Bài tổng quan cập nhật gần đây cho thấy liệu pháp ánh sáng với tia UVB dải hẹp là phương pháp điều trị bạch biến không phân đoạn hiệu quả và an toàn, mặc dù có một vài bệnh nhân không đáp ứng với điều trị.
Liệu pháp ánh sáng kết hợp với các liệu pháp khác: Điều trị bạch biến tốt hơn?
Bài tổng quan còn cho thấy việc kết hợp liệu pháp ánh sáng với các liệu pháp khác như thuốc bôi ức chế calcineurin, corticoid thoa, các thuốc chống oxi hóa và corticoid toàn thân mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn
Tác giả nghiên cứu, cử nhân y khoa Michelle Rodrigues, thuộc trung tâm Chroma Dermatology, Pigment and Skin of Colour cho biết “Mặc dù các phương pháp điều trị ánh sáng vẫn cần được nghiên cứu thêm nhưng những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực này đã cho thấy hy vọng trong việc quản lý hiệu quả và toàn diện bệnh nhân bạch biến trong tương lai.”
Trong vài thập kỉ vừa qua, tia UVB dải hẹp được dùng trong điều trị bạch biến nhiều hơn các phương pháp quang trị liệu khác. Nghiên cứu được thực hiện nhằm chứng minh tính an toàn và hiệu quả của tia UVB dải hẹp và các phương thức quang trị liệu dùng tại nhà trong điều trị bạch biến.
Các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích tổng hợp trên các nghiên cứu tiến cứu về tia UVB dải hẹp. Kết quả cho thấy tỉ lệ bệnh nhân đáp ứng ít (phục hồi sắc tố ≥25%) sau 6 tháng điều trị và sau 12 tháng điều trị lần lượt là 74,2% và 75%.
Trong khi đó, có 37,4% bệnh nhân đáp ứng trung bình (phục hồi sắc tố ≥50%) sau 6 tháng điều trị, và sau 12 tháng điều trị thì tỉ lệ này tăng lên là 56,8%.
Tỉ lệ bệnh nhân đáp ứng tốt (phục hồi sắc tố ≥75%) sau 6 tháng điều trị và 12 tháng điều trị lần lượt là 19,2% và 35,7%.
Bệnh nhân cần tuân thủ và kiên trì điều trị bằng tia UVB dải hẹp
Theo kết quả nghiên cứu, Rodrigues và cộng sự cho rằng việc điều trị kéo dài sẽ giúp tăng tỉ lệ phục hồi sắc tố ở những bệnh nhân được xem là không đáp ứng và việc bệnh nhân tuân thủ, kiên trì trong điều trị bằng tia UVB dải hẹp là vô cùng quan trọng.
Mặc dù vậy, gần 25% bệnh nhân tham gia nghiên cứu không đạt được tỉ lệ phục hồi sắc tố ≥25% (đáp ứng ít).
Một phân tích tổng hợp của phương pháp điều trị kết psoralen và tia UVA (liệu pháp PUVA) cho thấy có 23,5% bệnh nhân đáp ứng trung bình sau 6 tháng điều trị và con số này tăng lên 34,3% khi điều trị 12 tháng. Tỉ lệ bệnh nhân đáp ứng tốt sau 6 tháng và 12 tháng của phương pháp này lần lượt là 8,5% và 13,6%.
Các kết quả trên cho thấy tia UVB dải hẹp có hiệu quả hơn các phương pháp quang trị liệu khác nhưng trong một số trường hợp. liệu pháp PUVA nên được cân nhắc lựa chọn trong điều trị. Và nghiên cứu cũng cho thấy khả năng đáp ứng với tia UVB dải hẹp còn phụ thuộc vào vị trí vùng da bị bạch biến.
Các vùng đáp ứng ít với tia UVB dải hẹp thường ở mặt và cổ (82), thân mình (81,7%) và tứ chi (79%). Bàn tay và bàn chân là 2 vị trí kém đáp ứng nhất với tia khi chỉ 11% bệnh nhân đạt được đáp ứng ít.
Bệnh nhân bạch biến giảm bớt số lần đi thăm khám
Các nhà nghiên cứu còn thực hiện phân tích tổng hợp trên việc kết hợp tia UVB dải hẹp với các phương pháp trị liệu khác. So với việc đơn trị liệu bằng UVB dải hẹp, việc kết hợp điều trị tia UVB dải hẹp với tacrolimus giúp gia tăng đáng kể tỉ lệ bệnh nhân đáp ứng tốt và giảm số lượng bệnh nhân đáp ứng kém.
Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy hiệu quả trong việc kết hợp corticoid thoa và tia UVB dải hẹp nhưng sự kết hợp này cần được nghiên cứu thêm.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các thiết bị quang trị liệu tại nhà có thể được dùng cho những bệnh nhân bạch biến nhẹ nhằm giúp tăng khả năng tuân thủ điều trị vì bệnh nhân có thể giảm số lần đi thăm khám.
Trong nghiên cứu tiến cứu so sánh, dữ liệu cho thấy, dù điều trị bằng tia UVB dải hẹp liên tục hay ngắt quãng, bệnh nhân đều có cải thiện đáng kể dựa trên Chỉ số thang điểm bạch biến (Vitiligo Scoring Index) và không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về sự phục hồi sắc tố giữa bệnh nhân điều trị liên tục và bệnh nhân điều trị ngắt quãng.
Tác dụng phụ cấp được ghi nhận của tia UVB dải hẹp là là hồng ban, cảm giác bỏng, ngứa, sần da và đau. Các triệu chứng này thường nhẹ và biến mất sau vài giờ điều trị.
Nguồn tiếng Anh tham khảo:
https://www.hcplive.com/view/narrowband-ultraviolet-b-phototherapy-efficacious-vitiligo-treatment