Bệnh vảy nến cũng có thể ảnh hưởng đến móng. Hầu hết bệnh nhân phát triển vảy nến móng nhiều năm sau khi vảy nến da. Đôi khi bệnh nhân có thể bị bệnh vảy nến móng mà không có dấu hiệu bệnh vảy nến trên da.
Nếu bạn bị bệnh vảy nến, bạn nên kiểm tra móng tay và móng chân của bạn để tìm dấu hiệu của bệnh vảy nến móng.
Các dấu hiệu phổ biến bao gồm:
- Những vết lõm nhỏ trên móng tay của bạn (được gọi là “rỗ móng”)
- Móng đổi màu trắng, vàng hoặc nâu
- Móng tay dễ gãy
- Móng tay tách ra khỏi giường móng tay hoặc chân
- Dày sừng dưới móng
- Máu tụ dưới móng tay
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này hoặc một vấn đề khác với móng tay, hãy nói với bác sĩ da liễu.
Điều trị có thể giúp khống chế bệnh vảy nến móng và giảm đau.
Nếu không điều trị, bệnh vảy nến móng tay có thể trở nặng gây khó chịu hoặc thậm chí đau đớn.
Những thay đổi ở móng tay cũng có thể là dấu hiệu của một loại viêm khớp gọi là viêm khớp vảy nến.
Tái khám đúng hẹn có thể giúp phát hiện sớm bệnh vảy nến móng và viêm khớp vảy nến.
Điều trị sớm có thể ngăn ngừa cả bệnh vảy nến móng và viêm khớp vảy nến từ đó giúp giảm bớt những ảnh hưởng mà bệnh có thể gây ra giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh.
Dấu hiệu thường gặp của bệnh vảy nến móng tay
Những vết lõm nhỏ trên móng tay (rỗ), đổi màu trắng và li móng (móng tay tách ra khỏi ngón tay) đều là những dấu hiệu phổ biến.
Hầu hết bệnh nhân bị vảy nến mảng sẽ xuất hiện vảy nến móng
Trong hình có 3 dấu hiệu của bệnh vảy nến móng: đổi màu, li móng, dày sừng dưới móng(mũi tên).
Vảy nến móng thường xuất hiện sau vảy nến trên da nhiều năm
Các đường gãy, móng tay tách khỏi giường móng, máu tụ dưới móng là các dấu hiệu cho thấy bệnh vảy nến đã ảnh hưởng đến móng.
Vảy nến móng có thể nhẹ
Khi bạn đang mắc vảy nến và móng ta xuất hiện các đường gờ như hình hoặc các điểm tụ máu (mũi tên), có thể bạn đang bị vảy nến móng.
Các cải thiện sau điều trị có thể xảy ra chậm
Móng chỉ mọc 1mm mỗi tháng, nên có thể phải mất 6 tháng để móng phục hồi lại tình trạng ban đầu.
Các điều trị vảy nến móng hiện nay
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh vảy nến móng. Kế hoạch điều trị có thể bao gồm một hoặc nhiều phương pháp sau đây.
Thuốc thoa tại chỗ: Hữu ích khi bệnh vảy nến ở móng thể nhẹ, mới mắc hoặc ảnh hưởng chỉ một vài móng tay.
Móng mọc chậm, vì vậy bạn cần áp dụng các phương pháp điều trị này trong ít nhất 6 tháng, thường là 1-2 lần một ngày.
Vảy nến móng đôi khi khá khó điều trị nên bạn có thể cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị. Trong nhiều trường hợp, hai loại thuốc được kết hợp để mang lại hiệu quả tốt hơn.
Điều trị tại chỗ bao gồm những thuốc sau đây:
- Corticosteroid mạnh hoặc rất mạnh: hữu ích đối với hầu hết các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vảy nến móng. An toàn khi sử dụng thuốc một hoặc hai lần một ngày. Bác sĩ da liễu sẽ cho bạn biết bạn có thể sử dụng thuốc trong bao lâu.
- Calcipotriol: Có nguồn gốc từ vitamin D, loại rất hữu ích để điều trị các vụn tích tụ phát triển bên dưới móng.
- Tazarotene: Có nguồn gốc từ vitamin A, thuốc này có thể điều trị rỗ, li móng hoặc đổi màu. Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ da liễu khi bôi thuốc này, vì nó có thể gây kích ứng vùng da xung quanh.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc duy trì sử dụng thuốc bôi hoặc điều trị với thuốc bôi không hiệu quả, bạn nên trò chuyện với bác sĩ da liễu để thay đổi điều trị bằng một trong các phương pháp sau đây:
- Tiêm corticosteroid (hoặc một loại thuốc điều trị vảy nến khác): điều trị hiệu quả dày sừng dưới móng, đường gờ móng tay, móng dày lên và li móng. Bác sĩ da liễu sẽ tiêm thuốc này trực tiếp ở móng hoặc xung quanh móng có dấu hiệu của bệnh vảy nến móng. Hầu hết bệnh nhân được tiêm thành từng đợt cách nhau 4 đến 6 tuần.
- Điều trị bằng tia laser: Mặc dù tia laser đã được nghiên cứu để điều trị bệnh vảy nến móng, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi tia laser trở thành phương pháp điều trị được khuyến nghị.
- Điều trị toàn thân: Nếu bạn bị vảy nến nặng và vảy nến móng, bác sĩ da liễu có thể kê thuốc uống có thể điều trị cả da và móng. Cũng như các phương pháp điều trị bệnh vảy nến móng khác, cần vài tháng để thấy kết quả. Các thuốc điều trị toàn thân có thể kể đến như: Thuốc sinh học, Methotrexate, Acitretin, Cyclosporine, Apremilast.
Nhiễm trùng móng tay cũng cần được điều trị
Bác sĩ da liễu sẽ kiểm tra móng tay của bạn tại mỗi lần tái khám. Khi kiểm tra móng tay, bác sĩ da liễu cũng tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm trùng.
Nếu bác sĩ da liễu thấy có khả năng bị nhiễm trùng, có thể sẽ cần cắt một phần móng tay của bạn hoặc cạo một số mảnh vụn bên dưới để xét nghiệm xem bạn có bị nhiễm trùng hay không.
Nếu bạn bị nhiễm trùng móng, bạn sẽ cần điều trị.
Link: https://www.aad.org/public/diseases/psoriasis/treatment/genitals/nails