Theo nghiên cứu đăng trên Journal of Cosmetic Dermatology, liệu pháp lạnh (cryotherapy) được chứng minh là điều trị sẹo phì đại hiệu quả hơn IPL nhưng lại có thể gây ra nhiều biến chứng hơn. Các biến chứng này có thể phục hồi được theo thời gian.
Nghiên cứu gồm 28 bệnh nhân, độ tuổi từ 6 đến 40, có sẹo phì đại. Các bệnh nhân được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm: 1 nhóm dùng liệu pháp lạnh (14 người), 1 nhóm dùng IPL (14 người). Quá trình điều trị sẽ kết thúc sau 6 lần hay khi sang thương đã hồi phục. Kết quả sẽ được đánh giá trên lâm sàng và mô bệnh học.
Những bệnh nhân điều trị bằng liệu pháp lạnh có những thay đổi rõ ràng trong việc giảm độ nhô của sẹo (P=0,001), cải thiện màu sắc sẹo (P=0,021) và giảm độ cứng của sẹo (p=0,006).
Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận rằng, điều trị bằng IPL không hiệu quả nhiều trong việc giảm độ nhô của sẹo P=0,066) và cải thiện màu sắc sẹo (P=0,102).
Phương pháp này chỉ giúp làm mềm sẹo với P = 0,046. Khi đánh giá sẹo theo thang điểm Vancouver, trung bình sẹo giảm được 53,7% khi dùng liệu pháp lạnh (p<0,001) và 11,5% khi dùng IPL (P=0,447).
Sau khi điều trị bằng liệu pháp lạnh, độ dày của thượng bì tăng lên khoảng 90,21%±86,65 đi kèm với tái lập mào thượng bì.
Trong khi đó, độ dày lớp bì giảm đi 16,00%±7,40, các bó sợi collagen mỏng, sắp xếp thêm chiều ngang, song song với nhau được hình thành thay cho các bó sợi collagen bất thường trước đây. Sau khi sử dụng IPL, độ dày lớp thượng bì tăng 1,96%±4,98 và độ dày lớp bì giảm 3,29%± 4.25 (P giữa 2 nhóm nhỏ hơn 0,05).
Tất cả các biến chứng ghi nhận trong nghiên cứu đều có thể phục hồi được. Liệu pháp lạnh gây ra phù nề (42,8%) và chậm hồi phục (57%), tỉ lệ này cao hơn nhiều so với nhóm dùng IPL điều trị (P lần lượt của 2 trường hợp là 0,021 và 0,004).
IPL cũng gây các tình trạng như mất sắc tố (21,4%), nhiễm trùng vết thương (21,4%), hoại tử hay loét (21,4%) nhưng tỉ lệ này không cao hơn nhiều khi so với nhóm dùng liệu pháp lạnh. Toàn bộ bệnh nhân điều trị bằng liệu pháp lạnh đều cảm thấy đau, trong khi ở nhóm sử dụng IPL, chỉ có 35,7% người có cảm giác đau (P=0,002).
Hạn chế của nghiên cứu là cỡ mẫu nhỏ, người tham gia nghiên cứu toàn bộ là người Ai Cập có típ da 3, 4 theo Fitzpatrick nên có thể làm giảm hiệu quả của IPL.
Ngoài ra, giai đoạn của sẹo cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của IPL trong nghiên cứu này. Vì vậy, các nhà nghiên cứu khuyến nghị rằng “IPL nên dùng cho những sẹo phì đại mới.
Thông số và khoảng cách giữa các lần IPL cần được nghiên cứu thêm để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất cho những bệnh nhân cho típ da 3, 4.