Theo một nghiên cứu được báo cáo tại Hội nghị khoa học thường niên của Hội Da liễu Hoa Kỳ (AAD), povorcitinib được chứng minh có liên quan đến sự tái tạo sắc tố đáng kể ở những bệnh nhân bạch biến không phân mảnh.
Bác sĩ Amit G. Pandya, thuộc khoa Y của Đại học Texas (Mỹ), cho biết: “Bệnh bạch biến thường khó kiểm soát do tính chất tiến triển của nó và việc đáp ứng kém với các phương pháp điều trị ở hầu hết những người bệnh. Tôi rất vui mừng về kết quả của nghiên cứu cho thấy povorcitinib, dạng viên uống tiện lợi, có thể được sử dụng để điều trị bệnh bạch biến và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.”
Bác sĩ Pandya đã trình bày kết quả từ nghiên cứu giai đoạn 2b, mù đôi, có đối chứng, với các liều lượng khác nhau, đánh giá hiệu quả và độ an toàn của povorcitinib ở những bệnh nhân bạch biến diện rộng. Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên báo cáo những phát hiện về chất ức chế Janus kinase 1 (JAK1) chọn lọc bằng đường uống trong điều trị bạch biến.
Tổng cộng có 171 bệnh nhân từ 18 đến 75 tuổi được chỉ định ngẫu nhiên dùng povorcitinib 45 mg (n = 43), 75 mg (n = 42), 15 mg (n = 43) hoặc giả dược (n = 43) một lần mỗi ngày trong 24 tuần.
Bệnh nhân được theo dõi thêm 28 tuần sau đó, trong đó nhóm 45 mg tiếp tục dùng liều cũ và các nhóm khác được chỉ định dùng povorcitinib 75 mg. Dữ liệu được trình bày phản ánh quá trình điều trị trong suốt 36 tuần.
Các đánh giá về hiệu quả bao gồm sự thay đổi phần trăm trong chỉ số T-VASI (Total Vitiligo Area Scoring Index) bao gồm các vùng cơ thể không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Theo bác sĩ Pandya, đây là một ưu điểm của nghiên cứu vì ánh sáng mặt trời có tác động trong điều trị bệnh bạch biến.
Đánh giá hiệu quả bổ sung bằng tỷ lệ phần trăm bệnh nhân đạt được T-VASI 50, Facial-VASI (F-VASI) 50 và F-VASI 75.
Kết quả cho thấy tỷ lệ phần trăm T-VASI thay đổi so với ban đầu cao hơn về mặt thống kê ở những bệnh nhân được điều trị bằng povorcitinib so với giả dược ở tuần 24. Bệnh nhân thấy thay đổi 19,1% với liều 15 mg, 17,8% với liều 45 mg và 15,7% thay đổi với liều 75 mg, thay đổi –2,3% với giả dược (P <0,001 cho tất cả).
Trong các nhóm dùng povorcitinib 15 mg, 45 mg và 75 mg, tỉ lệ lần lượt đạt được T-VASI 50 là 10,5%, 16,2% và 5,6%, so với 3% của nhóm giả dược ở tuần 24.
Ngoài ra, những người được điều trị bằng 45mg povorcitinib cho thấy hiệu quả cao hơn ở F-VASI 50 (45,5%) và F-VASI75 (18,2%) so với các liều 15mg và 75mg.
Tất cả các liều povorcitinib được dung nạp tốt và có tính an toàn. Tổng cộng có 13 tác dụng phụ xuất hiện đã được báo cáo, mặc dù các nhà nghiên cứu đã xác định không có tác dụng phụ nào liên quan đến điều trị.
Bác sĩ Pandya nói rằng: “Tôi được khuyến khích tập trung vào việc mở rộng lựa chọn các phương pháp điều trị. Tôi tin rằng những dữ liệu này sẽ làm nổi bật tiềm năng điều trị bằng đường uống đối với bệnh nhân bạch biến không phân mảnh diện rộng.”