Đa số mọi người chủ quan khi cơ thể nổi nhọt. Hầu hết mặc kệ cho cục nhọt tự khỏi, một số khác lại tự ý điều trị bằng cách mua thuốc về bôi, rạch nặn nhọt gây biến chứng nguy hiểm. Chưa kể, nổi nhọt một cách bất thường còn là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý đi kèm khác.
Tổn thương gân cơ vì mụn nhọt
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Khánh Nam – Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học y dược TPHCM – cho biết, đơn vị mình rất hay tiếp nhận các trường hợp bị nổi nhọt gây tổn thương nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng như trên xuất phát từ tâm lý chủ quan của mọi người.
Mới đây, bác sĩ Khánh Nam tiếp nhận bệnh nhân H.T.H. (62 tuổi, ngụ quận 11, TPHCM). Bà H. tới khám trong tình trạng ngón tay trỏ có vết thương lở loét. Theo bệnh nhân chia sẻ, ban đầu bà chỉ bị nổi nhọt ở ngón tay. Tuy nhiên, cục nhọt này mãi không lành mà cứ sưng tấy lên, lan rộng ra.
Bà đã đi mua thuốc về bôi nhưng không hết. Cục nhọt bể, vết thương có miệng rất rộng. Bà H. bị vết thương ở tay hành sốt cao. Lúc này, bệnh nhân đành tới bệnh viện khám. Kiểm tra tại chỗ, bác sĩ Khánh Nam nhận thấy vết loét ở ngón tay của bệnh nhân đã ăn sâu vào tới gân cơ.
Kết quả xét nghiệm máu thể hiện chỉ số đường huyết của bà H. rất cao. Bà H. bị đái tháo đường nhưng không biết. Bên cạnh điều trị vết thương tại chỗ, bác sĩ đã yêu cầu bệnh nhân khám chuyên khoa nội tiết để được phối hợp kiểm soát chỉ số đường huyết. Vết thương của bệnh nhân đang bị nhiễm trùng, nếu can thiệp chậm trễ có thể chuyển biến nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng.
Bệnh nhân bị đái tháo đường lâu năm, sức đề kháng suy giảm nên rất dễ bị các tổn thương ngoài da như mụn nhọt, lở loét. Mặt khác, chỉ số đường huyết cao, bên cạnh gây mụn nhọt, lở loét ngoài da còn khiến người bệnh gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể hôn mê và tử vong.
Trường hợp khác là anh P.V.T. (28 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM). Anh T. đến Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học y dược TPHCM trong tình trạng dưới cằm, phía góc hàm có cục nhọt vỡ ra. Miệng vết thương loét rộng, chảy mủ.
Khi bác sĩ khai thác bệnh sử, bệnh nhân kể mình bị nổi nhọt từ 10 ngày trước nhưng không đi khám mà tự mua thuốc điều trị. Anh làm theo lời nhân viên tiệm thuốc, ngày nào cũng bôi thuốc đều đặn 3 lần nhưng cục nhọt chẳng những không giảm đau mà còn lan rộng khiến nửa mặt sưng nề.
Anh T. đưa cho bác sĩ coi loại thuốc mình đang dùng. Bác sĩ Khánh Nam nhận thấy thuốc này chứa corticoid, khi bôi sẽ khiến giảm đề kháng tại chỗ. Đó là lý do anh T. chăm chỉ bôi thuốc nhưng nhọt chẳng những không khỏi mà còn nặng lên. Bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm máu và phải nhập viện theo dõi do tổn thương từ nhọt diễn tiến phức tạp.
Các sai lầm khi tự ý chữa
Qua quá trình thăm khám, bác sĩ Khánh Nam nhận thấy đa số bệnh nhân rất chủ quan khi điều trị nhọt. Mọi người hay mắc các sai lầm như: tự ý đắp lá; ra tiệm uốn tóc để rạch, nặn mụn nhọt; tự mua thuốc về bôi. Việc đắp lá sẽ làm vết thương nhiễm trùng. Việc rạch, nặn mủ bừa bãi vô cùng nguy hiểm. Nếu cục nhọt chưa mở miệng, rạch không đúng thời điểm, vết thương chưa hóa mủ nên chọc vào sẽ không thấy mủ.
Mặt khác, hành động rạch, chích mụn còn vô tình mở đường đưa vi trùng vào trong vết thương, nguy cơ gây nhiễm trùng rất cao. Đó còn chưa kể dụng cụ rạch, nặn mụn không đảm bảo điều kiện vô khuẩn làm lây truyền các bệnh qua đường máu… Nhân viên bán thuốc không phải là bác sĩ nên không thể khám và kê toa. Nếu bôi thuốc có thành phần corticoid sẽ khiến vết thương lâu lành, tình trạng thêm nặng. Đó còn chưa kể lạm dụng corticoid trong thời gian dài sẽ dẫn tới các tác dụng phụ nguy hiểm khác.
Vậy làm sao phân biệt được mụn nhọt thông thường với nhọt cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm?
Nhọt là một dạng nhiễm trùng da với xuất phát điểm từ lỗ chân lông hay tuyến dầu nhờn. Lúc bắt đầu, vùng da nhỏ nhiễm trùng sẽ bị đỏ, sau đó nổi một u mụn cứng lớn dần. Sau 4-7 ngày, dịch mủ sẽ hình thành dưới da. Nhọt thường xuất hiện ở những vùng da hay tiết dầu như mặt hoặc vùng da có nếp gấp như nách, bẹn, mặt sau khớp gối. Bình thường nhọt không nghiêm trọng, nhọt nhỏ có thể tự khỏi. Tuy vậy, nếu không chăm sóc cẩn thận, một số trường hợp phát triển thành cụm gây các biến chứng nguy hiểm dẫn đến nhiễm trùng lan rộng, thậm chí nhiễm trùng máu.
Điều trị mụn nhọt đúng cách
Với một trường hợp đến khám liên quan tới nhọt, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử để biết bệnh nhân có đang dùng thuốc chứa corticoid và kháng sinh kéo dài, có đang bị các bệnh nền như đái tháo đường, bệnh tự miễn… Sau đó, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm xét nghiệm máu để kiểm tra chỉ số đường huyết và đánh giá các chức năng gan, thận, mỡ máu… Bệnh nhân được điều trị nhọt bằng cách sát khuẩn, làm sạch vùng vết thương. Nếu bệnh nhân đau thì chườm nóng rồi kết hợp kháng sinh đường uống và bôi ngoài da.
Trong trường hợp bệnh nhân bị sốt, cần lấy mủ đem cấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ nhằm biết được người bệnh có đang nhiễm vi khuẩn đề kháng với loại kháng sinh nào hay không. Tùy giai đoạn bệnh mà bệnh nhân được xem xét có nên tháo mủ nhọt. Bác sĩ chỉ cho tháo mủ nhọt nếu thấy được miệng của vết thương. Trong một số trường hợp, miệng mủ nằm quá sâu thì sau khi rạch da, dẫn lưu mủ, bệnh nhân cần được nhét gạc để thấm sạch dịch, hẹn 24 giờ sau tái khám lấy gạc ra. Nếu không làm vậy, dịch mủ cứ rỉ ra và không thể tự khô.
Tóm lại, để tránh bị mụn nhọt gây biến chứng nguy hiểm, chúng ta cần kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm và kiểm soát tốt các bệnh lý nền nếu có. Dinh dưỡng đầy đủ, duy trì cân nặng hợp lý, tránh mặc quần áo bó sát, không ăn nhiều đồ ngọt và giữ cơ thể luôn sạch sẽ giúp phòng ngừa mụn nhọt.
Khi thấy thường xuyên bị nổi mụn nhọt, cần đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân, không được chủ quan tránh dẫn tới biến chứng nguy hiểm. Nhọt bị lở loét, nhiễm trùng dù điều trị khỏi cũng để lại sẹo xấu, gây ảnh hưởng thẩm mỹ.
https://www.phunuonline.com.vn/nam-vien-vi-chu-quan-voi-mun-nhot-a1509289.html