Bệnh vảy nến là một bệnh lý viêm da mạn tính kèm theo sự tăng sinh quá mức của các tế bào trong lớp thượng bì, từ đó làm xuất hiện các thương tổn da có màu đỏ, bên trên bề mặt có nhiều lớp vảy sừng màu trắng bạc, bong tróc. Đây là một bệnh lý thường gặp, với tỉ lệ mắc bệnh khoảng 2-3% dân số trên thế giới.
Vảy nến có thể xuất hiện ở bất kì độ tuổi nào, tuy nhiên có hai đỉnh là độ tuổi từ 20 – 30 tuổi và sau 40 tuổi. Phụ nữ thường có xu hướng mắc bệnh vảy nến sớm hơn ở đàn ông. Bệnh gây ảnh hưởng không chỉ về chất lượng cuộc sống, tâm lý người bệnh mà còn là yếu tố nguy cơ gây các bệnh lý toàn thân.
Vảy nến mảng là thể bệnh thường gặp nhất:
Những vùng da dày lên, bong vảy chúng ta nhìn thấy ở hình bên dưới được gọi là mảng vảy nến. Khoảng 80 – 90% các bệnh nhân vảy nến sẽ mắc vảy nến thể mảng.
Các mảng vảy nến có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên cơ thể, nhưng thường sẽ xuất hiện ở những vùng da cọ xát, tì đè nhiều như:
- Gối
- Khuỷu tay
- Vùng lưng dưới, cùng – cụt
- Da đầu
Các mảng này thường có kích thước đa dạng, chúng có thể biểu hiện thành từng mảng đơn độc trên da hoặc hợp lại với nhau thành những mảng kích thước lớn. Những sang thương vảy nến thường không ngứa tới ngứa nhẹ, một số trường hợp ngứa nhiều, đôi khi là cảm giác đau da, bỏng rát, châm chích.
Bệnh nhân vảy nến có thể có nhiều hơn một thể bệnh, bác sĩ da liễu sẽ khám và chẩn đoán về một hay nhiều thể bệnh mà bạn đang mắc phải.
Vảy nến thường là bệnh lí suốt đời:
Bệnh vảy nến là bệnh lý mạn tính, suốt đời. Điều này là đúng đối với mọi thể bệnh vảy nến, ngoại trừ trường hợp vảy nến giọt. Vảy nến giọt trên trẻ em ở một số trường hợp có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Vì vảy nến là một bệnh lý suốt đời, chính vì vậy chúng ta cần phải hiểu về bệnh và được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu, từ đó mới kiểm soát được bệnh và đạt được sự cải thiện trên làn da.
Việc kiểm soát bệnh sẽ giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn, cải thiện sức khỏe tổng quát và ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng.
Để kiểm soát bệnh tốt thường cần những yếu tố sau:
- Biết và tránh các tác nhân gây bùng phát, làm nặng bệnh vảy nến
- Chăm sóc da hàng ngày đúng cách
- Có lối sống lành mạnh
- Sử dụng thuốc khi cần thiết và tuân thủ lời dặn của bác sĩ
Vảy nến cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác, như viêm khớp vảy nến hay đái tháo đường và một số bệnh lý tim mạch. Các bác sĩ da liễu cũng sẽ theo dõi và phát hiện các dấu hiệu của bệnh lý khác và phối hợp điều trị với các chuyên khoa khác để ngăn bệnh không diễn tiến nặng.