Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí da liễu Hoa kỳ chỉ ra các yếu tố nguy cơ phát triển loét tỳ đè ở bệnh nhân COVID-19 nhập ICU, là một mối quan tâm chăm sóc sức khỏe mới hiện nay.
Để xác định các yếu tố dự đoán về sự phát triển loét tỳ đè ở những bệnh nhân bị COVID-19 nặng, các nhà nghiên cứu đã xem xét hồ sơ y tế của những bệnh nhân nhập viện từ ngày 17 tháng 3 năm 2020 đến ngày 4 tháng 5 năm 2020.
Những bệnh nhân đủ điều kiện khi không có vết loét do tỳ đè lúc nhập viện và được chăm sóc ở ICU trong ít nhất 24 giờ. Vết loét được xác định theo ghi chú chăm sóc vết thương trong hồ sơ bệnh án.
Mô hình hồi quy logistic đa biến được sử dụng để xác định các yếu tố nguy cơ độc lập đối với loét tỳ đè, dựa trên dữ liệu và các xét nghiệm thu thập được trong vòng 24 giờ đầu tiên kể từ khi nhập viện.
Nghiên cứu đoàn hệ bao gồm 148 bệnh nhân, trong đó 37 bệnh nhân bị loét tỳ đè. Điểm số Braden trung bình là 16 (IQR 14-20), cho thấy nguy cơ loét tỳ đè từ trung bình đến nhẹ. Trong các mô hình hồi quy đã điều chỉnh, điểm Braden đều cho thấy có nguy cơ phát triển loét tỳ đè (P = 0,0486).
Các yếu tố dự đoán bổ sung bao gồm chỉ số khối cơ thể cao (P = 0,0353) và tăng số giờ trong ICU (P <.0001). Đáng chú ý, những bệnh nhân có D- dimer lớn hơn 0,5 μg / mL và fibrinogen dưới 2,0 mg / mL khi nhập viện có nguy cơ bị loét tỳ đè cao hơn 12 lần so với những bệnh nhân khác (OR 12,1; KTC 95% 1,86- 78,6; P = 0,0091).
Kết quả từ nghiên cứu cho thấy các yếu tố dự báo mức độ nặng của bệnh COVID-19 – bao gồm D-dimer, fibrinogen và chỉ số khối cơ thể – cũng có thể được sử dụng để đánh giá nguy cơ loét do tỳ đè.
Cơ chế chính xác của các yếu tố nguy cơ phát triển loét tỳ đè ở bệnh nhân COVID-19 nhập ICU sẽ là chủ đề của các nghiên cứu trong tương lai.