ThS.BS Thái Thanh Yến đang công tác tại Khoa Da Liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, mày đay mạn tính là bệnh lý thường gặp với tiến triển dai dẳng, có triệu chứng ngứa, ảnh hưởng đến giấc ngủ và làm cho chất lượng cuộc sống giảm đi rất nhiều.
1. Nguyên nhân gây mày đay mạn tính
Nguyên nhân của mày đay mạn tính hiện nay vẫn chưa được hiểu đầy đủ và có khoảng 20% số người bệnh có nguyên nhân, các ghi nhận thường là do các yếu tố ngoại cảnh gây ra như mày đay do nhiệt độ có thể do nóng hoặc lạnh; do áp lực; do ánh nắng mặt trời, do thay đổi cảm xúc, khi tập thể thao, khi tắm; do rung lắc; do tiếp xúc; nước.
Khoảng 80% số trường hợp mày đay mạn tính còn lại không có nguyên nhân rõ ràng gây bệnh, gọi là mày đay mạn tính tự phát. Nhưng theo các nghiên cứu cho thấy nhiều người bệnh có các bệnh lý tiềm ẩn như: nhiễm Helicobacter pylori, nhiễm trùng mạn tính, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh tự miễn… có thể là nguyên nhân gây ra loại mày đay này.
2. Biểu hiện lâm sàng mày đay mạn tính
Triệu chứng phần lớn người bệnh có biểu hiện ban đỏ gọi là sẩn phù màu hồng nhạt, trên mặt da nổi gồ, ở giữa trung tâm nhạt màu. Thương tổn da là các ban có kích thước đa dạng từ vài mm đến vài cm hoặc liên kết thành dạng mảng lớn ở nhiều vị trí trên cơ thể, người bệnh có thể bị phù ở môi, mi mắt, hoặc ở những vùng da lỏng lẻo hay còn gọi là phù mạch.
3. Sự lựa chọn kháng histamin liều cao đối với mày đay mạn tính kháng trị
Hiện nay, có rất nhiều thuốc và liệu pháp điều trị mày đay như: kháng histamin, corticoid toàn thân, leukotriene, ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, kháng histamin là lựa chọn đầu tay trong điều trị mày đay nói chung và mày đay mạn tính nói riêng bởi tính an toàn và ít tác dụng phụ không mong muốn mà có thể ức chế phóng thích histamin vào trong da, giúp giảm ngứa và kiểm soát được triệu chứng lâm sàng của bệnh.
Theo khuyến cáo hội dị ứng và miễn dịch lâm sàng châu Âu, lựa chọn ban đầu để điều trị mày đay mạn tính vẫn là thuốc kháng histamine H 1 thế hệ 2 liều thông thường khuyến cáo là 1 viên/ ngày sau 2 tuần, nếu các triệu chứng lâm sàng không đỡ, có thể tăng liều trong những điều trị tiếp theo.
Cũng theo theo hướng dẫn quốc tế và thực hành Mỹ, bệnh nhân kháng thuốc được xem xét khi không có hiệu quả với dùng liệu pháp kháng histamin thông thường, có thể tăng liều tối đa kháng histamin H 1 thế hệ 2 cùng loại hoặc kết hợp 2 loại khác nhau.
Thuốc kháng histamin ra đời tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong việc điều trị các bệnh dị ứng nói chung và mày đay mạn nói riêng cũng như cải thiện triệu chứng ngứa, làm mất sự gián đoạn giấc ngủ, giảm ảnh hưởng của bệnh tới các hoạt động hằng ngày, trong khi có ít tác dụng không mong muốn.
Tại Việt Nam, ThS.BS Thái Thanh Yến và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu đề tài nhằm đánh giá hiệu quả điều trị mày đay mạn tính bằng kháng histamin liều cao hơn so với liều thông thường và đồng thời đánh giá những tác dụng phụ không mong muốn và sự cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh khi tham gia điều trị.
Kết quả sau 8 tuần cho thấy bệnh nhân đạt hiệu quả điều trị theo tuần thứ 4 và thứ 8 là 47,5% và 60,0% so với nhóm chứng đồng thời tác dụng không mong muốn như nhức đầu không có xuất hiện trên bất kỳ bệnh nhân nào khi tham gia điều trị và dấu hiệu mệt mỏi, buồn ngủ hay sự thay đổi chức năng gan: GGT, GOT, GPT không có sự khác biệt so với nhóm chứng.
Cuối cùng, ThS.BS Thái Thanh Yến kết luận rằng đối với bệnh nhân mày đay mạn tính với triệu chứng dai dẳng kéo dài, việc tăng liều kháng histamin so với khuyến cáo có thể là liệu pháp thay thế và có thể là khuyến nghị cho liệu pháp thứ 3 nhằm giảm triệu chứng của bệnh cũng như nâng cao chất lượng giấc ngủ và cuộc sống của người bệnh.