Thuốc sinh học có khả năng nhắm trúng đích thành phần rối loạn của hệ miễn dịch gây nên bệnh vảy nến, từ đó điều trị bệnh hiệu quả và hạn chế được ảnh hưởng lên gan, thận
Thuốc sinh học là gì?
Thuốc sinh học là một phương pháp mới trong điều trị vảy nến. Thuốc sinh học có khả năng nhắm trúng đích thành phần rối loạn của hệ miễn dịch gây nên bệnh vảy nến từ đó điều trị bệnh hiệu quả và hạn chế được ảnh hưởng lên gan, thận và các cơ quan khác như các cách điều trị cổ điển.
Các loại thuốc sinh học được chấp thuận để điều trị vảy nến như:
- Infliximab (Remicade®): bệnh nhân vảy nến >18 tuổi, viêm khớp vảy nến
- Bimekizumab (Bimzelx®)
- Etanercept (Enbrel®): bệnh nhân vảy nến >4 tuổi, viêm khớp vảy nến
- Adalimumab (Humira®): bệnh nhân vảy nến >4 tuổi, viêm khớp vảy nến
- Ustekinumab (Stelara®): bệnh nhân vảy nến >18 tuổi, viêm khớp vảy nến
- Secukinumab (Cosentyx®), vảy nến và viêm khớp vảy nến
- Ixekizumab (Taltz®)
- Brodalumab (Siliq®)
- Guselkumab (Tremfya®)
- Tildrakizumab (Ilumya®)
- Risankizumab (Skyrizi®).
Tại Bệnh viện Đại Học Y Dược TP. HCM, bệnh nhân vảy nến đang được điều trị với thuốc Ustekinumab (Stelara®) một loại thuốc kháng IL-12/23 bằng đường tiêm dưới da. Sắp tới đây, bệnh viện sẽ triển khai thêm một loại thuốc sinh học nữa là Guselkumab (Tremfya®) ức chế chuyên biệt IL-23, bằng đường tiêm dưới da.
Thuốc sinh học được chỉ định chính trong điều trị vảy nến thể mảng trung bình – nặng, viêm khớp vảy nến và vảy nến không đáp ứng với Methotrexate.
Tuy nhiên, một số trường hợp khác cũng sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc sinh học dựa vào đặc điểm lâm sàng và sự ảnh hưởng của bệnh đối với chất lượng cuộc sống.
Với nhiều bệnh nhân, điều trị với thuốc sinh học thay đổi cuộc sống của họ khi thuốc kiểm soát được các triệu chứng của bệnh sau khi các điều trị cổ điển thất bại.
Thuốc sinh học ngăn chặn các phản ứng trong cơ thể gây ra bệnh vảy nến và các triệu chứng. Với viêm khớp vẩy nến, thuốc sinh học có thể ngăn chặn các cơn đau, cứng và sưng khớp, đồng thời ngăn viêm khớp vảy nến diễn tiến nặng hơn hơn và gây ra nhiều tổn thương hơn cho khớp.
Tính an toàn và hiệu quả
Tính an toàn
Nhiễm trùng nặng là vấn đề cần được lưu ý nhất khi điều trị với thuốc sinh học. Vì lý do này, các bác sĩ da liễu sẽ sàng lọc cẩn thận từng bệnh nhân trước khi quyết định dùng thuốc sinh học.
Bệnh nhân cần thực hiện một số xét nghiệm trước điều trị bao gồm xét nghiệm máu và xét nghiệm vi trùng lao (TB). Một số xét nghiệm khác sẽ được chỉ định trong các trường hợp cụ thể.
NÓI VỚI BÁC SĨ CÁC VẤN ĐỀ SỨC KHỎE MÀ BẠN ĐANG MẮC PHẢI : Hãy chắc chắn rằng bác sĩ điều trị biết rõ bạn đang dùng các loại thuốc nào, kể cả các thuốc bạn tự mua hoặc không được kê toa.
Hiệu quả
Các nghiên cứu cho thấy rằng các thuốc sinh học điều trị vảy nến và viêm khớp vảy nến có hiệu quả cao. Đối với bệnh nhân vảy nến từ trung bình đến nặng hoặc viêm khớp vảy nến, thuốc sinh học là phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện có.
Thuốc sinh học sẽ hiệu quả hơn khi được duy trì liên tục. Dừng lại và bắt đầu lại có thể làm mất tác dụng của thuốc sinh học và đôi khi gây ra một số tác dụng phụ nhất định.
KHÔNG PHẢI THUỐC SINH HỌC NÀO CŨNG HIỆU QUẢ VỚI BẠN: Không có một loại thuốc nào là phù hợp với tất cả bệnh nhân. Có thể một thuốc không hiệu quả với bạn, nhưng một loại thuốc khác lại kiểm soát bệnh tốt.
Một loại thuốc sinh học cũng có thể mất hiệu quả điều trị sau khi dùng một thời gian. Khi đó, một thuốc sinh học khác được dùng để thay thế.
Mặc dù thuốc sinh học có thể mất tác dụng theo thời gian, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng đối với nhiều người, thuốc sinh học vẫn là phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn trong thời gian dài.
Thời gian dùng thuốc sinh học
Thuốc sinh học có thể sử dụng lâu dài với tính an toàn cao để kiểm soát các triệu chứng của bệnh vảy nến.
Cách sử dụng thuốc sinh học
Tuỳ theo loại thuốc, nhưng hầu hết các thuốc sẽ được dùng qua đường tiêm hoặc truyền dịch. Ví dụ: Infliximab được dùng qua đường truyền dịch.
Tần suất bạn dùng thuốc sinh học thay đổi từ 2 lần/tuần đến mỗi 3 tháng 1 lần.
Tại Bệnh viện Đại Học Y Dược, thuốc được dùng là Ustekinumab (Stelara®) qua đường tiêm dưới da với tần suất mũi 1 cách mũi 2 là 1 tháng, sau đó duy trì tiêm 1 lần mỗi 3 tháng.
Tác dụng phụ của thuốc sinh học
Hầu hết các tác dụng phụ là nhẹ và không khiến bệnh nhân ngừng dùng thuốc. Một số tác dụng phụ phổ biến bao gồm:
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Phản ứng da nơi tiêm thuốc
- Các triệu chứng giống như cúm
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Đau đầu
Tuy nhiên dữ kiện lâm sàng cho thấy, tỷ lệ các tác dụng phụ này không cao hơn các thuốc vảy nến điều trị cổ điển lâu nay.