Theo kết quả được công bố trên World Journal of Clinical Cases, có mối liên quan giữa bệnh celiac (CD) và bệnh bạch biến, dựa trên các nguyên nhân tự miễn tương tự và tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu.
Các nhà điều tra đã tìm thấy 776 nghiên cứu liên quan đến bệnh bạch biến, bệnh celiac và chế độ ăn không chứa gluten (GFD) trong cơ sở dữ liệu PubMed, Ovid, Web of Science và Cochrane từ khi bắt đầu cho đến tháng 2 năm 2021. 15 nghiên cứu được chọn ra để phân tích thêm.
Trong số này, có 4 nghiên cứu kiểm tra mối quan hệ giữa bệnh bạch biến và bệnh celiac, 7 nghiên cứu báo cáo mối quan hệ giữa bệnh celiac và bệnh bạch biến, và 4 nghiên cứu khác nghiên cứu mối quan hệ giữa chế độ ăn không chứa gluten (GFD) và bệnh bạch biến.
Trong một nghiên cứu cắt ngang, 5 trong số 176 (2,8%) bệnh nhân bạch biến cũng bị bệnh celiac. Tuy nhiên, trong nghiên cứu cắt ngang khác, các nhà nghiên cứu không tìm thấy tỷ lệ mắc bệnh celiac ở 198 bệnh nhân bạch biến.
Trong một nghiên cứu bệnh chứng, các nhà điều tra đã nghiên cứu tỷ lệ lưu hành kháng thể anti – endomysial IgA ở 61 bệnh nhân (bao gồm 21 trẻ em) mắc bệnh bạch biến so với 60 người nhóm chứng. Kết quả dương tính ở 11 bệnh nhân bạch biến so với 1 bệnh nhân trong nhóm chứng, dẫn đến tỷ lệ 23,8% ở trẻ em và 15% ở người lớn mắc bệnh bạch biến. Sinh thiết ruột non khẳng định tỷ lệ mắc bệnh celiac là 3,2% ở những bệnh nhân có huyết thanh dương tính.
Trong nghiên cứu bệnh chứng thứ hai, các nhà điều tra đã nghiên cứu tự kháng thể nội cơ (endomysial autoantibody – EMA) và anti – tTG IgA ở 64 bệnh nhân bạch biến so với 64 người nhóm chứng. 3,1% bệnh nhân bạch biến có kết quả dương tính so với tỷ lệ 0% ở nhóm chứng.
Các nhà điều tra ghi nhận 2 báo cáo ca bệnh mô tả sự tái tạo của tổn thương bạch biến sau khi điều chỉnh chế độ ăn, cho thấy việc loại bỏ gluten trong chế độ ăn có thể cải thiện bệnh bạch biến. Ngoài ra, cũng có 2 trường hợp cùng mắc bạch biến và viêm da dạng Herpes, tuy nhiên chế độ ăn không gluten cho cải thiện tình trạng viêm da, nhưng không có tác dụng đối với bệnh bạch biến.