Hiện nay, rất nhiều công nghệ ánh sáng được áp dụng trong việc ngăn ngừa và giảm nhẹ tình trạng khi bệnh COVID-19. Bao gồm liệu pháp tia cực tím, ánh sáng xanh tiệt trùng, liệu pháp quang động được dùng để sát khuẩn môi trường. Trong số đó, chỉ có liệu pháp quang sinh học (photobiomodulation) được chứng minh là có khả năng giúp điều trị bệnh.
Quang sinh học là liệu pháp sử dụng ánh sáng đỏ hay cận hồng ngoại để giảm đau, giảm viêm, phục hồi mô tổn thương, ngăn chặn quá trình hoại tử mô. Liệu pháp này đã được áp dụng hiệu quả trong điều trị các bệnh như viêm Achilles, rụng tóc từng vùng, vảy nến, viêm giáp, viêm khớp…
Ngoài ra, liệu pháp này còn đang cho thấy tiềm năng trong điều trị quá trình viêm hệ thống nhưng không làm ảnh hưởng đến chức năng của phổi. Hơn 90 bài báo cáo đã chứng minh hiệu quả của quang sinh học đối với tổn thương phổi cấp, viêm phổi, hội chứng nguy kịch hô hấp cấp trên mô hình chuột thí nghiệm.
Chính khả năng giảm viêm hệ thống và tính chất chuyên tác động vào các tế bào thiếu oxy của liệu pháp quang sinh học đã cho các nhà khoa học thấy được tiềm năng của phương pháp này trong điều trị COVID – 19.
COVID-19 một căn bệnh được đặc trưng bởi tình trạng bão cytokine, gây viêm toàn bộ hệ thống và gây ra tình trạng giảm oxy máu cho cơ thể con người.
Vì vậy, họ đã thực hiện thí nghiệm để chứng minh hiệu quả giảm viêm thông qua việc ức chế con đường tín hiệu TLR4 trên các tế bào được nuôi cấy. Đây là một trong những con đường chính góp phần tạo nên bão cytokine ở các bệnh nhân COVID-19.
Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học nuôi cấy tế bào trong môi trường HEK-BlueTM hTLR4 để các tế bào này có thể có thụ thể của TLR4, MD2/C14 và các yếu tố cần thiết cho quá trình điều hòa thông qua việc hoạt hóa NF-kB và AP-1. Cytokine tạo ra từ quá trình viêm do lipopolysaccharide của vi khuẩn sẽ được phát hiện dựa trên việc định lượng sắc kế của SEAP (secreted embryonic alkaline phosphatase).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc chiếu sáng bằng tia cận hồng ngoại (bước sóng từ 720-750nm) với cường độ tia từ 6 – 48W/m2 4 lần 10 phút, mỗi lần cách nhau 12 giờ, sẽ giúp giảm 50% đáp ứng viêm quá mức.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thiết rằng “Có thể ánh sáng đỏ/cận hồng ngoại của liệu pháp quang sinh học đã hoạt hóa một số enzyme ti thể như cytochrome, qua đó tạo thành một loạt các gốc tự do oxy hóa (ROS) và chính các ROS này đã tham gia vào quá trình điều hòa đáp ứng miễn dịch thông qua bổ thể.
Theo kết quả trên, rõ ràng liệu pháp quang sinh học là một biện pháp điều trị tiềm năng cho các bệnh nhân COVID-19.
Tuy nhiên, các tác giả trăn trở là làm sao tìm được một phương thức chiếu cũng như nguồn chiếu có thể đảm bảo khuếch tán chính xác năng lượng của tia cận hồng ngoại cần đạt được khi đến mô phổi. Cũng như các nhà khoa học đã đặt ra câu hỏi làm sau để xác định được chính xác thời gian tia tới được mô phổi? Vì chỉ cần xê xích 5 phút, kết quả điều trị đã thay đổi.
Họ đã nghiên cứu và phát hiện rằng việc chiếu sáng bằng các bóng đèn hay bảng đèn LED 720nm chỉ làm tăng nhiệt độ bề mặt da lên khoảng 50C sau khi chiếu 10 phút nhưng cường độ chiếu của các loại đèn này có thể xuyên qua khoang ngực.
Dù vậy, các tác giả cũng khuyến cáo cần thực hiện thêm các thử nghiệm lâm sàng trên người, nhằm xác định được phương thức hiệu quả khi áp dụng liệu pháp này trong thực tiễn điều trị COVID-19.
Nguồn:
https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/19420889.2021.1965718
https://www.tandfonline.com/doi/epub/10.1080/19420889.2021.1965718?needAccess=true