Nghe lời người quen, người đàn ông 33 tuổi, xin gốc rơm về đốt thành tro bôi lên mụn nước thủy đậu, sau đó bị nhiễm khuẩn.
Vài ngày trước, anh bị sốt, nổi mụn nước ở tay và mặt, gia đình xin gốc rơm đem về đốt thành tro rồi bôi lên các mụn nước. Sau đó, các đốm mụn vỡ, chảy mủ xanh, nhiễm khuẩn, đau rát, đến Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM khám.
Ngày 26/9, BSCKII Lê Vi Anh, Khoa Da liễu Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết bệnh nhân bị thủy đậu bội nhiễm, nhiễm trùng, do lấy tro bôi vào vết thương. Sau khi vệ sinh, tổn thương tạm ổn song vẫn có nguy cơ sẹo rỗ sâu, gây mất thẩm mỹ.
Thủy đậu là bệnh do virus Varicella Zoster gây ra, chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, giọt bắn từ mũi, miệng người bệnh, tiếp xúc trực tiếp quần áo, chăn gối của bệnh nhân, chất dịch khi các bọng nước bị vỡ. Bệnh có nhiều biến chứng như viêm phổi, não, điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động. Thời gian lây bệnh kéo dài, từ trước khi nổi ban đỏ một đến hai ngày đến lúc các bọng nước đóng vảy.
Nhiều người quan niệm mắc bệnh thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió, nên không tắm. Tuy nhiên, người mắc thủy đậu nên được vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách để tránh nhiễm khuẩn khiến tình trạng nặng hơn. Nên vệ sinh mắt mũi, răng miệng hàng ngày từ hai đến ba lần bằng nước muối 0,9%.
Tắm bằng nước ấm đun sôi để nguội, hạn chế dùng xà phòng để tránh gây viêm nhiễm khi chất này đọng lại ở các nốt bong tróc. Mặc quần áo thoáng mát, sau đó bôi xanh methylen để sát khuẩn.
Người dân phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine thủy đậu. Hiện chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Các bác sĩ chủ yếu giảm nhẹ triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước.
https://vnexpress.net/nhiem-trung-do-lay-tro-chua-thuy-dau-4657740.html