Ung thư da là một trong những loại ung thư phổ biến nhất, xảy ra khi các tế bào da phát triển bất thường và không kiểm soát được. Điều này khiến nhiều người lo lắng về tuổi thọ và chất lượng cuộc sống sau khi mắc bệnh. Vậy, người bệnh ung thư da có thể sống được bao lâu? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này và những yếu tố ảnh hưởng đến thời gian sống của người bệnh.
Ung thư da là gì?
Ung thư da nằm trong nhóm các bệnh ung thư phổ biến nhất hiện nay, đồng thời cũng thuộc loại ung thư dễ phát hiện. Bệnh lý này xảy ra do sự tăng sinh bất thường và mất kiểm soát của các tế bào da. Ngoại trừ ung thư hắc tố, ung thư da thường phát triển từ lớp biểu bì, tức lớp tế bào ngoài cùng bảo vệ cơ thể. Ung thư tế bào đáy hình thành từ lớp tế bào đáy của biểu mô, trong khi ung thư biểu mô vảy có nguồn gốc từ lớp tế bào vảy. Các cơ quan phụ thuộc của da, chẳng hạn như tuyến tiết mồ hôi và tuyến nhờn, cũng tiềm ẩn nguy cơ phát triển ung thư tuyến mồ hôi và ung thư tuyến bã,…
Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc ung thư da cao hơn là người da trắng, nhất là người lớn tuổi, với tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới. Đa số ung thư da (khoảng 90%) xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, tập trung chủ yếu ở vùng đầu, mặt và cổ. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh được ghi nhận trong khoảng từ 2,9 – 4,5 ca trên 100.000 người.
Triệu chứng bệnh ung thư da
Triệu chứng ung thư da rất đa dạng, phụ thuộc vào từng loại ung thư và giai đoạn bệnh. Ung thư da giai đoạn đầu thường dễ nhầm lẫn với các tổn thương da lành tính như loét, sẹo cũ. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cần lưu ý để phát hiện sớm bệnh:
- Nốt u tròn như hạt ngọc: Nốt u tròn, mềm, màu trong, về sau hơi bóng như sáp, giống mụn nhưng không có nhân, thường lõm xuống ở giữa. Đây có thể là biểu hiện của ung thư biểu mô tế bào đáy. Nếu kèm theo da dễ xuất huyết và có các mạch máu nhỏ giãn ra thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay.
- Mảng da sần sùi, thô ráp, đóng vảy: Da xuất hiện các vùng da gồ ghề, khô ráp và đóng vảy, chuyển từ màu nâu sang hồng đậm, thường ở mặt, đầu, cánh tay và có xu hướng lan rộng sang các khu vực da khác. Triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với viêm da khiến người bệnh tự ý điều trị bằng kem bôi, thuốc kháng sinh mà không mang lại hiệu quả. Những người làm việc ngoài trời, tiếp xúc nhiều tia UV, người có làn da trắng, cơ địa da nhạy cảm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Vùng da bị tổn thương trở nên cứng, rắn, xỉn màu: Vùng da bị thương ban đầu có thể cứng lại, chuyển sang màu đỏ sẫm. Theo thời gian, vùng da này có thể lõm xuống, loét và hình thành một vòng mô xung quanh. Vết loét thường không lành và có thể phát triển thành mảng cứng, sẫm màu. Những tổn thương này thường thấy ở tay, tai và mặt.
- Nốt ruồi bất thường: Sự thay đổi về kích thước, hình dạng, màu sắc, xuất hiện cảm giác đau hoặc ngứa ở nốt ruồi có thể là dấu hiệu của khối u ác tính. Nốt ruồi phát triển nhanh, đậm màu hoặc có nhiều màu sắc khác nhau cần được tầm soát ung thư ngay.
- Đốm tối màu không rõ: Những đốm này có thể có màu đỏ, trắng, xanh lam hoặc đen, thường xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, ngón tay, ngón chân hoặc vùng kín, khi chạm vào có cảm giác đau.
- Mụn cứng màu vàng: Những u này có thể là dấu hiệu của ung thư biểu mô bã nhờn, thường xuất hiện ở đầu, cổ, thân mình hoặc cơ quan sinh dục.
- Nốt u màu đỏ, tím bầm: Khối u màu đỏ, xanh, tím, giống nhọt nhưng lõm ở giữa có thể là dấu hiệu của một loại ung thư da hiếm gặp gọi là ung thư tế bào Merkel. Người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu hoặc tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Việc phát hiện sớm các dấu hiệu trên và thăm khám bác sĩ kịp thời là rất quan trọng để tăng khả năng điều trị thành công và giảm thiểu chi phí.
Nguyên nhân bệnh ung thư da
Ung thư da có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân, bao gồm tiếp xúc với bức xạ, yếu tố di truyền, các bệnh lý da có sẵn, nhiễm trùng, suy giảm miễn dịch và tiếp xúc với hóa chất.
Da tiếp xúc với các tia phóng xạ
- Bức xạ cực tím (UV): Nguồn bức xạ này, từ ánh nắng mặt trời và các thiết bị phát tia UV nhân tạo (ví dụ: đèn hồ quang các- bon, thủy ngân, thạch anh lạnh,…), là tác nhân chính gây tổn thương DNA của tế bào da, dẫn đến ung thư. Những người làm việc ngoài trời trong thời gian dài như ngư dân, nông dân và công nhân xây dựng, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Bức xạ ion hóa: Việc tiếp xúc với bức xạ ion hóa có thể làm tăng khả năng phát triển ung thư da sau một khoảng thời gian dài, thường là từ 14 đến 15 năm.
Các hội chứng gia đình
Những hội chứng di truyền sau đây sẽ làm tăng tỷ lệ mắc ung thư da nếu trong gia đình có tiền sử mắc bệnh:
- Bệnh xơ da nhiễm sắc: Do sự bất thường trong gen di truyền, những người mắc bệnh này rất nhạy cảm với tia UV và có thể phát triển các khối ung thư ở độ tuổi rất trẻ, thường là trước 20 tuổi. Khi đó, bệnh nhân sẽ bị tổn thương da toàn thân, da dày, xơ, nhiều vảy.
- Hội chứng Nevoid basal cell: Tình trạng bệnh liên quan đến đột biến gen trội, kết hợp với u nang ở xương hàm hoặc các vết lõm ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Bệnh nhân thường bị ung thư biểu mô tế bào đáy ở nhiều vị trí, kèm theo các vấn đề về da, xương sườn và cột sống.
- Hội chứng Gardner: Một bệnh di truyền trội với sự hình thành các u nang biểu bì và u nang dưới da.
- Hội chứng Torres: Liên quan đến sự di truyền của ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tuyến bã không di căn, thường gặp ở những người bị xơ cứng da ở nhiều nơi. Bệnh nhân cũng có nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng và ung thư bóng Vater.
Các bệnh lý da tồn tại từ trước
Một số bệnh về da có thể tiến triển thành ung thư:
- Chứng dày sừng quang hóa: Khoảng 1 đến 20% trường hợp có thể chuyển biến thành ung thư da. Biểu hiện là các mảng da đỏ, sần sùi, có vảy ở các vùng da tiếp xúc với ánh nắng như đầu và cổ. Việc hạn chế tiếp xúc với tia UV có thể giúp bệnh tự khỏi.
- Bệnh Bowen: Khoảng 3 đến 5% trường hợp tiến triển thành ung thư da. Biểu hiện là các vết đỏ có vảy, viền rõ ràng, thường gặp ở người lớn tuổi.
- Tàn nhang: Những người có nhiều tàn nhang có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường.
- Nhiễm trùng: Một số loại virus, đặc biệt là virus u nhú ở người (HPV), có liên quan mật thiết đến ung thư da, cụ thể là ung thư biểu mô tế bào vảy. HPV thường được phát hiện trong các tổn thương tiền ung thư như mụn cóc sinh dục.
- Tổn thương da mãn tính: Vùng da bị viêm nhiễm mãn tính hoặc tổn thương kéo dài, chẳng hạn như sẹo bỏng, vết loét lâu ngày hoặc hình xăm,… sẽ dễ bị ung thư hơn. Ung thư da xuất hiện ở những khu vực này thường có xu hướng phát triển nhanh và di căn đến các hạch vùng.
- Tình trạng suy giảm miễn dịch: Những người bị suy giảm hệ miễn dịch, chẳng hạn như bệnh nhân AIDS hoặc người sau ghép tạng, có nguy cơ mắc ung thư da cao gấp 16 lần. Các khối u thường phát triển nhanh và lan rộng.
Tiếp xúc với hóa chất gây ung thư
Việc tiếp xúc thường xuyên với một số chất hóa học, bao gồm nhựa đường, nhựa than đá, dầu công nghiệp, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,… sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Arsen, một chất được sử dụng phổ biến trong công nghiệp, y tế, cũng được xác định là một chất gây ung thư da và có thể tồn tại với nồng độ cao trong nguồn nước ở một số vùng.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư da
Một số nhóm người có nguy cơ mắc ung thư da cao hơn so với những người khác, cụ thể:
- Chủng tộc: Người da trắng có tỷ lệ mắc cao nhất (> 200/100.000 dân), trong khi người da đen có tỷ lệ mắc thấp nhất (<10/100.000 dân).
- Môi trường làm việc: Người lao động thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc nhiều với tia cực tím hoặc tiếp xúc với hóa chất độc hại trong quá trình làm việc cũng dễ mắc ung thư da hơn.
- Tiền sử bệnh lý: Người đã, đang mắc các bệnh tiền ung thư da có nguy cơ khởi phát bệnh cao.
- Suy giảm miễn dịch: Người nhiễm HIV, bệnh nhân sau cấy ghép nội tạng hoặc những người đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch cho các rối loạn tự miễn cũng có nguy cơ cao mắc ung thư da.
- Yếu tố di truyền: Người mắc hội chứng Gardner, hội chứng Torre, hội chứng Bowen,… có nguy cơ ung thư da cao hơn.
Tỷ lệ sống sót theo từng giai đoạn ung thư da
Thông tin về tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư da theo từng giai đoạn hiện chưa có thống kê chính thức. Tuy nhiên, dữ liệu về ung thư da hắc tố tại Anh, thu thập từ năm 2013 đến 2017 ở cả nam và nữ, cho thấy những con số sau:
- Giai đoạn 1: Hầu hết bệnh nhân (gần 100%) được chẩn đoán ung thư da hắc tố giai đoạn 1 có thể sống thêm ít nhất 5 năm.
- Giai đoạn 2: Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở những người mắc ung thư da hắc tố giai đoạn 2 vào khoảng 85%.
- Giai đoạn 3: Khoảng 75% bệnh nhân ung thư da hắc tố giai đoạn 3 sống được ít nhất 5 năm kể từ khi chẩn đoán.
- Giai đoạn 4: Các tiến bộ y học gần đây, cụ thể là trong lĩnh vực liệu pháp miễn dịch, đã mang lại hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư hắc tố giai đoạn 4. Một bộ phận bệnh nhân đáp ứng tốt với hướng điều trị mới có thể sống chung với bệnh trong thời gian dài, thậm chí có thể ngừng điều trị mà vẫn duy trì sự sống thêm nhiều năm. Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được kết quả này và một số người có thời gian sống sót ngắn hơn.
Một nghiên cứu quốc tế, với quy mô 945 bệnh nhân ung thư hắc da tố tiến triển (giai đoạn 3 và 4), đã phân tích hiệu quả và thời gian sống sót sau khi điều trị bằng các loại thuốc miễn dịch như nivolumab (Opdivo), ipilimumab (Yervoy), hoặc phối hợp cả hai. Nghiên cứu kéo dài 6 năm rưỡi và cũng so sánh kết quả giữa nhóm bệnh nhân mang đột biến gen BRAF V600 (BRAF dương tính) và nhóm không mang đột biến (BRAF âm tính).
Kết quả cho thấy, với nhóm bệnh nhân sử dụng phối hợp nivolumab và ipilimumab:
- Ung thư hắc tố BRAF dương tính: Hơn 55% bệnh nhân sống sót ít nhất 6,5 năm
- Ung thư hắc tố BRAF âm tính: Khoảng 45% bệnh nhân sống sót ít nhất 6,5 năm.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh ung thư da
Việc xác định ung thư da được thực hiện thông qua đánh giá các biểu hiện lâm sàng và phân tích mẫu sinh thiết. Trong đó, 4 dấu hiệu chính sau có thể giúp chẩn đoán sớm bệnh:
- Vết loét lâu lành hoặc rỉ máu.
- Vùng da sừng hóa kèm theo vết loét, u cục, dễ bị tổn thương và chảy máu.
- Sự xuất hiện của vết loét hoặc khối u trên vùng da sẹo cũ.
- Các nốt đỏ tồn tại lâu ngày và bị loét, kèm theo sự thay đổi kích thước nốt ruồi.
Khi quan sát quan sát bằng kính lúp có thể thấy rõ các mạch máu mới hình thành. Xét nghiệm mẫu mô bệnh phẩm bằng phương pháp sinh thiết có thể được áp dụng để đưa ra kết luận chính xác.
Các biện pháp điều trị bệnh ung thư da
Nguyên tắc điều trị
Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư da phụ thuộc vào phân loại mô bệnh học, vị trí phát sinh khối u, phạm vi xâm lấn và giai đoạn tiến triển của bệnh. Trong đó, phẫu thuật thường là lựa chọn hàng đầu để loại bỏ hoàn toàn ung thư.
Đối với ung thư uyến phụ thuộc da, phẫu thuật càng quan trọng hơn do loại ung thư này ít đáp ứng với các liệu pháp khác như xạ trị hay hóa trị. Trong trường hợp ung thư đã di căn, việc phẫu thuật cắt bỏ cần kết hợp với nạo vét hạch. Nếu ung thư không thể loại bỏ hoàn toàn, mục tiêu điều trị sẽ chuyển sang kiểm soát triệu chứng, bao gồm giảm đau, ngăn ngừa chảy máu và nhiễm trùng.
Can thiệp phẫu thuật
Phẫu thuật chiếm khoảng 80% trong số các ca điều trị ung thư da. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ toàn bộ khối u, đảm bảo không còn tế bào ung thư ở vùng mô xung quanh. Bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng vị trí, kích thước, độ xâm lấn của khối u để xác định phạm vi phẫu thuật. Yếu tố thẩm mỹ được xem xét sau cùng.
Xạ trị
Ung thư biểu mô tế bào đáy thường đáp ứng tốt với xạ trị, mang lại hiệu quả tương tự như phẫu thuật. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý khi áp dụng xạ trị cho vùng da gần mắt, mũi, miệng do nguy cơ gây bỏng.
Xạ trị hỗ trợ sau phẫu thuật có thể được chỉ định để giảm thiểu nguy cơ tái phát ung thư tại chỗ hoặc vùng lân cận. Điều này đặc biệt cần thiết sau khi phẫu thuật ung thư da tế bào đáy với diện cắt ở vùng gần xương hoặc ung thư da tế bào vảy với diện cắt hẹp. Sau phẫu thuật nạo vét hạch do di căn, xạ trị bổ trợ với liều lượng từ 55-60 Gy thường được áp dụng.
Hóa trị
- Hóa trị tại chỗ: Sử dụng kem 5-FU có thể điều trị hiệu quả các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư biểu mô tế bào đáy nông ở giai đoạn sớm.
- Hóa trị toàn thân: Hóa trị trước phẫu thuật được áp dụng cho các trường hợp ung thư da có mức độ ác tính cao, giúp làm giảm kích thước khối u và hạch bạch huyết, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phẫu thuật cũng như hạn chế khả năng lây lan của tế bào ung thư. Còn hóa trị sau phẫu thuật nhằm mục đích giảm thiểu nguy cơ tái phát và di căn. Đối với các trường hợp không thể can thiệp bằng phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định hóa trị riêng lẻ hoặc kết hợp với xạ trị để kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Điều trị tái phát
Ung thư tế bào đáy tái phát sau phẫu thuật thường có thể được điều trị hiệu quả bằng cách phẫu thuật lại hoặc xạ trị. Tuy nhiên, tình trạng tái phát của các loại ung thư tế bào vảy hoặc ung thư tuyến phụ thuộc da này thường đi kèm tiên lượng kém do mức độ ác tính cao. Quá trình điều trị bao gồm việc phẫu thuật cắt bỏ khối u tái phát, tái tạo da vùng bị khuyết và xạ trị bổ trợ nếu cần. Trong trường hợp ung thư ở hạcht tái phát, cần phẫu thuật cắt bỏ hạch và xạ trị sau mổ.
Phòng ngừa bệnh ung thư da
Để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư da, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau đây vào cuộc sống thường nhật là vô cùng quan trọng:
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời, nhất là trong khung giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Bảo vệ da bằng cách mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành, đeo kính râm, sử dụng khẩu trang và thoa kem chống nắng có chỉ số SPF 30+ trước khi ra ngoài. Lưu ý thoa lại kem sau mỗi 2-3 tiếng, hoặc sau khi tiếp xúc với nước hoặc đổ mồ hôi.
- Tránh tiếp xúc với các chất hóa học độc hại: Nếu công việc bắt buộc phải làm việc trong môi trường này, cần sử dụng trang phục bảo hộ lao động đúng quy cách và khám sức khỏe định kỳ.
- Nói không với thuốc lá và các chất kích thích khác.
- Vệ sinh da và môi trường sống: Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh. Chọn lựa kỹ lưỡng các sản phẩm chăm sóc da, ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thành phần lành tính, tránh gây kích ứng.
- Tham khảo ý kiến chuyên gia: Trao đổi với bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm chăm sóc da hay thuốc điều trị nào, đặc biệt là đối với các vấn đề về da liễu để hạn chế tối đa rủi ro và tác dụng phụ.
- Kiểm tra sức khỏe ngay khi có vấn đề: Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên da, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng.
Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi “Ung thư da sống được bao lâu?” không có một con số cụ thể mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn phát hiện bệnh và phương pháp điều trị. Mặc dù ung thư da là một căn bệnh nghiêm trọng nhưng với sự tiến bộ của y học, tỷ lệ sống sót của người bệnh đã được cải thiện đáng kể. Quan trọng hơn, tinh thần lạc quan và sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè sẽ là động lực lớn giúp người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn này.