Hoàng Minh chấp nhận giảm chi phí trong việc sắm quần áo, ăn uống, tiệc tùng hay đi chơi để đầu tư gần như toàn bộ vào sản phẩm chăm sóc da, skincare.
Cảm nhận sự thay đổi rõ rệt của làn da trước và sau khi skincare, Hoàng Minh (22 tuổi, sống ở tỉnh Tây Ninh) càng yêu thích và muốn trải nghiệm nhiều sản phẩm hơn để dưỡng da căng bóng và khỏe mạnh.
“Lúc đầu, tôi chỉ muốn dùng mỹ phẩm để trị mụn. Nhưng càng tìm hiểu về thành phần, tôi càng muốn sử dụng để kiểm tra liệu nó có hiệu quả trên da mình. Dường như tháng nào tôi cũng ‘tuyển’ thêm vài món để đưa vào chu trình skincare”, Minh chia sẻ.
Cũng như Minh, Huy Nguyễn (28 tuổi, làm việc tại TP.HCM) rất đầu tư cho việc skincare. Ban đầu, Huy chỉ dùng mỗi kem chống nắng và sửa rửa mặt. Nhưng dần dần, anh “nâng cấp” chu trình skincare của mình với các bước bài bản.
Giảm phí sinh hoạt để dành tiền mua mỹ phẩm
Hoàng Minh bắt đầu skincare gần 2 năm nay. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, “gia tài” mỹ phẩm của cậu lên đến 165 món full-size và vài chục món mini-size.
“Nếu không bị mụn, chắc tôi cũng không biết skincare là gì. Lúc ấy, tôi lên mạng xem review mỹ phẩm, tìm hiểu về vai trò của từng bước dưỡng da cũng như các thành phần trong mỹ phẩm. Đặc biệt, tôi đã đăng ký khám da online và chăm sóc da theo hướng dẫn của bác sĩ nên tình trạng da mụn được cải thiện”, Minh chia sẻ.
Chu trình skincare hiện tại của cậu gần như đầy đủ các bước và đa số thành phần đặc trị nổi tiếng như vitamin C, tretinoin, retinol, AHA, BHA, PHA… cậu đều dùng qua.
Theo Minh, 80% đồ skincare của cậu có nguồn gốc Việt Nam, phần còn lại là mỹ phẩm nước ngoài nhưng chủ yếu đến từ Hàn Quốc. Các sản phẩm này có giá 300.000 – 800.000 đồng, trung bình, bạn trẻ chi 3 – 4 triệu đồng/tháng cho việc skincare.
“Có tháng, tôi chi nhiều hơn con số này và thậm chí vượt quá mức lương hiện tại. Do đó, tôi phải giảm chi phí trong việc sắm quần áo, ăn uống, tiệc tùng hay đi chơi để đầu tư gần như toàn bộ vào skincare”, Minh chia sẻ.
Tương tự Hoàng Minh, Huy Nguyễn rất yêu thích việc chăm sóc da và trải nghiệm mỹ phẩm.
Huy bước vào con đường skincare từ năm 18 tuổi, lúc mới lên đại học. Rời quê lên TP.HCM, môi trường sống thay đổi khiến chàng trai này bắt đầu tập tành những bước chăm sóc da đầu tiên. Thoạt đầu, anh dùng kem chống nắng và sửa rửa mặt.
Mãi cho đến năm 22 tuổi, khi làn da xuất hiện nhiều vấn đề như khô căng, xỉn màu, bong tróc… Huy mới quan tâm đến chu trình skincare đầy đủ và đều đặn.
Hiện tại, chu trình dưỡng da của Huy gồm double cleansing (làm sạch da bằng dầu tẩy trang và sửa rửa mặt), toner, serum, kem dưỡng ẩm và kem chống nắng (dùng vào ban ngày).
“Ngoài ra, tôi thường tẩy da chết một đến hai lần/tuần và kết hợp đắp mặt nạ 2-3 lần/tuần để tăng cường dưỡng ẩm. Do da vẫn khỏe và chưa xuất hiện nhiều vấn đề nghiêm trọng, tôi thỉnh thoảng có dùng thêm BHA và vitamin C chứ không dùng thường xuyên”, Huy chia sẻ.
Đa số sản phẩm Huy sử dụng có giá 200.000-500.000 đồng, trung bình mỗi tháng, cậu chi thêm khoảng 500.000 đồng đến một triệu đồng để mua sản phẩm mới.
“Tôi lựa mỹ phẩm theo 3 tiêu chí là nhu cầu làn da, mức độ phù hợp với da và thương hiệu yêu thích. Tôi không thích dùng sản phẩm có nhãn ‘for men’ (chuyên dùng cho nam) vì nó thường tập hợp các nhu cầu như rửa mặt, tắm, gội trong cùng một sản phẩm. Bên cạnh đó, vài sản phẩm cho nam có mùi hương liệu rất nồng”, Huy cho biết.
Skincare cho phái nam: Xu hướng toàn cầu
Trao đổi với Zing, bác sĩ chuyên khoa II Thạch Văn Toàn, khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết hiện nay, các hãng mỹ phẩm bắt đầu chú ý nhiều đến việc sản xuất mỹ phẩm dành cho nam giới. Nguyên nhân là nhu cầu skincare của phái nam đang tăng dần theo thời gian.
“Các hãng mỹ phẩm đang mở rộng thị phần tiêu thụ, họ sẽ tăng cường tạo ra các nhu cầu cầu sử dụng ở nam giới bằng cách đầu tư cho KOL nam. Do đó, xu hướng này có thể xuất phát từ việc nhà sản xuất chạy theo nhu cầu của nam giới hoặc cũng có thể là họ khéo léo tạo ra nhu cầu này trên đối tượng nam giới”.
Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho biết người tiêu dùng phái nam ở Hàn Quốc chi tiêu cho việc skincare nhiều nhất trên thế giới cho, theo CNN.
Ngoài ra, theo cuộc khảo sát của Global Data, khoảng 3/4 đàn ông nước này dưỡng da và chăm sóc tóc tại nhà hoặc đến tiệm ít nhất một lần/tuần.
Con số này thậm chí còn cao hơn ở người thuộc thế hệ Z, với 58% người sinh sau năm 2000 cho biết họ nuông chiều bản thân bằng các liệu pháp chăm sóc sắc đẹp ít nhất một lần/tuần, so với 34% nam giới Hàn Quốc nói chung.
Theo Allied Market Research, quy mô thị trường chăm sóc cá nhân dành cho nam giới toàn cầu được định giá 124,8 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 276,9 tỷ USD vào năm 2030, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 8,6% trong năm 2021-2030.
Các sản phẩm chăm sóc cá nhân dành cho nam giới bao gồm nhiều loại mặt hàng dành riêng cho việc vệ sinh cá nhân và nâng cao cá tính. Nước hoa, chất khử mùi, gel vuốt tóc, nước súc miệng, dưỡng tóc và các sản phẩm chăm sóc da mặt là một số sản phẩm mà người tiêu dùng nam giới sử dụng để có ngoại hình đẹp.
Theo thống kê của Statista, thị trường của các sản phẩm chăm sóc dành cho nam giới ở Vương quốc Anh đã có sự tăng trưởng liên tục, trong đó xu hướng mở rộng dần sang lĩnh vực chăm sóc da và mỹ phẩm.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Châu, khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bên cạnh việc không ngại chi tiền đầu tư cho mỹ phẩm, có nhiều nguyên nhân khiến làn da của nam giới thường đẹp hơn nữ giới.
Xét về tính chất làn da, nam giới có lượng testosterone cao hơn, làm tuyến bã nhờn hoạt động tốt hơn. Nhờ đó, da cũng có độ ẩm tốt hơn da nữ giới.
Nghiên cứu cho thấy lượng bã nhờn của nam không giảm theo tuổi còn nữ thì lại giảm. Vì vậy, chỉ cần làm sạch da mặt một cách kỹ càng, không để nhờn nhiều, nam giới đã có một làn da tốt, đủ độ ẩm mà không cần đến kem dưỡng.
https://zingnews.vn/chang-trai-chi-tien-trieu-moi-thang-de-dau-tu-skincare-post1400371.html