Axit hyaluronic (hyaluronan, HA) là một polysaccharide mạch thẳng, có thể tạo thành một phân tử hút nước khổng lồ. Do đó góp phần tạo nên sự đàn hồi cho làn da khỏe mạnh. HA có chức năng sinh học và sinh lý rất quan trọng mà trước đây không được đánh giá cao.
Tế bào da sản xuất HA
Nghiên cứu mới xác nhận rằng HA được sản xuất bởi hầu hết các tế bào da, không chỉ nguyên bào sợi mà còn cả tế bào sừng.
Đối với nguyên bào sợi và tế bào sừng, HA đóng vai trò điều hòa trong việc kiểm soát sinh lý tế bào thông qua sự tương tác của HA ngoại bào với thụ thể CD44 trên bề mặt tế bào.
Tương tác này trung gian phát sinh tín hiệu nội bào trực tiếp và gián tiếp, thông qua các tác động CD44 với khung xương tế bào (cytoskeleton) và với các thụ thể EGF và TGFβ.
HA nguyên vẹn có xu hướng phát huy tác dụng chống viêm thông qua CD44, trong khi các đoạn nhỏ và kích thước trung bình (oligosaccharide) gây viêm thông qua các thụ thể giống Toll (Toll-like receptor ).
Thêm vào đó, sự phân hủy HA bởi các hyaluronidase tạo ra các đoạn HA có thể giúp điều hoà các quá trình viêm.
Bác sĩ da liễu thẩm mỹ dùng hyaluronidase điều trị các biến chứng của chất làm đầy
Hầu hết các bác sĩ da liễu (và bệnh nhân) sẽ nghĩ tới chất làm đầy khi nghe đến thuật ngữ HA.
Bất chấp chỉ định off-label, mọi bác sĩ da liễu thẩm mỹ đều phải có sẵn hyaluronidase để điều trị các biến chứng của chất làm đầy HA như tổn thương mạch máu, hiệu ứng Tyndall hoặc hình thành u hạt. Hyaluronidase có bán trên thị trường (Amphadase, Vitrase, Hylenex) và được sử dụng bằng đường tiêm.
Các chỉ định đã được phê duyệt bao gồm tăng tính thấm dưới da của thuốc tiêm, cải thiện sự tái hấp thu các tác nhân radiopaque trong quá trình chụp X-quang bể thận bằng cách tiêm dưới da và giúp tiêm dưới da một lượng dịch tương đối lớn.
Theo Mo và cộng sự: “Các tác dụng phụ liên quan đến điều trị bằng hyaluronidase là cực kỳ hiếm”.
Dưới 0,1% bệnh nhân có phát ban hoặc phù mạch, và chưa có tài liệu nào ghi nhận trường hợp sốc phản vệ.
Patch test được khuyến khích đối với các nhãn hiệu hyaluronidase có nguồn gốc từ động vật. Chống chỉ định sử dụng trong trường hợp phản ứng dương tính (nổi mề đay và ngứa trong vòng 30 phút).
Hyaluronidase – liệu pháp hiệu quả cho xơ cứng bì
Liên quan đến lo ngại rằng việc sử dụng lượng lớn hyaluronidase có thể phá vỡ HA tự nhiên của cơ thể và dẫn đến các khiếm khuyết về thẩm mỹ, các tác giả trích dẫn các nghiên cứu chứng minh rằng số lượng lớn hyaluronidase có hiệu quả trong việc nhắm tới mục tiêu là HA filler mà không gây tổn hại đáng kể đến HA tự nhiên.
Sự an toàn có thể là do sự tái tạo nhanh chóng của HA tự nhiên, trong đó 1/3 HA tự nhiên bị chia cắt và tái tạo hàng ngày.
Nếu bạn là một bác sĩ da liễu chuyên về bệnh học, chưa từng sử dụng hyaluronidase, các nghiên cứu gần đây sẽ cho bạn một góc nhìn khác.
Một trong những biểu hiện suy nhược nhiều nhất của bệnh xơ cứng bì là khó hoạt động miệng (microstomia). Bất kỳ phương pháp điều trị nào có thể cải thiện tình trạng nhai, phát âm và vệ sinh răng miệng đều mang lại giá trị.
Melvin và cộng sự đã báo cáo sự cải thiện microstomia ở một phụ nữ 53 tuổi bằng cách tiêm hyaluronidase, được ghi nhận giảm MHISS (mouth handicap in systemic sclerosis score-triệu chứng ở miệng trong thang điểm xơ cứng bì hệ thống).
Hoesly và cộng sự đã trình bày hai trường hợp phù niêm trước xương chày và cả hai đều đáp ứng tốt với hyaluronidase. Bệnh nhân đầu tiên đã kháng trị với clobetasol và pentoxifylline, bệnh nhân thứ hai chưa điều trị.
Eisert và Nast mô tả hai trường hợp sẹo lồi nặng không đáp ứng với phẫu thuật trước đó. Cả hai bệnh nhân đều có kết quả ấn tượng với sự kết hợp của phẫu thuật lạnh, triamcinolone, 5-fluorouracil và hyaluronidase.
Kiyohara và Tanimura đã báo cáo trường hợp của một phụ nữ 47 tuổi mắc phù cứng bì tiểu đường tuýp 2 được chuẩn đoán bằng sinh thiết.
Đơn trị liệu với hyaluronidase đã chứng minh sự cải thiện rõ rệt trong 18 tuần, được ghi nhận bằng chụp MRI.
Có lẽ tồn tại các chỉ định chưa được báo cáo khác đối với hyaluronidase như là phù niêm kháng trị và u hạt vòng.
Nguồn: https://www.aad.org/dw/dw-insights-and-inquiries/2020-archive/january/thoughts-on-hyaluronidase
Tài liệu tham khảo
1. Bergman S. Basch unbound – The House of God and fiction as resistance at 40. JAMA 2019 Jul 10 [Epub ahead of print]
2. Maytin EV. Hyaluronan: More than just a wrinkle filler. Glycobiology 2016; 26: 553-559.
3. Mo JH, Chapman LW, Cohen JL. A clinical review of common medications used in emergency dermatological situations. Dermatol Surg 2019; 45: 652-657.
4. Hoesly PM, Tolaymat LM, Sluzevich JC, Keeling JH. Pretibial myxedema successfully treated with intralesional hyaluronidase. JAAD Case Rep 2018; 4: 874-876.
5. Lybarger EH. Hypodermoclysis in the home and long-term care settings. J Infus Nurs 2009; 32: 40-44.
6. Melvin OG, Hunt KM, Jacobson ES. Hyaluronidase treatment of scleroderma-induced microstomia. JAMA Dermatol 2019; 155: 857-859.
7. Eisert L, Nast A. Treatment of extensive, recalcitrant keloids using a combination of intralesional cryosurgery, triamcinolone, 5-fluorouracil, and hyaluronidase. J Dtsch Dermatol Ges 2019; May 27 [Epub ahead of print].
8. Kiyohara T, Tanimura H. Diabetic scleroderma successfully treated by topical hyaluronidase injection: Efficacy of magnetic resonance imaging. Clin Exp Dermatol 2019; 44: 584-586