Trong 1 lá thư gửi đến biên tập viên được đăng trên Dermatologic Therapy, bác sĩ Lamia Hamouda Elgarhy thuộc đại học Tanta, Ai Cập đã đưa ra giả thuyết “Phải chăng điều trị mụn bằng isotretinoin có thể làm giảm nguy cơ mắc hội chứng hô hấp cấp nặng gây ra bởi SARS-CoV-2 (hay còn gọi là bệnh COVID-19)?”
Isotretinoin là dẫn xuất của axit retinoic thường được dùng trong điều trị mụn trứng cá và hoạt chất này có khả năng điều hòa, làm giảm số lượng thụ thể ACE 2 (các thụ thể này giúp virus SARS-CoV-2 vào tế bào và sao chép một cách dễ dàng).
Những người mắc bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường có thể dễ mắc COVID-19 hơn vì thuốc ức chế thụ thể angiotensin II típ 1 (1 loại thuốc thường dùng để điều trị 2 bệnh này) có thể làm tăng biểu hiện của thụ thể ACE 2 trên bề mặt tế bào.
Vì istotretinoin được chứng minh là có thể làm giảm số lượng thụ thể ACE 2 trên bề mặt tế bào nên bác sĩ Elgarhy cho rằng điều trị bằng thuốc này có thể làm giảm lượng virus SARS-CoV-2 vào trong tế bào. Nhưng những người lớn tuổi (những người có nguy cơ cao nhiễm virus này) lại thường không uống isotretinoin vì mụn chỉ thường xuất hiện ở thanh thiếu niên và người trẻ.
Vì vậy, giả thiết điều trị bằng isotretinoin có tác dụng làm giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 trên các bệnh nhân có bệnh chuyển hóa đi kèm hay người già cần phải được xem xét lại.
Bác sĩ Elgarhy viết trong thư rằng “Isotretinoin có khả năng ức chế 1 loại protein được tổng hợp từ gene của virus SARS-CoV-2 (men protease tương tự papain_ PLpro). Protein này là một dạng men khử ubiquitin, có khả năng điều hòa “Cơ chế ubiquitin hóa tế bào vật chủ”, giúp virus dễ tấn công vào tế bào.”
Dựa vào những bằng chứng hiện tại, PLpro có thể là mục tiêu chính cần tác động khi điều trị loại virus này. Ở những bệnh nhân HIV, isotretinoin có thể làm tăng số lượng tế bào CD4, giảm lượng virus trong máu. Hơn nữa, isotretinoin còn có thể làm giảm viêm và làm gia tăng các cơ chế miễn dịch khác nhau.
Mặc dù có các bằng chứng ủng hộ vai trò của isotretinoin trong điều trị COVID-19 nhưng bác sĩ Elgarhy vẫn lưu ý rằng cần thêm nhiều nghiên cứu in vitro và in vivo nữa để xác định được liệu phương pháp điều trị mụn có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không.