Đa số chúng ta khi bị nổi mụn nhọt đều chỉ tập trung điều trị tại chỗ. Tuy nhiên, đôi khi biểu hiện bất thường trên bề mặt da lại liên quan đến một bệnh lý đi kèm hoặc do sang thương ở các vị trí lân cận gây ra. Nếu không được xử trí tận gốc, bệnh tái đi tái lại, diễn tiến phức tạp gây biến chứng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Đi chữa nhọt mới biết bị áp xe xương hàm
Mới đây, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Thái Vân Thanh – Trưởng khoa Da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học y dược TPHCM – liên tiếp ghi nhận các trường hợp bị biến chứng nghiêm trọng liên quan tới mụn nhọt. Anh P.V.T. (25 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) đến khám vì mọc nhọt rất to tại vùng viềm hàm dưới. Khối nhọt này đã vỡ và đang thoát mủ, rỉ dịch.
Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó 2 tuần, anh bị đau răng khôn bên trái hàm dưới. Bệnh nhân đã mua thuốc giảm đau uống và thấy tình trạng thuyên giảm. Sau đó vài ngày, anh T. bị mọc nhọt như kể trên. Bệnh nhân đã tới cơ sở y tế gần nhà khám và được xử trí tại chỗ bằng cách rạch da cho thoát mủ kèm kháng sinh đường uống. Sau 10 ngày, cục nhọt vẫn cứng, sưng và rỉ dịch, gây biến dạng viền gương mặt khiến bệnh nhân đau nhức, khó chịu.
Tại thời điểm thăm khám cho anh T., bác sĩ Vân Thanh nhận thấy cục nhọt là một khối cứng, chính giữa có lỗ thoát dịch (hệt như mụn nhọt thông thường). Tuy nhiên, nhọt thông thường sẽ lồi lên trên nền sưng nề, còn cục nhọt của anh T. khi sờ vào lại có cảm giác lõm nhẹ. Bác sĩ lần từ cục nhọt, thấy có một đường rò sâu vào trong phía xương hàm. Nghi ngờ nguyên nhân từ chiếc răng khôn, bác sĩ chỉ định bệnh nhân chụp X-quang.
Như dự đoán, bệnh nhân có một ổ áp xe từ nướu (vị trí chiếc răng khôn hàm dưới bên trái) đi sâu qua xương hàm và rò ra ngoài da (chính là vị trí của cục nhọt nơi viền hàm). Trường hợp này, nếu chỉ xử lý tại chỗ và cho kháng sinh đường uống, cục nhọt cứ rỉ mủ tái đi tái lại. Hơn nữa, độc lực của vi khuẩn gây áp xe từ nướu răng rất cao, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ làm hoại tử một phần xương hàm dưới. Chưa kể, bệnh nhân còn có nguy cơ nhiễm trùng máu, thậm chí bị đe dọa tính mạng. Anh T. đã được chuyển sang Khoa Răng – Hàm – Mặt để phối hợp điều trị.
Nhọt ở mũi bắt nguồn từ chiếc răng cửa
Tiếp đến là trường hợp của bệnh nhân N.K.V. (20 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM). Chị V. tới khám tại Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da vì xuất hiện một cục nhọt trong lỗ mũi. Không chỉ thế, bên cánh mũi của bệnh nhân cũng nổi nhọt. Bệnh nhân đã đi khám tai – mũi – họng ở phòng khám gần nhà và được rạch tháo mủ. Thế nhưng chỉ đỡ được một thời gian, vị trí cục nhọt cũ lại sưng tấy, chứa mủ, rỉ dịch khiến cuộc sống của chị V. bị đảo lộn nghiêm trọng.
Bên cạnh những cơn đau nhức khiến chị V. không thể tham gia các hoạt động thường ngày, bệnh nhân còn bị mặc cảm về thẩm mỹ. Kể từ khi nổi nhọt ở vùng mũi, lúc nào bệnh nhân cũng đeo khẩu trang. Theo bác sĩ Vân Thanh, chỉ những người bị suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, tăng huyết áp mới hay bị các tổn thương bề mặt da tái đi tái lại. Tuy nhiên, V. lại hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh nền mạn tính.
Sau khi hỏi han bệnh sử, bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân xuất phát từ bệnh lý răng miệng. Lúc này, V. chia sẻ rằng một chiếc răng cửa hàm trên của chị bị viêm tủy nhưng do quá bận, chị chưa thu xếp đi chữa. Bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân chụp X-quang. Kết quả ghi nhận chiếc răng cửa của chị V. có ổ áp xe ở nướu. Ổ áp xe này đục vào tận xương hàm trên, xuyên qua nền lỗ mũi và rò mủ ra ngoài.
Ổ áp xe là một tổ chức viêm nhiễm chứa đầy mủ gồm vi khuẩn và xác bạch cầu, mảnh vụn… do tình trạng nhiễm trùng hoặc ký sinh trùng gây ra. Áp xe được chia làm 2 dạng: áp xe mô hoặc áp xe bên trong cơ thể. Các ổ áp xe ở mô thường có hình thái giống như nhọt, có thể mọc ở bất kỳ vị trí nào. Ta có thể ghi nhận ổ áp xe ở vùng nách, âm đạo, nướu… Bên trong cơ thể (gan, thận, não, vú…) cũng có thể xuất hiện ổ áp xe.
PGS.TS.BS Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược
Qua đó, bác sĩ Vân Thanh khuyến cáo, nếu thấy trên da xuất hiện nhọt sưng viêm tái đi tái lại, cần đi khám chuyên khoa để được xử trí kịp thời. Trên thực tế, bệnh nhân nổi nhọt ở đầu/mặt/cổ thường đi khám chuyên khoa ở vị trí bị tổn thương. Thế nhưng đa phần bệnh nhân chỉ được xử trí triệu chứng (rạch cho thoát mủ và uống kháng sinh). Nếu cục nhọt đó là lỗ mủ rò ra ngoài da từ một ổ áp xe ở vị trí khác, làm như vậy chỉ chữa phần ngọn, không thể giải quyết căn nguyên gây bệnh.
Cách nhận biết trên cơ thể có ổ áp xe: bỗng dưng bị nổi 1 khối mềm như cục nhọt, da vùng này sưng nề, sờ vào thấy đau. Bệnh nhân có thể bị sốt, mệt mỏi khi khối nhiễm trùng lan rộng. Thậm chí, với những ổ áp xe sâu, bệnh nhân còn sốt cao, ớn lạnh, suy kiệt…
Đối với ổ áp xe nông ngoài da, bệnh nhân chỉ cần điều trị bằng cách rạch thoát mủ, nhét gạc, uống kháng sinh theo chỉ định là nhọt sẽ tự teo lại. Tuy nhiên, với những ổ áp xe sâu dưới da, nếu không can thiệp sớm và đúng cách, có thể tạo ra đường rò, phá hủy một vùng mô sâu rộng, khiến việc điều trị khó khăn hơn. Những đối tượng có nguy cơ cao xuất hiện ổ áp xe là người suy giảm miễn dịch, bị nhiễm trùng do một bệnh lý đi kèm (răng miệng), đề kháng kém, thường xuyên sử dụng corticoid, vệ sinh kém…
Nỗi ám ảnh mang tên “áp xe” – Báo Phụ Nữ (phunuonline.com.vn)