Theo dữ liệu được đăng tải trên British Journal of Dermatology, việc mẹ bổ sung vitamin D hằng ngày trong thai kì giúp giảm nguy cơ chàm cơ địa cho con.
Sarah El-Heis, giáo viên giảng dạy lâm sàng da liễu thuộc University of Southampton, Anh cho biết “Tỉ lệ trẻ sơ sinh mắc chàm cơ địa đang gia tăng trên toàn cầu và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc này có liên quan phần nào đến quá trình phát triển trong tử cung.
Các nghiên cứu quan sát đưa ra các dữ liệu gợi ý rằng việc bổ sung vitamin D trước sinh có thể giúp cải thiện tình trạng này nhưng cho đến hiện nay vẫn chưa có thử nghiệm ngẫu nhiên trên dân số nào được thực hiện.
El-Heis và các cộng sự đánh giá tình trạng chàm cơ địa ở các trẻ sinh ra từ 703 bà mẹ trong nghiên cứu đa trung tâm, mù đôi, ngẫu nhiên, có nhóm chứng mang tên Maternal Vitamin D Osteoporosis Study (MAVIDOS).
Các phụ nữ mang thai trong nghiên cứu này được ngẫu nhiên chia làm 2 nhóm, nhóm 1 với 351 người dùng 1000IU vitamin D mỗi ngày, nhóm 2 với 352 người sử dụng giả dược. Cả 2 nhóm đều bổ sung vitamin D hay giả dược từ tuần thứ 14 của thai kì cho tới khi sanh. Số trẻ mắc chàm ở độ tuổi 12 tháng là 635 trẻ, ở độ tuổi 24 tháng là 610 trẻ và ở độ tuổi 48 tháng là 449 trẻ.
Ở thời điểm 12 tháng tuổi, trẻ được sinh ra từ các bà mẹ sử dụng 1.000IU vitamin D ít nguy cơ bị chàm cơ địa hơn so với các trẻ có mẹ dùng giả dược (tỉ lệ chàm cơ địa ở 2 nhóm lần lược là 7,2% và 12%, với OR hiệu chỉnh là 0,55; khoảng tin cậy 95%, dao động từ 0,32 đến 0,97).
Tại thời điểm 24 và 48 tháng tuổi, trẻ có mẹ sử dụng vitamin D cũng ít bị chàm hơn trẻ được sinh ra từ mẹ dùng giả dược (tỉ lệ lần lượt ở 2 nhóm tại mốc 24 tháng tuổi là 14,6% và 11,4% và tại mốc 48 tháng tuổi là 8,4% và 6,7%). Tuy nhiên, sự khác biệt tại 2 thời điểm này không có ý nghĩa thống kê.
Đáng lưu ý là lợi ích của việc bổ sung vitamin D trong thai kì chỉ được thấy ở những trẻ được bú sữa mẹ trên 1 tháng mặc dù sau sinh, các mẹ không được bổ sung vitamin D nữa.
Sarah El-Heis nhận định rằng “Có thể việc bổ sung vitamin D trong thai kì giúp gia tăng nồng độ vitamin D trong sữa mẹ và giúp bình thường hóa lượng vitamin D dự trữ của người mẹ trong suốt thai kì. Kết quả nghiên cứu góp phần hỗ trợ việc đưa ra các hướng dẫn lâm sàng về bổ sung vitamin D trong thai kì và cũng giúp cho các chuyên gia y tế lưu tâm về vấn đề này hơn để trao đổi với bệnh nhân của họ.
Với mong muốn tìm được liều lượng bổ sung tối ưu, chúng tôi cần tiến hành thêm nghiên cứu kiểm tra lượng vitamin D có trong sữa mẹ của các bà mẹ dùng liều vitamin D khác nhau trong thai kì.
Ngoài ra, có khá nhiều bằng chứng cho thấy vitamin D có thể ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn ở ruột nên chúng tôi cũng muốn thực hiện các nghiên cứu để làm sáng tỏ việc bổ sung vitamin D trước sinh ảnh hưởng như thế nào đến quá trình tiến triển của bệnh chàm”.
Nguồn: https://www.healio.com/news/womens-health-ob-gyn/20220715/vitamin-d-supplementation-in-pregnancy-may-decrease-offsprings-eczema-risk