Trong lĩnh vực da liễu, vì nhiều lý do mà viêm da cơ địa là chẩn đoán thường được gặp nhất. Đa số chẩn đoán bệnh này thường rất đơn giản, chỉ trừ một số trường hợp nhìn vậy mà không phải vậy.
Nên tìm hiểu và thực hiện thêm các biện pháp để hỗ trợ chẩn đoán khi bệnh nhân có tình trạng ngứa và sang thương tương tự viêm da cơ địa nhưng không phải.
Có rất nhiều các bệnh lý về viêm, miễn dịch hay thậm chí rối loạn hệ thống có biểu hiện giống viêm da cơ địa và việc biết khi nào cần phải thực hiện thêm các bước để xác định lại bệnh này liệu chỉ là viêm da cơ địa đơn thuần hay không, là yếu tố góp phần quan trọng nhất cho việc cải thiện bệnh.
PGS.TS.BS Raj Chovatiya, chuyên khoa da liễu – trường Y Feinberg thuộc đại học Northwestern ở Chicago (Mỹ), Giám đốc Trung tâm Chàm và Ngứa, giám đốc y khoa của Đơn vị Thử nghiệm Lâm sàng phát biểu trong phiên “Ngứa: Thách thức trong chẩn đoán Viêm da Cơ địa” rằng:
“Các bác sĩ da liễu có 2 phương thức để phân biệt viêm da cơ địa và các bệnh lý khác là bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Viêm da cơ địa cũng như các bệnh tương tự khác là bệnh chẩn đoán dựa trên lâm sàng. Điều đó có nghĩa là không cần các cận lâm sàng như sinh thiết, xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán vẫn có thể chẩn đoán được bệnh. Mặc dù vậy, ở một số ca khó, bác sĩ nên cân nhắc về các chẩn đoán khác để tìm ra chẩn đoán phân biệt phù hợp với tình trạng bệnh”.
BS. Peter Lio, phó giáo sư lâm sàng da liễu và nhi trường y Feinberg thuộc đại học Northwestern ở Chicago cho biết ông gặp rất nhiều ca bệnh nổi sẩn đỏ tương tự viêm da cơ địa ở vùng dùng tã lót.
Nhiều bệnh viêm da dạng chàm
Các bệnh viêm da dạng chàm bao gồm các bệnh như viêm da cơ địa, viêm da tiết bã, rối loạn dinh dưỡng và các phát ban sẩn đỏ, rỉ dịch khác.
Bác sĩ Lio đã trình bày nguyên nhân độc lạ của một ca bệnh viêm da tã lót mà ông khám. Ở ca bệnh này, ông thấy có hiện tượng Koebner, nghĩa là sang thương xuất hiện theo đường cào gãi.
Và đây không phải là triệu chứng của viêm da cơ địa mà thường gặp hơn khi cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng nên ông đã tiến hành kiểm tra lại chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân và phát hiện ra rằng bệnh nhân không có đủ kẽm trong khẩu phần. Và sau khi được bổ sung kẽm, các bệnh phục hồi trong vòng vài ngày.
BS. JiaDe (Jeff) Yu, phó giáo sư da liễu, trưởng khoa Bệnh da nghề nghiệp và tiếp xúc của bệnh viện đa khoa Massachusetts ở Boston cho biết ông từng tiếp nhận 1 bệnh nhi 8 tháng tuổi có tiền căn viêm da cơ địa từ lúc mới sinh và bệnh sử gia đình phù hợp với viêm da cơ địa nhưng các phương pháp điều trị cho chẩn đoán này đều không hiệu quả. Vì vậy, ông đã thực hiện thêm vài bước để chẩn đoán thêm.
Bs. Yu cho biết “Bệnh nhi này không đáp ứng corticoid thoa mà cần phải uống corticoid liên tục để cải thiện triệu chứng. Biểu hiện này dường như không giống với viêm da cơ địa nên tôi đã suy nghĩ liệu rằng có phải đây là bệnh khác. Bệnh nhi không có dấu hiệu của nhiễm virus hay vi khuẩn về lâm sàng hay cận lâm sàng nên tôi đã thực hiện patch test (tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán viêm da tiếp xúc dị ứng) và phát hiện rằng bé có patch test dương tính với một vài thành phần có trong thuốc thoa điều trị (trong đó có corticoid). Và sau khi không dùng corticoid thoa nữa, triệu chứng cải thiện đáng kể.”
Bs. Chovatiya kết luận rằng cần phải bỏ thêm thời gian để tìm được chẩn đoán chính xác.
Ông nói như sau “Chúng ta đang sống trong kỉ nguyên mà có rất nhiều nghiên cứu về viêm da cơ địa được thực hiện. Chúng ta ngày càng có nhiều biện pháp an toàn và chuyên biệt để điều trị cho bệnh nhân nhưng chúng ta chỉ điều trị được hiệu quả khi có chẩn đoán đúng. Nếu điều trị sai lầm, bệnh sẽ không cải thiện, thậm chí có thể gây thêm các vấn đề khác. Vì vậy, dù viêm da cơ địa rất thường gặp nhưng không phải là bệnh nhân nào có biểu hiện viêm da dạng chàm kèm ngứa cũng mắc viêm da cơ địa. Hãy luôn nghĩ đến các bệnh khác ngoài viêm da cơ địa”.
Nguồn: When it looks and itches like atopic dermatitis. But isn’t. | AAD (aadmeetingnews.org)