Lên giường sau ngủ skincare đủ quy trình, Ngọc an tâm nằm xem phim, lướt web và đến mãi 2h, cô bắt đầu thiu thiu ngủ.
Mai Ngọc (24 tuổi, sống tại Hà Nội) yên tâm với làn da mọng nước, ẩm mịn sau khi thoa mỹ phẩm dưỡng da đủ quy trình. Cô mải mê nói chuyện với bạn trai, xem phim, lướt các mạng xã hội đến khi da trở nên khô khốc.
Nhận thức được thói quen này không tốt cho da nhưng đến hiện tại, da Ngọc “trộm vía” vẫn khỏe đẹp nên cô xem đây là điều rất bình thường.
Skincare lúc 22h, 2h chưa ngủ
Ngọc thường xuyên đi ngủ lúc 1-2h. Do lên giường từ sớm, cô luôn có thói quen skincare trong khoảng 22h.
Skincare sớm, ngủ muộn là thói quen từ rất lâu của Ngọc. Đặc biệt, vào những ngày thời tiết Hà Nội trở lạnh, cô cố gắng skincare sớm hơn, nhưng thời gian ngủ vẫn không thay đổi.
Trái lại với Mai Ngọc, Thanh Vân (23 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) thường xuyên phải ngủ muộn vì bận rộn công việc.
“Tôi đã quen với việc thức khuya, đến tận 0h hoặc gần 2h. Vì vậy, tôi sẽ skincare trước đó 30 – 40 phút, sau đó xử lý nốt công việc trước khi đi ngủ. Bình thường, mặc dù rất bận và không có quá nhiều thời gian cho việc dưỡng da, tôi cố gắng đảm bảo dùng đủ sản phẩm cần thiết”, Vân chia sẻ.
Tùy vào tình trạng da mà mỗi tuần, Vân sẽ có chu trình dưỡng da khác nhau. Hôm nào thấy da nhạy cảm và có mụn, bên cạnh các bước dưỡng da cơ bản, cô dùng thêm miếng dán mụn, thuốc đặc trị và serum dưỡng ẩm. Trái lại, khi thấy da khỏe, cô sẽ dùng thêm vitamin C để dưỡng sáng.
Theo Ngọc tìm hiểu, các thành phần dưỡng ẩm rất phổ biến và không bị hạn chế sử dụng trong môi trường có ánh sáng xanh. Vì thế, cô rất yên tâm thức khuya sử dụng điện thoại hay máy tính bảng mà không lo ảnh hưởng đến da.
“Việc bật máy lọc khí vào ban đêm sẽ hạn chế được rất nhiều bụi bẩn trong nhà. Chưa kể, dưỡng chất trên da bay hơi không đáng kể. Nếu ban đêm chịu khó thoa nhiều lớp dưỡng, sáng ra da vẫn đủ ẩm”, Ngọc cho biết.
Mặc dù biết đi ngủ sớm là tốt cho sức khỏe, nhất là làn da, Ngọc khó thay đổi thói quen này do cô và bạn trai luôn gọi điện cho nhau mỗi tối. Hôm nào điện thoại quá khuya hoặc cảm thấy da có vấn đề, cô sẽ đắp thêm mặt nạ giấy để cấp ẩm cho da.
Dùng điện thoại vào ban đêm giảm hiệu quả skincare
Trao đổi với Zing về thói quen skincare tối muộn, bác sĩ chuyên khoa II Ngô Thị Ngọc Vân, khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết giới trẻ thường mắc một số sai lầm trong quá trình dưỡng và chăm sóc da, bao gồm cả thức khuya, tiếp xúc màn hình điện thoại sau khi skincare.
Vào ban ngày, việc không dùng kem chống nắng khiến da dễ bị tổn thương bởi ánh sáng mặt trời và có thể “lãng phí” công sức skincare vào ban đêm.
Hơn hết, việc tưởng như bình thường nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả skincare là thức khuya, tiếp xúc nhiều với điện thoại hay máy tính sau khi dưỡng da.
Bác sĩ Vân giải thích khi thức khuya, hormone cortisol (hay stress hormone) sẽ gia tăng. Chúng khiến làn da gặp một số vấn đề không mong muốn như mụn, sần sùi, kém mịn, thô ráp. Hàng rào bảo vệ bị suy yếu khiến độ nhạy cảm của da tăng lên và xuất hiện các vết ửng đỏ khiến da không đều màu.
Ngoài ra, khi giấc ngủ bị gián đoạn, quá trình phục hồi da sẽ không được hoàn tất, các tế bào chết có thể sót lại trên da, từ đó gây ra hiện tượng sần sùi, lỗ chân lông to… Thêm vào đó, thiếu ngủ là thủ phạm ảnh hưởng độ ẩm trên da. Chúng làm giảm lượng ẩm, giảm độ pH của làn da.
Khi độ pH giảm, sự mất cân bằng sẽ xảy ra, làm cho làn da không thể tạo ra độ ẩm cần thiết, từ đó khiến da khô hơn, tối màu và thiếu sức sống. Tác hại không chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ bên ngoài mà còn ảnh hưởng sâu trong các tầng tế bào da. Về lâu dài, da bị tổn thương khó phục hồi và nhanh chóng bị lão hóa.
Do đó, bác sĩ Vân cho biết để đảm bảo quá trình tái tạo, tự phục hồi của da trong lúc ngủ diễn ra một cách trơn tru và duy trì được độ ẩm cần thiết, bạn cần có quy trình dưỡng da cơ bản, đầy đủ gồm làm sạch, cân bằng, dưỡng ẩm và điều trị.
Mặt khác, các tác nhân như ánh sáng từ đèn, thiết bị điện tử, nhiệt độ phòng hay không vận động về đêm sẽ dễ ảnh hưởng hiệu quả của lớp skincare trước đó. Đặc biệt, một số thành phần giúp kích thích tế bào sản sinh collagen và thúc đẩy làn da tái tạo biểu bì như retinol, vitamin C, niacinamide… đều nhạy cảm với ánh sáng xanh.
Việc tiếp xúc với ánh sáng xanh sẽ làm ức chế khả năng sản sinh ra hormone melatonin, gián đoạn quá trình tái tạo tế bào của cơ thể. Từ đó, hiệu quả của các chất đặc trị giảm đáng kể. Đôi khi, nó còn gây ra các tác dụng không mong muốn như tăng sắc tố hay kích ứng da.
Vì vậy, bạn hãy đảm bảo skincare trong “khung giờ vàng” là 21-23h để các dưỡng chất thẩm thấu tốt vào da, hạn chế dùng thiết bị điện tử, tắt hết chúng hoặc để xa nơi ngủ.