Trước đây, Hiệp hội Tim Mạch Hoa Kì đã xác định nhiễm COVID-19 có liên quan đến việc mắc các biến chứng tim mạch ở thanh thiếu niên và trẻ em.
Một tài liệu đăng trên tạp chí Circulation đã tổng quan về dịch tễ học, biểu hiện lâm sàng, phương thức điều trị COVID-19 cũng như các biến chứng tim mạch có liên qua đến nhiễm trùng ở thanh thiếu niên và trẻ em như viêm cơ tim, sốc tim và hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C).
Bác sĩ Pei-Ni Jone, trưởng đơn vị Siêu âm tim 3D, Phòng khám Kawasaki và Kiểm định chất lượng Siêu âm tim ở bệnh viện Nhi Đồng Colorado tại Aurora, trưởng nhóm viết thông cáo cho biết “Thông cáo của AHA nêu ra những phương thức điều trị hiện dùng cho trẻ em mắc COVID-19 nhưng không có liệu pháp nào trong số này thực sự kháng chuyên biệt virus gây bệnh COVID-19.
Những phương thức này bao gồm remdesivir (Veklury, Gilead Sciences) và dexamethasone theo từng nhóm tuổi. Cho đến hiện nay, remdesivir là thuốc dùng đường uống duy nhất được FDA cho phép dùng trên bệnh nhân nhiễm COVID-19 có độ tuổi từ 12 trở lên, có yếu tố nguy cơ trở nặng và cần được thở oxy.
Liệu pháp này hiệu quả nhất khi được dùng ngay khi có triệu chứng. Dexamethasone được chứng minh là giảm nguy cơ tử vong do COVID-19 ở người lớn nên thuốc này được đề nghị dùng cho trẻ mắc bệnh nặng và đang dùng liệu pháp trợ giúp hô hấp.
Jone cho biết chỉ 13% ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ là trẻ em và số ca tử vong ở trẻ em chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng số ca tử vong ở nước này. Độ tuổi từ 18 đến 29 cũng chỉ chiếm chưa đến 23% số ca nhiễm COVID-19 và tỉ lệ tử vong của nhóm tuổi này chỉ là 0,6%.
AHA đồng thời cũng đưa ra một số nguyên nhân để lí giải cho việc vì sao trẻ em ít mắc COVID-19 nặng ơn người lớn như sau:
- Tế bào trong cơ thể trẻ có ít thụ thể mà virus SARS-CoV-2 có thể gắn vào hơn
- Cơ thể trẻ có thể có phản ứng miễn dịch yếu hơn vì có các đáp ứng cytokine khác với người lớn
- Hệ miễn dịch của trẻ đáp ứng tốt hơn so với người lớn do được chích các loại vaccine khác hay nhiễm virus trong thời gian gần.
Jone cho biết “Trẻ em mắc COVID-19 thường chỉ có biểu hiện nhẹ nhưng những cá thể mắc bệnh tim bẩm sinh, có bất thường về gene có thể có biểu hiện nặng. Tác động lâu dài của việc nhiễm COVID-19 và ảnh hưởng của bệnh này lên tim của trẻ em và thanh thiếu niên cần được làm rõ.”
Biến chứng tim mạch liên quan đến nhiễm và tiêm vaccine
Jone cho biết các biến chứng tim mạch có liên quan đến nhiễm SARS-CoV-2 bao gồm sốc tim, viêm cơ tim và rối loạn nhịp và các biến chứng thường này ít xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Circulation cho thấy tỉ lệ viêm cơ tim cấp ở các bệnh nhân nằm viện vì mắc COVID-19 trong 14 tháng đầu của đại dịch là rất thấp.
Như Healio từng đưa tin, tỉ lệ tổn thương tim ở nam thanh niên và thiếu niên tăng cao sau chích vaccine COVID-19 theo công nghệ mRNA nhưng tỉ lệ này thật sự cũng rất thấp.
Theo nghiên cứu trước đây đăng tải trên JAMA, trong số 192,4 triệu thanh thiếu niên ở Mỹ chích vaccine, chỉ có 1.991 ca bị viêm cơ tim sau chích.
Một biến chứng hiếm gặp khác của COVID-19 ở trẻ em và thiếu niên đó là MIS-C. Khi mắc biến chứng này, các cơ quan hay hệ thống trong cơ thể như tim, phổi, thận, não, da, mắt hay hệ tiêu hóa có thể bị viêm.
Jone cho biết có thể điều trị MIS-C ở trẻ em bằng globulin miễn dịch truyền tĩnh mạch hay dùng song song cùng với infliximab (Remicade, Jassen) hay các thuốc điều hòa miễn dịch khác để cải thiện tình trạng tim mạch.
Hơn nữa, vaccine COVID-19 được chứng minh là giúp ngăn ngừa bệnh trở nặng và giảm khoảng 91% nguy cơ mắc MIS-C cho trẻ em ở độ tuổi từ 12 đến 18.
Jone phát biểu rằng “Các dữ liệu cho thấy rằng người trẻ nhiễm COVID-19 nhẹ hoặc không triệu chứng có thể tập thể dục lại ngay sau khi hết triệu chứng.
Những bệnh nhân có dấu hiệu nặng cần được kiểm tra tim (bao gồm siêu âm tim, kiểm tra nồng độ enzyme tim trong máu và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra chức năng tim khác) trước khi bắt đầu tập thể dục hay vận động nặng trở lại.
Sự phân biệt về quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe lộ rõ sau đại dịch
Thông cáo của AHA cũng cho thấy sự phân biệt rõ về quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của trẻ em và thanh niên trong đại dịch COVID-19.
Việc phát triển các liệu pháp kháng virus và điều hòa miễn dịch là cần thiết để cải thiện tình trạng bệnh ở trẻ nhưng các thuốc này cần được thử nghiệm trên trẻ em qua những thử nghiệm lâm sàng. Cần lưu ý về vấn đề phân biệt trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe để đảm bảo trẻ em được chăm sóc sức khỏe như nhau”
Đối với trẻ nhỏ, giới hạn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến từ việc chúng phải phụ thuộc vào người chăm sóc. Đa số người dân da đen hay người Mỹ gốc Latin đều phải đi làm liên tục trong đại dịch chứ không được làm việc tại nhà hay hưởng chế độ nghỉ có lương như những người khác.
Theo thông cáo của AHA, sự phân biệt này thể hiện rõ ở việc không thể xét nghiệm COVID-19, thiếu phương tiện đi lại và thiếu sự chi trả của bảo hiểm.
Ngoài ra, thông cáo còn nhấn mạnh rằng tỉ lệ bệnh và tử vong cao hơn ở những người da đen, thổ dân Hawaii, người ở các đảo Thái Bình Dương, người Mỹ gốc Ấn, thổ dân Alaska và người Mỹ gốc Latin là do các yếu tố bất bình đẳng về mặt xã hội gây nên các bệnh đi kèm.
Jone nhấn mạnh “Mặc dù phương thức virus tác động lên tim trẻ em và thanh thiếu niên đã được tìm hiểu rất nhiều nhưng làm thế nào để điều trị hiệu quả nhất biến chứng tim mạch, phòng ngừa bệnh tiến triển nặng và tác động lâu dài của bệnh lên tim mạch vẫn còn là những câu hỏi đang được bỏ ngỏ, cần thêm nhiều nghiên cứu để làm sáng tỏ.
Và việc quan trọng không kém là phải loại bỏ sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phải đảm bảo tất cả trẻ em đều có thể tiếp cận được vaccine và dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao.
Nguồn: https://www.healio.com/news/cardiology/20220419/aha-statement-outlines-treatments-for-covid19related-cv-complications-in-children?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&gidzl=LWP2AMUh6HLL74KfPxKT4L0LHIfvl1r4Ja0KUdph6qDA44DuUxaQGaWG5dv-w4b46q8GBJK7cMqAOAyM50