Xơ nang (Cystic fibrosis,CF) là một rối loạn di truyền do đột biến gen lặn trên NST thường, ảnh hưởng đến chức năng các tuyến ngoại tiết. Rối loạn này thường gặp ở người gốc Bắc Âu với tỷ lệ 1: 3500. Về mặt lâm sàng, xơ nang được biểu hiện bằng nhiễm trùng phổi mạn tính và suy tuyến tụy. Nguyên nhân tử vong phổ biến nhất là bệnh phổi giai đoạn cuối.
Xơ nang do đột biến di truyền
Xơ nang do đột biến di truyền trên nhiễm sắc thể số 7 mã hóa cho protein điều hòa độ dẫn xuyên màng (CFTR), có chức năng như một kênh clorua được kích hoạt cAMP xuyên màng. Đột biến phổ biến nhất là delta F508, được tìm thấy trong 2/3 số trường hợp trên toàn thế giới.
Bất chấp có loại thuốc mới là thuốc điều biến CTFR, hầu hết bệnh nhân không thể chống lại bệnh phổi giai đoạn cuối vào khoảng thập kỷ thứ tư của cuộc đời. Các đặc điểm da liễu của xơ nang bao gồm “mồ hôi mặn” và viêm da đầu chi ruột mắc phải do suy tuyến tụy làm kém hấp thu kẽm.
Tại Hoa Kỳ, sàng lọc xơ nang là xét nghiệm thường quy ở trẻ sơ sinh, bằng cách xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ trypsinogen (IRT). Một số tiểu bang chỉ kiểm tra IRT trong lần xét nghiệm máu đầu tiên, một số bang khác tiến hành cả IRT và xét nghiệm ADN. Các xét nghiệm Clo trong mồ hôi cũng cho thấy nồng độ Clo mồ hôi tăng cao> 60 mEq / L.
Sàng lọc sơ nang ở trẻ sơ sinh
Mặc dù sàng lọc xơ nang ở trẻ sơ sinh đã giúp phát hiện nhiều ca có kiểu hình ‘cổ điển’, nhưng vẫn có những hạn chế do các đột biến gen CTFR biểu hiện các kiểu hình khác nhau. Một số đột biến CFTR, chẳng hạn như đột biến CF-SPID và đặc biệt là p.Arg117His-7T, không có gánh nặng bệnh tật hoặc ở mức tối thiểu, và có thể tạo thành một phần của ‘biến thể bình thường’ trong kiểu gen CFTR.
Vào năm 1974, Elliott là người đầu tiên mô tả sự xuất hiện của các sẩn và mảng trắng thoáng qua. Năm 1996, English và McCollough mô tả trường hợp của một phụ nữ 20 tuổi có tiền sử bệnh dày sừng đối xứng, không ngứa, thoáng qua trên lòng bàn tay và mặt bên các ngón tay, da đổi sang màu trắng sau khi tiếp xúc với nước.
Các tác giả đặt tên cho tình trạng này là phản ứng viêm da đầu chi thoáng qua dạng nốt mờ (transient reactive papulotranslucent acrokeratoderma). Sau đó, Yan và cộng sự đã báo cáo ba bệnh nhân có điểm tương đồng với tình trạng trên.
Cả ba bệnh nhân đều có dấu hiệu “ nhúng tay vào xô” (hand-in-the-bucket). Các tác giả đã gọi chứng rối loạn này là “bệnh dày sừng lòng bàn tay khi tiếp xúc nước”. Hiện tượng này đã được báo cáo với nhiều tên gọi khác nhau như aquagenic wrinkling of the palms (AWP), aquagenic syringeal acrokeratoderma, aquagenic (pseudo) keratoderma.
Căn nguyên của dày sừng lòng bàn tay khi tiếp xúc nước (AWP) chưa được biết rõ nhưng có liên quan đến mất nước qua thượng bì bất thường, biểu hiện aquaporin 5 không bình thường (aquaporin là protein màng, thường chịu trách nhiệm cho sự thẩm thấu nước nhanh qua màng tế bào).
Hình ảnh mô học của da sau khi ngâm trong nước cho thấy sự giãn nở, tăng sản các tuyến mồ hôi eccrine, và tăng số lượng mao mạch xung quanh và tiếp giáp với phần sâu của tuyến mồ hôi eccrine.
Lâm sàng của dày sừng lòng bàn tay khi tiếp xúc nước (AWP) thường có 3 dạng: thứ nhất là các trường hợp lẻ tẻ, chủ yếu ở phụ nữ trẻ, thường hết trong vòng vài năm, thứ hai là các trường hợp liên quan đến xơ nang và thứ ba là liên quan đến thuốc (như NSAIDS – đặc biệt ức chế COX-2, tobramycin, clarithromycin, gabapentin, spironolactone và isotretinoin).
Các phương pháp điều trị như ngăn tiết mồ hôi tại chỗ và toàn thân, thuốc tiêu sừng và các chất kháng viêm không có tác dụng với AWP.
Về việc thăm khám AWP làm xét nghiệm sàng lọc xơ nang, Singh và cộng sự đã quan sát thấy rằng khoảng thời gian ba phút để xuất hiện dày sừng lòng bàn tay được áp dụng cho 54 trẻ em được giới thiệu làm xét nghiệm mồ hôi.
20 trẻ có trị số Clo mồ hôi ≥60 mEq / l được chẩn đoán xơ nang – 15 trẻ trong số này xuất hiện dày sừng lòng bàn tay ở thời điểm ≤3 phút, cho độ nhạy 75%.
Các tác giả cho rằng ở trẻ em có kiểu hình tương thích với xơ nang, xuất hiện dày sừng lòng bàn tay trong 3 phút có thể được chẩn đoán là có khả năng mắc bệnh xơ nang và được xét nghiệm mồ hôi để xác nhận.
Dày sừng lòng bàn tay trên bệnh nhân xơ nang
Alexopoulos và cộng sự đã đánh giá sự xuất hiện dày sừng lòng bàn tay AWP ở bệnh nhân xơ nang (CF), dị hợp tử xơ nang (CF-het) và nhóm chứng sau khi ngâm 3 phút trong nước. Tổng cộng 250 cá thể (100 bệnh nhân CF, 50 CF-het, 100 người khỏe mạnh ở nhóm chứng) đã được phân tích.
Tỷ lệ dương tính với AWP sau 3 phút ở bệnh nhân CF, CF-het và nhóm chứng lần lượt là 68%, 8% và 0% (P <0,01). Chuẩn đoán xơ nang chính xác nhất là dựa vào sự xuất hiện của các nốt sần và nếp nhăn sau 7 phút.
Ngâm tay dưới nước trong thời gian ngắn có thể được thực hiện ở nơi điều kiện hạn chế, như một xét nghiệm sàng lọc ban đầu nhanh chóng, dễ dàng, chi phí thấp và không có rủi ro, giúp sớm chỉ định các xét nghiệm khẳng định tiếp theo như xét nghiệm mồ hôi và/hoặc phân tích gene di truyền ADN.
Các tác giả kết luận rằng việc nâng cao chẩn đoán dày sừng lòng bàn tay khi tiếp xúc nước có thể giúp xác nhận chẩn đoán xơ nang, cho phép bệnh nhân được tiếp cận điều trị sớm hơn.
Đối với bác sĩ da liễu, một bệnh nhân xuất hiện các nốt sẩn và nhiều nếp nhăn sau khi ngâm nước cần được thăm khám và đánh giá các triệu chứng xơ nang, xem xét khả năng xơ nang không điển hình hoặc tiềm ẩn, chuyển qua bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được kiểm tra thêm.