Tỷ lệ mắc Hội chứng bỏng da do tụ cầu (Staphylococcal Scalded Skin Syndrome – SSSS) dường như đang gia tăng trong những năm gần đây. Theo các báo cáo tại Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc trung bình hằng năm của SSSS vào khoảng 7,67/1.000.000 trẻ, với 45,1 trường hợp/1.000.000 trẻ <2 tuổi. Ở người lớn tỷ lệ này vào khoảng 0,98/1.000.000 dân.
Nguyên nhân của hội chứng bỏng da do tụ cầu
Cho đến nay các độc tố gây bong tróc da chỉ tìm thấy ở một số chủng tụ cầu nhất định. Hầu hết đều thuộc nhóm tụ cầu nhạy cảm methicillin (MSSA). Những chủng gây SSSS thường thuộc về phân nhóm II.
Trình tự các chủng gây hội chứng SSSS đa dạng
Các nghiên cứu gần đây với phương pháp phân tích trình tự đa điểm (multilocus sequence typing) cho thấy các chủng phân lập được thuộc về các kiểu trình tự (sequence type) ST15, ST121, ST2126 và ST2993. Trong số đó kiểu ST121 thường được ghi nhận là nguyên nhân của SSSS.
Tác giả Doudoulakakis và cộng sự tìm thấy có sự gia tăng rõ rệt SSSS với 31 ca được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 2014 đến 2017.
Các chủng tụ cầu gây ra hội chứng bỏng da
Các chủng tụ cầu được ghi nhận trong khoảng thời gian này thuộc các nhóm nhạy cảm với methicillin, kháng mupirocin, kháng fusidic acid và tất cả đều thuộc kiểu ST121, mang cả 2 gene mã hóa cho độc tố ly giải thượng bì.
Hiện tượng bong da ở SSSS chủ yếu do các độc tố gây bong tróc da (exfoliative toxins). Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng tìm thấy gene mã hóa Panton-Valentine leukocidin (PVL) ở các chủng tụ cầu phân lập được.
Biểu hiện lâm sàng hội chứng bỏng da do tụ cầu
Tác giả Mazori và cộng sự lưu ý rằng SSSS thường khởi phát cấp tính, toàn thể hóa. Hồng ban tập trung vùng nếp gấp, bóng nước chùng, với các vết nứt và đóng mài quanh lỗ tự nhiên, dấu Nikolsky (+).
Bóng nước trong hội chứng bỏng da do tụ cầu
Mặc dù bóng nước trong SSSS vô trùng, tụ cầu có thể được tìm thấy ở những vị trí nhiễm trùng hoặc nơi thường trú. Đây là những nơi mà các độc tố xuất hiện đầu tiên trước khi lan tỏa, đặc biệt vùng kết mạc, mũi, quanh miệng, nách, rốn và hậu môn.
Sốt, tăng bạch cầu trong hội chứng bỏng da do tụ cầu
Các triệu chứng toàn thân khác có thể gặp bao gồm sốt, kích thích, li bì và chán ăn.
SSSS có thể biểu hiện từ nhẹ, trung bình đến nặng. Các tác giả đưa ra các trường hợp khác nhau ở trẻ sơ sinh. Tất cả đều biểu hiện hồng ban ở các mức độ khác nhau kèm bong tróc da quanh miệng, nếp gấp và hoặc đầu chi, dấu Nikolsky (-). Một bệnh nhân có sốt, một bệnh nhân tăng bạch cầu, các sinh hiệu đều bình thường ở các bệnh nhân.
SSSS ở người lớn có tỷ lệ tử vong cao hơn trẻ em ở mức 59%, đặc biệt là các bệnh nhân có nguy cơ cao như suy giảm miễn dịch, suy giảm chức năng thận, mắc các bệnh lý ác tính.
Điều trị hội chứng bỏng da do tụ cầu
Các nghiên cứu hồi cứu cho thấy trong các trường hợp SSSS có 63% kháng clindamycin, 69% kháng erythromycin, 7% kháng trimethoprim/sulfamethoxazole và không có trường hợp nào kháng oxacillin hoặc vancomycin.
Các tác giải kết luận rằng các chủng tụ cầu gây SSSS thường có xu hướng kháng clindamycin và ít có khả năng kháng methicillin hơn so với các trường hợp nhiễm tụ cầu nói chung.
Điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm trong SSSS thường được ưu tiên nhóm cephalosporins và penicillins kháng penicillinase như oxacillin, có thể bổ sung nhóm điều trị MRSA nếu tỷ lệ mắc MRSA tại cộng đồng cao hoặc bệnh nhân không cải thiện sau nhiều ngày điều trị.
Mặc dù clindamycin được cho rằng có thể làm giảm sản sinh độc tố, các tác giả không tìm thấy lợi ích khi bổ sung clindamycin vào phác đồ điều trị.
Điều trị nâng đỡ rất quan trọng bao gồm bù nước, điều hòa nhiệt độ, bổ sung dinh dưỡng. Các chất giữ ẩm và các loại băng ép không dính nên được sử dụng ở da và các vùng mất da để thúc đẩy quá trình lành thương cũng như giảm mất nhiệt.
Nhìn chung, SSSS đã được mô tả lần đầu cách đây hơn 140 năm. Nhưng đây là một bệnh lý có phổ biểu hiện lâm sàng đa dạng, tác nhân vi sinh biến đổi và cần được các bác sĩ chú ý nhiều hơn.
Hội chứng bỏng da do tụ cầu (Staphylococcal Scalded Skin Syndrome -SSSS) có thể biểu hiện lâm sàng đa dạng. Tỷ lệ mắc mới đang ngày càng gia tăng. Phần lớn trường hợp gặp ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, người lớn bị suy giảm miễn dịch hay suy giảm chức năng thận, tỷ lệ tử vong cao hơn đáng kể. Sự thay đổi trong bệnh sinh có thể liên quan đến việc đề kháng mupirocin của tụ cầu.
Tài liệu tham khảo
- Mockenhaupt M, Idzko M, Grosber M, Schöpf E, Norgauer J. Epidemiology of staphylococcal scalded skin syndrome in Germany. J Invest Dermatol 2005; 124: 700-703.
- Staiman A, Hsu DY, Silverberg JI. Epidemiology of staphylococcal scalded skin syndrome in US children. Br J Dermatol 2018; 178: 704-708.
- Staiman A, Hsu DY, Silverberg JI. Epidemiology of staphylococcal scalded skin syndrome in US adults.
- Hultén KG, Kok M, King KE, Lamberth LB, Kaplan SL. Increasing number of Staphylococcal scalded skin syndrome caused by ST121 in Houston, Texas. Pediatr Infect Dis J 2020; 39: 30-34.
- Doudoulakakis A, Spilopoulou I, Syridou G, Giormezis N, et al. Emergence of staphylococcal scalded skin syndrome associated with a new toxinogenic, methicillin-susceptible Staphylococcus aureus clone. J Med Micobiol 2019; 68: 48-51.
- Mazori DR, Leonard A, Alexander JB, Glick SA. The spectrum of staphylococcal scalded skin syndrome: A case series in children. Br J Dermatol 2020; 45: 333-336.
- Ross A, Shoff HW. Staphylococcal scalded skin syndrome. StatPearls [Internet], Treasure Island (FL). StatPearls Publishing; 2020 Jan.
- Wang Z, Feig JL, Mannschreck DB, Cohen BA. Antibiotic sensitivity and clinical outcomes in staphylococcal scalded skin syndrome. Pediatr Dermatol 2020; 37: 222-223.