Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Dị ứng & Miễn dịch Lâm sàng, việc sử dụng corticosteroid tại chỗ để điều trị viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh có thể giúp ngăn ngừa dị ứng trứng gà, nhưng cũng có thể ức chế tạm thời sự phát triển của trẻ. Do vậy, chúng ta cần điều chỉnh thêm dinh dưỡng trong khi điều trị viêm da cơ địa ở trẻ.
Những điểm chính:
- 31,4% trẻ sơ sinh thuộc nhóm điều trị “tăng cường” và 41,9% trẻ sơ sinh thuộc nhóm điều trị “cổ điển” hình thành dị ứng trứng gà.
- Nhóm điều trị “tăng cường” có sự khác biệt trung bình là – 0,8 cm về chiều cao và – 422 g về cân nặng.
“Trước khi xem xét về khả năng ngăn ngừa dị ứng trứng gà, phương pháp điều trị được mô tả trong nghiên cứu này sẽ cần phải được sửa đổi” TS.BS Kiwako Yamamoto – Hanada, giám đốc Trung tâm Dị ứng tại Trung tâm Sức khỏe và Phát triển Trẻ em Quốc gia ở Tokyo (Nhật Bản), và các đồng nghiệp đã viết trong nghiên cứu.
Nghiên cứu đã thực hiện trên 640 trẻ sơ sinh từ 7 đến 13 tuần tuổi đã mắc viêm da cơ địa trong ít nhất 28 ngày, với 318 trẻ được chỉ định ngẫu nhiên vào nhóm điều trị “tăng cường” và 322 trẻ được chỉ định ngẫu nhiên để nhận liệu pháp “cổ điển” tại 16 bệnh viện ở Nhật Bản từ 18/7/2017 đến 18/2/2021.
Điều trị “tăng cường” bao gồm alclometasone dipropionate 0,1% cho toàn bộ khuôn mặt và betamethasone valerate 0,12% cho toàn bộ cơ thể ngoại trừ da đầu và mặt 2 lần/ngày từ ngày 0 đến ngày 14. Sau đó tiếp tục duy trì các loại thuốc này 2 lần/tuần từ ngày 15 đến tuần tuổi 28.
Nhóm điều trị “cổ điển” chỉ sử dụng alclometasone dipropionate và betamethasone valerate trên vùng da chàm tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sang thương.
Liều trung bình hằng ngày bao gồm 0,3 g (dao động 0,04 – 1,24) alclometasone dipropionate trong nhóm tăng cường và 0,22 g (dao động 0 – 2,01) trong nhóm cổ điển, cũng như 1,57 g (dao động 0,19 – 3,6) betamethasone valerate trong nhóm tăng cường nhóm và 0,01 g (dao động 0 – 2,69) trong nhóm cổ điển.
Ngoài ra, những người chăm sóc được hướng dẫn cho trẻ ăn thức ăn đặc khi được 5 hoặc 6 tháng tuổi và tiếp tục cho con bú đến 6 tháng tuổi. Sau tuần thứ 28, trẻ sơ sinh sẽ bắt đầu ăn trứng gà.
Cả hai nhóm đều có tiền sử giống nhau về phản ứng tức thời với thực phẩm và các đợt thở khò khè, cũng như điểm số của Bảng câu hỏi chất lượng cuộc sống về bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh (Infants’ Dermatitis Quality of Life Questionnaire) và bảng câu hỏi Tác động của gia đình đối với bệnh chàm ở trẻ em (Family Impact of Childhood Eczema Questionnaire scores).
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng 31,4% trẻ thuộc nhóm tăng cường và 41,9% trẻ thuộc nhóm cổ điển bị dị ứng trứng gà (P = 0,0028). Ngoài ra, 44,9% nhóm tăng cường dương tính với IgE lòng trắng trứng gà (xét nghiệm đánh giá độ nhạy cảm với IgE) so với 52,5% của nhóm thông thường (risk difference [RD], –7.6%; 95% CI, –15.4% to 0.2%).
Tuy nhiên, 2,2% bệnh nhân trong nhóm tăng cường cần dùng thuốc cấp cứu, trong khi không bệnh nhân nào trong nhóm cổ điển cần dùng thuốc (RD, 2,2%; 95% CI, 0,6% -3,8%). Tuy nhiên, nhóm tăng cường cũng có nhiều ngày không có viêm da cơ địa hơn (RD, 1,69%; 95% CI, 1,66% -1,73%).
Về các thang điểm, ở tuần 28, nhóm tăng cường có chỉ số mức độ nghiêm trọng và diện tích viêm da cơ địa (EASI) thấp hơn, với tất cả các bệnh nhân khỏi hoặc gần như khỏi viêm da cơ địa. Không có trường hợp viêm da cơ địa vừa hoặc nặng nào thuộc nhóm tăng cường được báo cáo ở tuần cuối của nghiên cứu.
Ngoài ra, 78,3% bệnh nhân của nhóm tăng cường và 64,3% bệnh nhân của nhóm cổ điển đã cải thiện 75% điểm số EASI. Bên cạnh đó, nhóm tăng cường cũng có điểm số Thang điểm bệnh chàm lấy bệnh nhân làm trung tâm (Patient Oriented Eczema Measure scores) thấp hơn trong suốt thời gian nghiên cứu.
Về mặt tác dụng phụ, mặc dù không có biến cố nào gây tử vong, nhưng 5,3% ở nhóm tăng cường và 1,9% ở nhóm cổ điển có các biến cố bất lợi nghiêm trọng (RD, 3,5%; 95% CI, 0,6% -6,4%). Sáu trong số những trẻ sơ sinh trong nhóm tăng cường bị giảm tăng trưởng tạm thời và năm trong số những trường hợp này được đánh giá là tác dụng phụ nghiêm trọng.
Được chẩn đoán chậm phát triển, những trẻ này được đưa vào bệnh viện do giảm lượng thức ăn được cho ăn. Nhân viên y tế đã cung cấp thức ăn phù hợp, và tất cả những trẻ sơ sinh này đều cải thiện mà không cần hồi sức thể tích tĩnh mạch. Tỷ lệ phản ứng có hại của thuốc cũng tương tự giữa các nhóm.
Nhóm tăng cường có trọng lượng cơ thể thấp hơn (chênh lệch trung bình, –422 g; 95% CI, dao động –553 g đến –292 g) và chiều cao cơ thể thấp hơn (chênh lệch trung bình, –0,8 cm; 95% CI, dao động –1,22 cm đến –0,33 cm) ở tuần tuổi 28.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự khác biệt về chiều cao là do liều corticosteroid tại chỗ tăng lên trong nhóm tăng cường. Nhưng họ lưu ý rằng sự hấp thụ toàn thân của corticosteroid tại chỗ thường gây tăng cân, nên việc xác định sự khác nhau về trọng lượng giữa hai nhóm có phải do điều trị hay không là rất khó khăn.