PGS.TS.BS Lê Thái Vân Thanh, Trưởng Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, đã chia sẻ một ca lâm sàng về hiệu quả của việc sử dụng gel silicone sau Laser CO2 vi phân trong điều trị sẹo lõm.
Hãy cùng tìm hiểu quá trình bệnh nhân của PGS.TS.BS Lê Thái Vân Thanh điều trị như thế nào để giúp các bệnh nhân lấy lại làn da mịn màng, khỏe đẹp như ban đầu.
Sẹo lõm là gì?
Sẹo lõm là di chứng của các tổn thương nặng trên da, xuất hiện sau mụn trứng cá, bệnh thủy đậu, chấn thương… Tại vị trí vết thương, các tế bào sợi của làn da bị đứt gãy hoặc thoái hóa, làm cấu trúc da thay đổi. Những mô đứt gãy, thoái hóa không tự tổng hợp collagen, elastin dẫn đến thiếu hụt 2 hoạt chất này và mô không thể tự lấp đầy tại vết thương. Từ đó, dẫn tới tình trạng hình thành sẹo lõm trên làn da.
Laser CO2 vi phân: Phương pháp điều trị sẹo lõm hiệu quả hàng đầu hiện nay
Các phương pháp trị sẹo lõm hiện nay bao gồm lột da hóa học, lăn kim, tiêm chất làm đầy, cắt đáy sẹo, laser CO2 vi phân… được lựa chọn tùy vào đặc tính của từng vết sẹo. Trong đó, laser CO2 vi phân được xem là một phương pháp hiện đại và mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, sau điều trị laser CO2 vi phân, da sẽ gặp phải một số biểu hiện như da bị nóng, rát, ửng đỏ, xuất hiện lớp màng vảy mỏng, lớp vảy khô bong tróc, sần sùi. Làn da cũng rất dễ bị bắt nắng và nếu chăm sóc không đúng cách sẽ gây nên tình trạng làn da tăng sắc tố.
Để tối đa hóa hiệu quả của các quy trình tái tạo bề mặt da bằng laser, cần phải đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc vết thương sau thủ thuật. Tiêu chuẩn chăm sóc bao gồm kiểm soát sự phát triển quá mức của vi sinh vật, tối ưu hóa cân bằng độ ẩm và khôi phục hàng rào bảo vệ da.
Một thuốc bôi sau điều trị laser CO2 vi phân lý tưởng nên được bào chế dưới dạng gel bôi trong suốt, bán thấm và dễ thoa. Lớp bên ngoài cần có đặc tính khô nhanh và khả năng chống lại áp lực từ môi trường. Trong khi lớp bên trong phải cung cấp một môi trường dưỡng ẩm đồng đều bao bọc quanh vùng da cần điều trị.
Thuốc thoa chứa silicone đã được dùng điều trị sẹo với các cơ chế tác động gồm tăng độ ẩm của lớp sừng từ đó tạo điều kiện để điều hòa sản xuất nguyên bào sợi. Đồng thời, điều chỉnh các yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi và yếu tố tăng trưởng khối u. Trong đó, yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi sẽ bình thường hóa quá trình tổng hợp collagen và thúc đẩy quá trình phá hủy các collagen dư thừa của vết sẹo.
Còn yếu tố tăng trưởng khối u kích thích nguyên bào sợi tổng hợp collagen và fibronectin để khôi phục sự cân bằng của quá trình tạo sợi và xơ hóa. Do vậy, việc phối hợp thuốc thoa silicone sau các thủ thuật giúp quá trình liền thương tiến triển thuận lợi và cho kết quả tốt hơn.
Hiệu quả thực tế từ ca lâm sàng điều trị sẹo lõm với công nghệ laser CO2 vi phân kết hợp gel ngăn ngừa sẹo silicone
PGS.TS.BS Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, trình bày một ca lâm sàng liên quan sẹo xấu đã đến khám và điều trị tại Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da. Bệnh nhân nữ, 20 tuổi có sẹo lõm vùng má trái và đã được “điều trị” tại một spa bằng cách gây tổn thương sẹo rồi đổ acid không rõ loại trên và trong vùng sẹo. Sau đó, bệnh nhân bị xuất hiện vết sẹo loét sâu tại vùng can thiệp nên người bệnh đến khám tại Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da.
Thăm khám cho thấy vết loét sâu với bờ viêm đỏ kèm lớp mài dày. Khi bác sĩ làm sạch mài thấy loét sâu tới lớp cơ bám da mặt bên dưới, gây biến dạng vùng má trái và bất cân xứng khuôn mặt. Người bệnh đã được chăm sóc vết thương, dùng kháng sinh thoa và uống kết hợp khâu do miệng vết thương rộng. Sau đó người bệnh được điều trị với laser CO2 vi phân kết hợp thuốc thoa chứa silicone liên tục trong 17 tháng (Hình B, C bên dưới).
Cuối cùng, PGS.TS.BS Lê Thái Vân Thanh đưa ra kết luận, với mỗi tình trạng sẹo sẽ sử dụng các phương pháp điều trị can thiệp khác nhau kết hợp dùng sản phẩm bôi thoa để tối ưu hiệu quả ngăn ngừa và quản lý sẹo tối ưu.