Theo ước tính gần đây được công bố trên tạp chí Dân số và Phát triển, đại dịch COVID-19 đã làm giảm 2 năm tuổi thọ trung bình trên thế giới.
Theo Heuveline, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số tại Đại học California tại Los Angeles (Mỹ), kể từ năm 1950, sự sụt giảm tuổi thọ hàng năm với cường độ đó chỉ được quan sát thấy trong một số trường hợp hiếm hoi, chẳng hạn như Campuchia vào những năm 1970, Rwanda trong những năm 1990 và một số quốc gia châu Phi cận Sahara ở đỉnh điểm của đại dịch AIDS.
Tuổi thọ giảm từ năm 2019 đến năm 2020 và một lần nữa từ năm 2020 đến năm 2021 nhưng dường như ổn định vào cuối năm 2021.
Heuveline đã phân tích các ước tính toàn cầu và quốc gia về những thay đổi trong tuổi thọ bằng cách xác định số ca tử vong vượt mức, thay vì số ca tử vong chỉ do COVID-19, dựa trên tính sẵn có và chất lượng dữ liệu ở mỗi quốc gia.
Tuổi thọ toàn cầu
Theo Heuveline, phân tích cho thấy sự gia tăng số người chết trong đại dịch có tác động đáng kể đến tuổi thọ toàn cầu, khi trước đó vẫn đang tăng trưởng liên tục từ năm 1950 đến 2019. Đại dịch gây ra sự suy giảm rõ rệt, 0,92 năm từ năm 2019 đến 2020 và thêm 0,72 năm từ năm 2020 đến 2021. Các ước tính chỉ ra rằng tuổi thọ toàn cầu vào năm 2021 giảm xuống dưới mức năm 2013.
Tuổi thọ quốc gia
Theo báo cáo, nhiều quốc gia đã trải qua những thay đổi đáng kể về tuổi thọ từ năm 2019 đến năm 2021.
Sự suy giảm tuổi thọ tại Hoa Kỳ là khoảng 2 năm, trong khi các quốc gia khác có con số lớn hơn. Ví dụ, Peru đã trải qua một đợt giảm tuổi thọ khoảng 7 năm.
Trong khi đó, Bolivia, Columbia, Ecuador, Guiana, Mexico, Nicaragua và Paraguay có sự sụt giảm tuổi thọ trong khoảng 4 đến 6 năm. Bosnia và Herzegovina và bắc Macedonia đã trải qua sự suy giảm hàng năm hơn 4 năm, hơn một chút so vớii 3 năm của Albania, Bulgaria, Montenegro và Ba Lan. Ai Cập giảm tuổi thọ 2,3 năm, Ấn Độ 2,6 năm, Kazakhstan 3,2 năm, Liban 3,4 năm, Philippines 3 năm và Nam Phi 3,1 năm.
Tác động của Đại dịch COVID-19 có thể lớn hơn nhiều
Các quốc gia không bị suy giảm tuổi thọ trong 2 năm bao gồm các quốc gia ở Đông Á, Australia, New Zealand và phần lớn Tây Âu.
Báo cáo cho thấy sự tác động của đại dịch lớn hơn ở Hoa Kỳ so với các quốc gia có cùng mức thu nhập cao khác như Tây Âu, ở Nga so với Châu Âu và ở 1 số quốc gia Trung và Nam Mỹ.
Các kết quả chứng minh rằng đại dịch gây ra tác động đến tuổi thọ toàn cầu, điều mà chưa từng có từ năm 1950. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về sự sụt giảm tuổi thọ chính xác trên toàn quốc và toàn cầu.