Một thử nghiệm lâm sàng được công bố trên tạp chí Dermatologic Therapy cho thấy tính hiệu quả của việc kết hợp điều trị rám má bằng thuốc thoa chứa acid tranexamic 5% và tái tạo da bằng acid glycolic 30%.
So sánh với tái tạo da bằng acid glycolic đơn thuần, việc điều trị kết hợp acid tranexamic với acid glycolic giúp cải thiện nhiều và nhanh chóng hơn tình trạng rám má.
Thử nghiệm được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2018 tại một cơ sở y tế ở Bắc Ấn Độ. Những người trưởng thành bị rám má thượng bì được chỉ định ngẫu nhiên thực hiện phương pháp điều trị kết hợp tái tạo da bằng acid glycolic 30% và thoa acid tranexamic 5% hoặc điều trị tái tạo da bằng acid glycolic 30% đơn thuần.
Phương pháp tái tạo da bằng acid glycolic được bác sĩ thực hiện 2 tuần một lần và bệnh nhân thoa acid tranexemic 2 lần một ngày. Tổng thời gian điều trị là 12 tuần. Mục đích nghiên cứu là đánh giá và so sánh độ cải thiện tình trạng rám má của phương pháp điều trị phối hợp và phương pháp điều trị tái tạo da bằng acid glycolic đơn lẻ bằng cách sử dụng thang điểm đánh giá độ nặng của rám má MASI.
Tình trạng rám má và chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe cũng được ghi lại bằng cách sử dụng các phiên bản tiếng Hindi của thang đo chất lượng cuộc sống của bệnh nhân rám má và chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe. Bệnh nhân được yêu cầu phải báo cáo bất kỳ tác dụng phụ nào có xảy ra.
Tổng số 60 bệnh nhân đã tham gia nghiên cứu, trong đó có 30 người cho mỗi nhánh điều trị. Các đặc điểm lâm sàng và nhân khẩu học cơ bản được so sánh giữa các nhóm.
Tuổi trung bình là 34,0 ± 5,7 tuổi ở nhóm điều trị kết hợp và 32,4 ± 6,2 tuổi ở nhóm đơn trị liệu bằng acid glycolic. Thời gian mắc bệnh trung bình lần lượt là 4,1 ± 3,1 và 3,1 ± 2,6 năm ở nhóm phối hợp và nhóm chứng. Đa số bệnh nhân là phụ nữ.
Bệnh nhân được điều trị kết hợp đã giảm đáng kể chỉ số MASI vào tuần thứ 4 (P = 0,002 so với ban đầu), và bệnh nhân trong nhóm chứng không có cải thiện đáng kể cho đến tuần thứ 6 (P <0,001). Ở tuần thứ 12, kết quả nghiên cứu ghi nhận điểm MASI trung bình thấp hơn ở nhóm điều trị phối hợp, mặc dù sự khác biệt giữa các nhóm không có ý nghĩa thống kê (P = 0,186).
Thang điểm chất lượng cuộc sống được so sánh trong các nhóm nghiên cứu trong suốt thời gian thử nghiệm. Các tác dụng phụ xảy ra phổ biến hơn với liệu pháp kết hợp, nhưng tất cả đều ở mức độ nhẹ, không có tác dụng phụ đáng kể nào được quan sát thấy.
Dựa trên những kết quả này, các nhà nghiên cứu tin rằng sự kết hợp của thuốc thoa tại chỗ acid tranexamic 5% với tái tạo da bằng acid glycolic 30% có thể giúp giải quyết tình trạng rám má nhanh hơn so với phương pháp tái tạo da bằng acid glycolic đơn thuần.
Tuy nhiên, vì đặc điểm nhóm đối tượng tham gia nghiên cứu nhỏ và thời gian theo dõi ngắn đã hạn chế khả năng tổng quát hóa của dữ liệu. Vì thế cần có nhiều nghiên cứu sâu rộng hơn để xác nhận tính an toàn và tiện ích của liệu pháp kết hợp điều trị rám má, đặc biệt là về lâu dài.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Sự kết hợp giữa sản phẩm acid tranexamic thoa tại chỗ với tái tạo da acid glycolic 30% là an toàn và có thể dung nạp được với các tác dụng phụ tối thiểu như bỏng rát nhẹ, cảm giác châm chích và ngứa ở một số bệnh nhân. Do đó, việc điều trị kết hợp này được đánh gía là an toàn và hiệu quả để giúp đạt được đáp ứng điều trị sớm hơn.”