Một nghiên cứu mới đây nhấn mạnh tầm quan trọng của các bác sĩ da liễu trong việc đăng tải thông tin về những phương pháp điều trị mụn khoa học trên Instagram.
Nghiên cứu gần đây trên các bài đăng về mụn trên Instagram cho thấy các nội dung này không có sự thống nhất về nội dung và rất ít bài trong số này được đăng bởi bác sĩ da liễu.
Nghiên cứu trước đây về những video trên YouTube cũng cho thấy những video về việc sử dụng isotretinoin trong điều trị mụn cũng không có sự thống nhất về mặt thông tin và chất lượng nội dung của hầu hết các video này chỉ đạt ở mức trung bình trở xuống.
Điều này thôi thúc nhóm nghiên cứu của BS. Suzanne C.Ward, Đại học California, Irvine thực hiện nghiên cứu trên các bài đăng về da có trên Instagram.
Phương pháp
Nhóm nghiên cứu tìm những bài đăng thịnh hành nhất trên Instagram dựa vào hashtag #acne trước khi tiến hành phân tích nguồn gốc và nội dung của chúng.
Đến tháng 4 năm 2020, sau khi loại đi các bài đăng không liên quan đến mụn, không được viết bằng tiếng Anh và trùng lắp trong 900 bài tìm được, có khoảng 439 được đưa vào phân tích dựa trên lượt thích (like) và theo dõi (follower). Các con số sẽ được phân tích phương sai 1 biến số ANOVA dựa vào phần mềm phân tích số liệu ToolPak trên Microsoft Excel.
Kết quả
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khá nhiều bài đăng về mụn thịnh hành đều được viết bởi các Influencer và chỉ có 17 bài trong số này là được viết bởi bác sĩ da liễu (chiếm chưa đến 4%).
Mặc dù, bác sĩ da liễu có lượng người theo dõi tương đương với các influencer (P=0,58) nhưng hình ảnh của họ có ít lượt thích hơn (P=0,011). Ngạc nhiên hơn là các nhà phân phối sản phẩm lại có nhiều lượt theo dõi hơn các nhóm khác (P=0,02)
Các tài khoản Instagram được phân tích trong nghiên cứu đa phần đều tăng tính tin cậy cho lời khuyên của họ dựa trên “mác” chuyên gia thẩm mỹ, dược sĩ, bác sĩ dinh dưỡng, nha sĩ hay trên các chứng chỉ chuyên môn mà họ có được.
Trong số các bài đăng được đánh giá trong nghiên cứu có 232 bài quảng cáo cho sản phẩm, 82 bài viết về kiến thức liên quan đến mụn, 48 bài quảng cáo cho các trung tâm y khoa hay trung tâm thẩm mỹ, 35 bài về các phương thức điều trị mụn tại nhà, 31 bài về việc thay đổi lối sống và 11 bài viết về yếu tố dịch tễ của mụn.
Gần một nửa bài đăng có đề cập đến phương thức điều trị mụn và có 124 nguyên liệu được cho là có khả năng điều trị mụn.
Chỉ có 11% bài đăng đưa ra lời khuyên điều trị dựa trên các chứng cứ loại A được đề cập trong guideline của AAD còn đa số các bài đều tập trung giới thiệu các phương thức dùng các thuốc không cần kê toa.
Ward và cộng sự cũng cho biết rằng cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác định được rằng bệnh nhân có quan tâm về nguồn của thông tin bài viết hay không và liệu rằng việc đọc những bài đăng như vậy có ảnh hưởng đến thái độ hay hành vi của họ hay không?
Nhóm nghiên cứu nói thêm “Nghiên cứu cho thấy nội dung của các bài đăng hiện nay không thống nhất với nhau và rất ít bài trong số đó được viết bởi bác sĩ da liễu. Vì vậy các bác sĩ da liễu cần liên kết với nhau để tạo ra những bài đăng về mụn có tính khoa học cao dựa trên y học bằng chứng trên Instagram.