Hội chứng tăng tiết mồ hôi (Hyperhidrosis) là hiện tượng xuất hiện khi cơ thể ra mồ hôi quá nhiều. Bệnh khá phổ biến ở những người mắc bệnh Parkinson.
Theo các nhà nghiên cứu, hội chứng tăng tiết mồ hôi (hyperhidrosis) có liên quan đến các triệu chứng của hệ vận động như: rối loạn vận động, cử động không kiểm soát. Và ngoài ra, Hyperhidrosis còn liên quan đến các rối loạn của triệu chứng không vận động như: rối loạn chức năng tình dục và lo âu.
Hyperhidrosis ảnh hưởng đến khoảng 28% bệnh nhân mắc bệnh Parkinson
Viện Nghiên cứu Da liễu Châu Âu (EADV) đã thực hiện nghiên cứu thuần tập, tiến cứu trong 3 năm về Hyperhidrosis của bệnh Parkinson cho thấy: Hyperhidrosis ảnh hưởng đến khoảng 28% bệnh nhân mắc bệnh Parkinson.
Triệu chứng đổ mồ hôi quá nhiều thường xuất hiện ở bàn tay và bàn chân, ngay cả sau khi tập thể dục hoặc không, và có thể xuất hiện cả trong giai đoạn tiền triệu của bệnh Parkinson.
Hiện nay, cơ chế nào gây ra Hyperhidrosis ở bệnh nhân Parkinson và sự phát triển của bệnh vẫn chưa rõ. Có quan điểm cho rằng việc xuất hiện Hyperhidrosis do sự “Tăng nhạy cảm khi có sự suy giảm dẫn truyền tế bào thần kinh của các đường tiết mồ hôi”.
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại khoa Thần kinh của Bệnh viện Đại học Tứ Xuyên – Trung Quốc, tiến hành nghiên cứu trên 224 bệnh nhân Parkinson giai đoạn sớm từ tháng 2 năm 2014 đến tháng 5 năm 2016 cho thấy: Hyperhidrosis có thể có những mối liên quan đến các triệu chứng khác.
Để đánh giá hội chứng Hyperhidrosis, các nhà nghiên cứu sử dụng thang điểm triệu chứng ngoài vận động (NMSS:Non-Motor Symtoms Scale) để đánh giá tần suất và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Một nghiên cứu ở 121 bệnh nhân nam giới và 103 bệnh nhân nữ giới có tuổi trung bình là 57,6 và thời gian mắc bệnh trung bình là 1,5 năm đã được tiến hành.
Nghiên cứu cho thấy, 54 trong số 224 người bệnh mắc Hyperhidrosis khi bắt đầu tham gia nghiên cứu chiếm khoảng 24,1%, và có xu hướng tăng lên 67 trên 195 người bệnh sau ba năm chiếm khoảng 34,4%.
Trong đó 54 người bệnh bắt đầu bị Hyperhidrosis, chỉ có 15 người có biểu hiện đổ mồ hôi nhiều liên tục sau ba năm. Do đó, mặc dù tần suất Hyperhidrosis ngày càng tăng… nhưng nó không phải lúc nào cũng ổn định.
Để đánh giá sức khỏe tâm thần của bệnh nhân, các chuyên gia sử dụng thang đánh giá trầm cảm Hamilton (HDRS) và thang đánh giá mức độ lo âu Hamilton (HARS). Kết quả cho thấy điểm số cao hơn được ghi nhận ở mức độ trầm cảm và lo âu giữa những bệnh nhân mắc Hyperhidrosis so với những người không mắc chứng bệnh này.
Hội chứng Hyperhidrosis thường được thấy trên bệnh nhân bị rối loạn vận động
Nguy cơ tương đối của việc tiến triển hội chứng Hyperhidrosis cũng được thấy ở những bệnh nhân bị rối loạn vận động cao hơn gấp đôi so với những bệnh nhân khác trong những năm nghiên cứu.
Sự hiện diện của Hyperhidrosis cũng có liên quan đến rối loạn chức năng tình dục, lo âu và các triệu chứng vận động khác. Mối liên quan này cũng được đánh giá bằng cách sử dụng thang điểm thống nhất đánh giá bệnh Parkinson (UPDRS).
Tuy nhiên kết quả nghiên cứu trên còn có các hạn chế nhất định do thiếu nhóm đối chứng lành bệnh để so sánh và việc sử dụng duy nhất thang điểm NMSS để đánh giá hyperhidrosis trong nghiên cứu và phân tích dữ liệu.
Qua nghiên cứu cho thấy rằng hội chứng Hyperhidrosis là khá phổ biến … và có mối liên quan tuyến tính giữa tần suất với thời gian mắc bệnh của bệnh.
Hội chứng Hyperhidrosis trong bệnh Parkinson “không chỉ liên quan đến mức độ nghiêm trọng của vận động và rối loạn vận động, mà còn liên quan với các triệu chứng không vận động như rối loạn chức năng tình dục và lo âu”.