Câu hỏi:
Tôi bị mụn trứng cá, hiện đã lên cồi mụn khô. Xin hỏi bác sĩ liệu tôi có thể nặn không?
Trả lời:
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Khánh Nam, khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Nặn mụn là một trong những phương pháp phối hợp thêm để điều trị mụn trứng cá, bên cạnh điều trị chính bằng thuốc thoa và uống. Tuy nhiên, chúng ta phải nặn mụn đúng thời điểm để mang lại hiệu quả và hạn chế biến chứng.
Nên nặn mụn vào thời điểm nào?
Cồi mụn là loại tổn thương chính của mụn trứng cá. Với các trường hợp nặng hơn, bề mặt da có thể mẩn đỏ, mụn mủ hoặc các nang mụn.
Nặn mụn chỉ nên áp dụng với các cồi mụn. Ban đầu nó sẽ nằm sâu dưới da, sau đó từ từ đi lên nông hơn. Thông thường, trong điều trị, bác sĩ sẽ đánh giá giai đoạn phù hợp để chỉ định nặn mụn, thường là sau khi thoa thuốc một thời gian, cồi mụn đã bắt đầu lộ rõ, khá nông trên da.
Ở giai đoạn này, nặn mụn sẽ giúp cải thiện bệnh nhanh hơn, hạn chế tổn thương bề mặt da và hạn chế việc người bệnh tự nặn mụn. Việc lấy nhân mụn cần được thực hiện đúng kỹ thuật để hạn chế tổn thương da và nguy cơ nhiễm trùng da.
Có nên nặn mụn định kỳ?
Việc nặn mụn định kỳ chưa thật sự cần thiết và phù hợp. Tần suất nặn phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng của người bệnh để bác sĩ chỉ định có cần lấy nhân mụn hay không.
Bên cạnh lấy nhân mụn, người bệnh phải duy trì điều trị thuốc theo toa của bác sĩ, vì đây là phương thức điều trị giúp giảm sự hình thành của các cồi mụn mới.
Các loại mụn không nên nặn
Đối với các sẩn viêm, nặn mụn là không cần thiết vì nguy cơ làm lan tràn tình trạng viêm, tăng nguy cơ nhiễm trùng và sẹo. Đối với sẩn viêm, chúng ta nên chăm sóc da nhẹ nhàng và sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ để giúp giảm viêm, giảm sự hình thành các sẩn viêm mới.
Theo Zing – Thời điểm nặn mụn khiến da không bị tổn thương – Sức khỏe – ZNEWS.VN