Phương pháp chiết xuất từ thực vật như cần sa được chứng minh là có thể giúp cải thiện tốt các tình trạng viêm. Theo nghiên cứu được đăng trên Journal of Inflammation Research, cần sa và các dẫn xuất cùng họ có thể giảm viêm và giảm hình thành các cytokine viêm nên có thể sử dụng để điều trị mụn trứng cá và các tình trạng tương tự.
Mụn là bệnh lý da thường gặp nhất ở Hoa Kỳ, 85% dân số từ 12 đến 24 tuổi bị mụn. Các liệu pháp điều trị mụn bao gồm kháng sinh uống, isotretinoin uống và các thuốc hỗ trợ như retinoid thoa, erythromycin thoa, các sản phẩm chứa acid salicylic và benzoyl peroxide. Mặc dù các liệu pháp điều trị này đều có hiệu quả nhưng cũng có thể gây ra tác dụng phụ và đề kháng kháng sinh.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã chuyển hướng nghiên cứu đến các liệu pháp dùng chiết xuất từ thực vật (hay còn gọi là phytotherapeutics) để tìm ra các phương pháp thay thế cho các phương pháp điều trị mụn hiện nay.
Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy cần sa có thể là liệu pháp tiềm năng để điều trị các bệnh về miễn dịch, thoái hóa thần kinh, ung thư, tim mạch và các bệnh lý về da; hay nói cách khác là các tình trạng bệnh lý có viêm.
Một nghiên cứu đánh giá tác dụng của cần sa đối với tuyến bã của con người đã cho thấy cần sa ở một liều lượng nhất định có thể ức chế sự tổng hợp quá mức các loại lipid có vai trò gây viêm như arachidonic acid, linoleic acid, testosterone trong tế bào tiết bã.
Ngoài ra, cần sa còn có tác dụng kháng viêm vì có thể giúp làm giảm lượng TNF-α. Chính vì những yếu tố trên nên các tác giả đã nhấn mạnh rằng “Nghiên cứu này khẳng định mạnh mẽ tiềm năng của liệu pháp dùng cần sa trong điều trị mụn”.
Một nghiên cứu in vitro (trong ống nghiệm) khác cũng cho thấy được tiềm năng điều trị mụn của chiết xuất hexane từ cây gai dầu (hem seed hexane extracts – HSHE), một loại dẫn xuất của cây cần sa.
Nghiên dùng kem có chứa 3% chiết xuất từ hạt cần sa trong 12 tuần và mỗi 2 tuần, bác sĩ sẽ đánh giá hồng ban của bệnh nhân cho thấy rằng chiết xuất từ hạt cần sa có thể làm giảm đáng kể hồng ban và loại kem chứa chiết xuất này an toàn, dễ dung nạp, không gây dị ứng và không gây ngứa.
Giới hạn của bài tổng quan này là thiếu đi nghiên cứu thực hiện trên mô hình động vật có tình trạng tương tự mụn.
Các tác giả kết luận rằng “Rõ ràng là cần nhiều nghiên cứu trên người hơn để hiểu rõ được tác động của cần sa lên mụn. Các nghiên cứu trong tương lai cũng cần hướng đến việc xác định nồng độ và cách dùng cần sa trong điều trị mụn.
Nguồn: Peyravian N, Deo S, Daunert S, Jimenez JJ. The anti-inflammatory effects of cannabidiol (CBD) on acne. J Inflamm Res. 2022;15:2795—2801. Doi:10.2147/JIR.S355489