Theo bài báo đăng trên The Journal of Allergy and Clinical Immunology: thực tế, việc sử dụng thuốc sinh học để điều trị các bệnh lý về cơ địa trước và trong thai kỳ không tác động xấu đến mẹ và thai nhi.
Các điểm cần lưu ý:
Phụ nữ mang thai đang dùng thuốc sinh học để điều trị bệnh lý cơ địa không xảy ra bất cứ phản ứng nào bất lợi khi họ tiếp tục điều trị
Vẫn còn thiếu dữ liệu để có thể kết luận về nguy cơ khi dùng reslizumab, tezepelumab và tralokinumab.
Trong tương lai, các nhà khoa học cần tiến hành các nghiên cứu theo hình thức tiến cứu và có nhóm chứng là các phụ nữ mang bệnh với mức độ tương tự nhưng chưa từng dùng thuốc sinh học.
Theo bài báo đăng trên The Journal of Allergy and Clinical Immunology: In Practice, việc sử dụng thuốc sinh học để điều trị các bệnh lí về cơ địa trước và trong thai kì không tác động xấu đến mẹ và thai nhi.
Bác sĩ Fnu Shakuntulla và bác sĩ Sergio E. Chiarella, khoa Bệnh dị ứng thuộc Mayo Clinic tại Rochester, Minnesota (Mỹ) cho biết rằng cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa trước khi đi đến kết luận.
Các tác giả đã tổng hợp 2 nghiên cứu đoàn hệ, báo cáo hàng loạt ca với 313 bệnh nhân, và 23 báo cáo ca trên các bệnh nhân dùng thuốc sinh học trước và trong thai kỳ.
Các bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc sinh học vì các bệnh lý sau đây: hen, mề đay mạn tính, viêm da cơ địa, u hạt tăng bạch cầu ái toan kèm viêm đa động mạch, hội chứng tăng bạch cầu ái toan và pemphigoid thai kỳ.
Sử dụng Omalizumab
Các chứng cứ hiện nay cho thấy không nên bắt đầu sử dụng omalizumab (Xolair; Genentech, Novartis) khi bệnh nhân đang mang thai nhưng có thể tiếp tục dùng nếu bệnh nhân đang dùng và lợi ích thuốc mang lại nhiều hơn là tác dụng phụ bất lợi.
Chưa có một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng (RCT) nào được thực hiện trên phụ nữ mang thai dùng omalizumab nhưng có một nghiên cứu quan sát được thực hiện trên 230 phụ nữ mang thai mắc bệnh hen và dùng omalizumab trước và trong thai kỳ trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2018.
Theo kết quả nghiên cứu, các phụ nữ hen dùng omalizumab sinh con nhẹ cân hơn. Tỷ lệ dị tật bẩm sinh, sinh sống, thai chết lưu, sinh non không khác biệt so với dân số chung.
Mặt khác, EXPECT tiến hành nghiên cứu trên 30 phụ nữ bị mề đay mạn tính và dùng omalizumab trong ít nhất 3 tháng đầu thai kì: có 3% sảy thai, 13% sinh non và 7% dị tật bẩm sinh. Các nhà nghiên cứu cho rằng tỷ lệ như vậy không khác biệt khi nghiên cứu trên các bệnh nhân hen.
Một nghiên cứu gồm 20 bệnh nhân hen điều trị với omalizumab trước và trong thai kì cho thấy có 3 trẻ sinh ra nhẹ cân, 3 trẻ sinh non, không trẻ nào dị dạng bẩm sinh nhưng có 7 trẻ mắc các bệnh lí về cơ địa.
Ở 5 báo cáo ca khác trên 6 phụ nữ bị hen nặng và được điều trị bằng omalizumab, tất cả trẻ đều không có dị tật bẩm sinh, 2 trẻ sinh non, 1 trẻ nhẹ cân. Các tác giả cho rằng đó là hệ quả của tình trạng hen nặng ở mẹ.
Sáu (6) báo cáo ca và một báo cáo hàng loạt ca trên 12 phụ nữ mang thai đang dùng omalizumab để điều trị mề đay mãn tính kháng trị trong tam cá nguyệt 1 cho thấy 14 trẻ được sinh ra đều bình thường, sinh đủ tháng, đủ kí và không có dị tật bẩm sinh.
Sử dụng Dupilumab trong thai kỳ
Chưa có một RCT nào nghiên cứu dupilumab (Dupixent, Sanofi Genzyme/Regeneron) trên phụ nữ mang thai nhưng có một nghiên cứu trên khỉ cho thấy khi dùng liều gấp 10 liều tối đa dành cho người trên khỉ mẹ, các khỉ con sinh ra vẫn bình thường.
Cũng có 7 báo cáo ca trên 6 phụ nữ mắc viêm da cơ địa và 1 phụ nữ bị pemphigoid thai kỳ dùng dupilumab trong suốt thai kỳ. Kêt quả cho thấy chỉ có 1 phụ nữ sinh non và 1 phụ nữ sinh con nhẹ cân. Và các báo cáo hàng loạt ca đơn đẻ khác cũng cho thấy rằng việc mẹ sử dụng dupilumab không ảnh hưởng đến thai kì cũng như trẻ được sinh ra.
Các thuốc sinh học khác
Tương tự như 2 thuốc trên, các tác giả không tìm được bất cứ RCT nào về việc dùng mepolizumab (Nucala, GSK), benralizumab (Fasenra, AstraZeneca), reslizumab (Cinqair, Teva Respiratory), tezepelumab (Tezspire, Amgen/AstraZeneca) hay tralokinumab (Adbry, LEO Pharma) trong thai kì.
Hai (2) người phụ nữ bị hen nặng và được điều trị bằng 2 liều mepolizumab, 1 người chấm dứt thai kì vì sợ thuốc có thể ảnh hưởng lên thai, người còn lại dừng điều trị và sinh ra bé đủ tháng, khỏe mạnh không mắc dị tật bẩm sinh.
Một (1) phụ nữ mang thai dùng benralizumab để điều trị hội chứng tăng bạch cầu ái toan và viêm dạ dày ruột do bạch cầu ái toan nặng cũng sinh được 1 bé gái khỏe mạnh ở tuần thứ 38. Bé không phát hiện bất thường về bạch cầu ái toan trong 7 tháng đầu và phát triển bình thường, không mắc các bệnh lí về cơ địa trong 1 năm đầu đời.
Một (1) trường hợp khác là 1 phụ nữ bị hen do tăng bạch cầu ái toan, đã dừng điều trị bằng benralizumab khi thụ thai nhưng khi bùng phát đợt cấp của bệnh, bệnh nhân đã phải dùng lại thuốc ở tuần 20 của thai kì. Sau khi dùng thuốc, bệnh nhân thấy tình trạng hen được cải thiện, bạch cầu ái toan máu giảm và giảm phù chi. Thông tin về bất thường thai nhi không được ghi nhận.
Không có dữ liệu nào về việc dùng reslizumab trên phụ nữ mang thai nên nguy cơ của thuốc này trên mẹ và thai nhi là chưa rõ mặc dù đã có nghiên cứu cho thấy việc dùng liều cao hơn liều tối đa của người trên chuột và thỏ mang thai không gây bất thường phát triển thai.
Nghiên cứu trên khỉ cynomolgus cho thấy việc có việc vận chuyển tezepelumab qua nhau thai sau khi tiêm thuốc này qua tĩnh mạch nhưng không có bằng chứng về việc thuốc này ảnh hưởng đến thai. Và một nghiên cứu khác khi tiêm tralokinumab vào tĩnh mạch khỉ mang thai cũng cho thấy thuốc không gây bất kì phản ứng phụ nào lên sự phát triển thai nhi và trẻ sinh ra.
Kết luận
Các nghiên cứu trên cho thấy rằng phụ nữ mang thai có thể tiếp tục thuốc sinh học trong thai kì nhưng vẫn chưa đủ bằng chứng để khẳng định về nguy cơ của các thuốc này trên thai kì.
Các tác giả cũng lưu ý rằng tình trạng nặng của bệnh (khiến bệnh nhân dùng thuốc sinh học) cũng là một yếu tố nguy cơ gây bất thường thai kì và rất khó để phân biệt được bất thường gây ra là do thuốc hay do bệnh.
Việc bệnh nhân chấm dứt thai kì do lo lắng vì lỡ dùng thuốc trong thai kì hay các bệnh nhân khác không dám điều trị thuốc sinh học khi mang thai đã cho thấy tính cấp thiết của việc tiến hành nghiên cứu dưới hình thức tiến cứu và có nhóm chứng là những phụ nữ mang thai có bệnh nặng tương tự nhưng chưa từng dùng thuốc sinh học.
Ý kiến Bác sĩ Mary Jane Minkin _ Giáo sư Sản Phụ khoa lâm sàng _ Trường Y Yale
Bài báo trên đã cho thấy một cách tổng quan sơ lược về việc dùng thuốc sinh học trên phụ nữ mang thai. Theo báo cáo đơn lẻ thì không ghi nhận kết cục xấu nào rõ rệt nhưng các tác giả cũng chỉ ra rằng cần thêm những nghiên cứu dạng đoàn hệ với nhóm chứng là những phụ nữ có bệnh nặng tương tự nhưng không được điều trị bằng thuốc sinh học.
Theo tôi, nghiên cứu như vậy rất khó thực hiện vì những bệnh nhân mắc bệnh cơ địa phải dùng thuốc sinh học đều là những bệnh nhân nặng và thất bại với các điều trị khác nên việc kiếm được nhóm chứng phù hợp là một điều khó khăn.
Và với tư cách là một bác sĩ sản khoa, các hướng dẫn từ ACOG luôn khuyến nghị bác sĩ cần phải trao đổi kĩ với bệnh nhân có mắc bệnh và đang dùng thuốc trước khi bệnh nhân mang thai để giúp bệnh nhân có một thai kì tối ưu.
Các tác giả cũng nên có thêm các nghiên cứu để theo dõi các trẻ em ở những nghiên cứu trên để đánh giá tác động của thuốc sinh học lên trẻ và hệ thống miễn dịch của chúng.
Ý kiến của bác sĩ S. Shahzad Mustafa, bác sĩ trưởng các bệnh lí về Dị ứng, Miễn dịch học, Thấp khu vực Rochester.
Những kết quả được nêu trên không có gì bất ngờ khi thuốc sinh học thường được nghĩ là an toàn trong thai kì nhưng những biến cố không mong đợi như việc chấm dứt thai kì hay việc e ngại không dùng thuốc đã cho thấy tính cấp thiết của việc thực hiện nghiên cứu.
Tôi cũng đã từng cho bệnh nhân tôi tiếp tục dùng thuốc sinh học khi họ mang thai và họ vẫn sinh ra bé khỏe mạnh và không có bất thường thai kì nào. Thậm chí, tôi đã từng khởi đầu thuốc sinh học trên một phụ nữ mang thai vì bệnh lí nền quá nặng và nguy cơ của việc phụ thuộc vào corticoid còn cao hơn nguy cơ dùng thuốc sinh học. Bất cứ lần lựa chọn nào tôi cũng đã phải tư vấn về nguy cơ của mẹ cũng như thai nhi và đạt được sự đồng thuận của bệnh nhân trước khi ra chỉ định.
Việc dùng thuốc sinh học hay không là quyết định của từng cá nhân, sau khi cân nhắc về lợi ích và nguy cơ nên ta không thể kiếm được số mẫu phù hợp trong một thời gian nhất định. Nên việc tốt nhất để thực hiện nghiên cứu xa hơn là nên lưu hồ sơ và theo dõi kĩ những bệnh nhân đang mang thai và dùng thuốc sinh học để có thêm nhiều thông tin hơn. Báo cáo ca hay hàng loạt ca vẫn có những giá trị riêng của nó mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế.