thân và phương pháp điều trị sinh học đều mang lại hiệu quả, nhưng thuốc bôi tại chỗ cũng là một trong những phương thức quan trọng không kém trong quản lý bệnh vảy nến.
Năm 2020, Học viện Da liễu và Tổ chức Bệnh vẩy nến Quốc gia Hoa Kỳ đã phát hành hướng dẫn chung về việc sử dụng liệu pháp bôi tại chỗ và vai trò của thuốc thay thế trong quản lý bệnh vảy nến.
Các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị chính liên quan đến việc sử dụng thuốc bôi và thuốc thay thế cũng như những liệu pháp nào có thể mang lại lợi ích nhất để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến.
Ngoài ra, trong hướng dẫn cũng tập trung vào các biện pháp nhằm đánh giá mức độ nghiêm trọng khác nhau của thể bệnh vảy nến khác nhau, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng cũng như giúp thử nghiệm và theo dõi quá trình của bệnh.
Khuyến nghị quan trọng đối với các liệu pháp điều trị tại chỗ
Liệu pháp tại chỗ
Bệnh vảy nến là một bệnh mạn tính có xu hướng hay tái phát. Các chuyên gia khẳng định rằng steroid tại chỗ là một liệu pháp hiệu quả và an toàn cho nhiều bệnh nhân bị bệnh vẩy nến từ thể nhẹ đến trung bình.
Thuốc thoa steroid tại chỗ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh vảy nến với diện tích giới hạn và khi được sử dụng một cách thích hợp dưới sự hướng dẫn của bác sĩ da liễu, chúng mang lại khá hiệu quả cho người bệnh.
Thuốc bôi không steroid tại chỗ có thể làm sạch sang thương hoặc gần về da bình thường ở các vảy nến thể mảng như dẫn xuất vitamin D hoặc chất ức chế calcineurin. Tuy nhiên, thay vì áp dụng phương pháp điều trị hàng ngày, người bệnh có thể thoa 2 lần/ tuần nhằm giảm được những đợt cấp cũng như giảm lượng thuốc bôi mà bệnh nhân có thể phải sử dụng lâu dài.
Các chất dẫn xuất vitamin D tại chỗ thường khá an toàn và có thể được sử dụng với lượng lớn, lên đến 100gram mỗi tuần ở người lớn. Các chất ức chế calcineurin như Tacrolimus hoặc Pimecrolimus, cũng tương đối an toàn khi sử dụng tại chỗ.
Vào năm 2005, FDA có một số khuyến cáo, lưu ý về thuốc ức chế Calcineurin có nguy cơ gây rối loạn trong nhóm bệnh tăng sinh Lympho. Tuy nhiên, cho đến nay không có dấu hiệu hoặc mối quan ngại nào về sự an toàn khi sử dụng tại chỗ các chất ức chế calcineurin cho bệnh vảy nến.
Liệu pháp tại chỗ kết hợp steroid với một chất không steroid
Các liệu pháp tại chỗ steroid thường kết hợp chất không steroid như chất dẫn xuất vitamin D hoặc chất bong bạt sừng.
Ưu điểm của liệu pháp kết hợp tại chỗ này là tác dụng khá hiệp đồng, có nghĩa là chúng thường hiệu quả hơn so với một trong hai thành phần riêng biệt, và liều khuyến cáo là một lần mỗi ngày. Do đó bệnh nhân thường tuân thủ điều trị khá tốt.
Liệu pháp tại chỗ kết hợp với các liệu pháp sinh học hoặc toàn thân
Khi một bệnh nhân có thể sử dụng liệu pháp toàn thân bằng đường uống hoặc liệu pháp sinh học và có thể không đạt được độ sạch sang thương ở mức độ mà họ muốn, các liệu pháp tại chỗ bổ sung cùng các liệu pháp trên sẽ giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến ở những vùng khó điều trị chẳng hạn như chi dưới mà không cần chuyển sang các loại thuốc sinh học khác, giúp bệnh nhân sạch sang thương, cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh.
Những khuyến nghị quan trọng nhất liên quan đến thuốc thay thế là gì?
Y học cổ truyền
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng y học cổ truyền có thể mang lại một số lợi ích trong điều trị bệnh vảy nến, nhưng hầu hết các nghiên cứu này không được chuẩn hóa về mặt đo lường hoặc phương pháp luận, do đó gây khó khăn trong quá trình phân tích số liệu.
Ngoài ra, y học cổ truyền là một thuật ngữ chung để mô tả các loại liệu pháp khác nhau, do đó cần nên xem xét có nghiên cứu thêm hơn nữa bởi các chuyên gia về chuyên ngành đông y để có thể đánh giá một cách cụ thể và chính xác hơn.
Người ta thấy sản phẩm chiết xuất từ cây lô hội và St. John’s wort (loài hoa chứa các thành phần hoạt tính sinh học, ức chế monoamine oxidase (MAOI)) có tác động trên bệnh vảy nến. Cả hai đều cho thấy một số hiệu quả nhất định ở những bệnh nhân bị bệnh vảy nến thể nhẹ.
Tuy nhiên, đó chỉ là nghiên cứu nhỏ, chủ quan mà chưa thực sự có các nghiên cứu lớn hơn với các loại thuốc thay thế.
Vì vậy, mặc dù các chuyên gia nhận thấy có thể có một số lợi ích khi sử dụng các phương pháp điều trị này ở một số bệnh nhân, nhưng nói chung là thuốc thay thế dạng y học cổ truyền chỉ nên được coi như một phương pháp hỗ trợ cho các liệu pháp điều trị bệnh vảy nến đã được FDA chấp thuận.
Mặc dù chiết xuất thực vật có nguồn gốc thiên nhiên nhưng thuốc thay thế không phải là không có rủi ro. Chính nhầm tưởng là sản phẩm hoàn toàn “tự nhiên” đã khiến một số bệnh nhân có thể thường không biết hoặc bỏ qua về một số rủi ro của thuốc thay thế khi sử dụng.
Chế độ ăn
Dầu Omega- 3
Hiện nay, dầu omega-3 được chứng minh là không hỗ trợ về tác dụng có lợi trong bệnh vảy nến, vì nhiều nghiên cứu sử dụng các liều lượng khác nhau và được tinh chế theo cách khác nhau đều không có ý nghĩa về mặt lâm sàng.
Do đó, các chuyên gia không ủng hộ việc sử dụng dầu omega-3 như một liệu pháp đơn trị liệu cho bệnh vảy nến bởi có độc tính của thủy ngân và các rủi ro khác tùy thuộc vào cách mà dầu omega- 3 được chiết xuất và chế biến.
Việc bổ sung vitamin D qua đường uống
Chúng ta đã biết việc bổ sung vitamin D tại chỗ, khi được bào chế theo đúng công thức, sẽ có hiệu quả trong việc điều trị bệnh vảy nến. Tuy nhiên, liều lượng bổ sung vitamin D bằng đường uống đã được nghiên cứu đối với bệnh vảy nến là không thấy có những lợi ích đáng kể.
Do đó, không khuyến khích uống vitamin D như một phương pháp điều trị đầy đủ hoặc đơn trị liệu cho bệnh vảy nến.
Chế độ ăn không gluten
Chế độ ăn không gluten cũng không được các chuyên gia ủng hộ về mặt lợi ích độc lập chế độ ăn không có gluten đối với bệnh nhân vảy nến mà không có tiền sử bệnh celiac (bệnh không dung nạp gluten)
Hướng dẫn khuyến nghị đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh?
Đối với mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến, có ba yếu tố để xác định bệnh vảy nến đó là (1) sang thương có thể quan sát được trên lâm sàng; (2) các triệu chứng: ngứa, rát và châm chích; (3) tác động của bệnh vảy nến đến chất lượng cuộc sống người bệnh.
Bao gồm ảnh hưởng đến công việc hoặc các mối quan hệ cá nhân của bệnh nhân. Các liệu pháp xác định và đánh giá nhằm đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh bao gồm:
Chỉ số bề mặt thương tổn (BSA) là một trong những biện pháp hữu ích nhất đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh với 1% BSA về cơ bản được tính bằng 1 lòng bàn tay của bệnh nhân.
BSA đưa ra phân loại bệnh vảy nến nhẹ khi các triệu chứng ảnh hưởng dưới 3% bề mặt cơ thể; bệnh vảy nến mức độ trung bình sẽ là 3% – 10% và ở mức độ nặng với các triệu chứng ảnh hưởng đến hơn 10% diện tích cơ thể.
Chỉ số diện tích và mức độ nặng của bệnh vảy nến (PASI) được sử dụng phổ biến trên lâm sàng. Tuy nhiên, mặc dù nhạy cảm và có khả năng đáp ứng với sự thay đổi, nhưng PASI không dễ thực hiện trên lâm sàng.
Các lĩnh vực cần nghiên cứu thêm?
Về phương pháp điều trị tại chỗ được FDA chấp thuận sẽ là thuốc bôi ngoài da không steroid có thể hữu ích trong việc điều trị bệnh nhân mắc bệnh vảy nến.
Ngoài ra, việc sử dụng lâu dài các chất bôi ngoài da cũng nên quan tâm lưu ý nhằm tránh những tác dụng phụ, rủi ro không mong muốn.
Đối với liệu pháp thuốc thay thế, cần có nghiên cứu thêm và sâu hơn về các tác nhân khác nhau để hiểu chính xác hơn về hiệu quả và sự an toàn của thuốc nhằm mang lại hiệu quả cho bệnh nhân và tránh rủi ro không mong muốn.
Trong lĩnh vực đánh giá và phân loại mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến, cần có các công cụ cụ thể và dễ áp dụng nhằm định hướng phương pháp điều trị phù hợp và theo dõi quá trình bệnh.
Tài liệu tham khảo: (2021) “Guidelines address considerations for topical therapy, alternative medicine in psoriasis”