Rất nhiều bệnh nhân trong độ tuổi từ 18 đến 65 sau khi nhiễm SARS-CoV-2 mắc bệnh da tự miễn hay các bệnh về mạch máu. Tình trạng này nên được xem là bệnh lý hệ thống có biểu hiện da chứ không phải bệnh lý da đơn thuần.
Virus: Một trong những yếu tố gây ra các bệnh lý về thấp
Vào hội nghị thường niên của AAD, BS Zachary Holcomb, trưởng khoa Nội tổng hợp – Da Liễu Havard, Boston đã trình bày về nghiên cứu đa trung tâm.
“Virus trước giờ vẫn là một trong những yếu tố gây ra các bệnh lý về thấp nhưng thông tin về các bệnh lý tự miễn xuất hiện sau nhiễm SARS-CoV-2 vẫn còn khá ít.
Dựa vào cơ chế viêm gây rối loạn đông máu của SARS-CoV-2, chúng tôi nghi ngờ rằng virus này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tự miễn có biểu hiện da.
Nên chúng tôi muốn thực hiện nghiên cứu này nhằm xác định tỉ lệ mắc mới của các bệnh tự miễn sau nhiễm SARS-CoV-2,” BS Zachary Holcomb cho biết.
Các nhà nghiên cứu lấy dữ liệu từ nền tảng TriNetX Dataworks, một kho dữ liệu trực tuyến chứa thông tin khoảng 75 triệu bệnh nhân đã được tổng hợp và mã hóa từ 48 cơ quan y tế.
Dữ liệu nhóm bệnh được lấy từ những bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nặng thông qua phần mềm Logical Observation Identifiers Names and Codes (LOINCs). Dữ liệu nhóm chứng được lấy từ thông tin liên lạc của các bệnh nhân nội và ngoại trú không có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương.
Những dữ liệu đưa vào nghiên cứu phải thuộc về bệnh nhân có độ tuổi từ 18 đến 65 và chưa mắc các bệnh da tự miễn hay mạch máu trước đó.
Sau khi so sánh đối chiếu, tổng số người tham gia nghiên cứu là 1.904.864 bệnh nhân và không có sự khác biệt về tuổi, chủng tộc, dân tộc và giới tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu. Dữ liệu được lấy từ 1/4/2020 đến 1/10/2020.
Tần suất mắc mới bệnh da tự miễn hay mạch máu
Thời điểm tham gia nghiên cứu của nhóm bệnh là khi bắt đầu nhiễm COVID-19 và của nhóm chứng là thời điểm được ghi nhận thông tin. Các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi tần suất mắc mới bệnh da tự miễn hay mạch máu của cả 2 nhóm sau 60 ngày tham gia nghiên cứu.
Tỷ lệ mắc bệnh mô liên kết và các bệnh liên quan ở nhóm nhiễm COVID-19 cao hơn nhóm chứng với các số liệu như sau: viêm bì cơ (RR=2,273 với P=0,0196), xơ cứng bì (RR=1,959 với P=0,0001), lupus ban đỏ hệ thống (RR=1,401 với P<0,0001).
Ngoài ra, các tác giả còn nhận thấy tỷ lệ mắc mới của bệnh rụng tóc từng vùng ở nhóm nhiễm COVID-19 thấp hơn so với nhóm chứng (RR=0,527 với P<0,0001)
Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ mắc mới của các bệnh về bóng nước hay sẩn tróc vảy giữa 2 nhóm. Mặc dù vậy, tỷ lệ mắc bệnh sarcoidosis ở nhóm COVID-19 cao hơn nhóm chứng rất nhiều (RR=2,086, P<0,001).
Khi xét chung toàn bộ các bệnh lý tự miễn, tỷ lệ mắc mới của nhóm nhiễm COVID-19 vẫn cao hơn nhóm chứng với RR=1,168 (P<0,0001).
Tỷ lệ mắc mới bệnh mạch máu ở nhóm nhiễm COVID-19 cao hơn nhóm chứng với số liệu như sau: chứng xanh tím đầu chi (RR=2,825 với P<0,001), hiện tượng Raynaud’s (RR=1,462 với P<0,0001), viêm mạch máu nhỏ ở da (RR=1,714 với P<0,0001), bệnh u hạt Weneger (RR=2,667 với P=0,0002) và viêm động mạch thái dương (RR=1,9 với P=0,0038).
COVID-19 gây phản ứng viêm nặng nề
Điều đáng ngạc nhiên là dù có rất nhiều bài báo học thuật đưa tin về “ngón chân COVID” nhưng dữ liệu của nghiên cứu lại không tìm thấy sự gia tăng hiện tượng này ở nhóm bệnh nhân COVID.
Bác sĩ Holcomb thừa nhận rằng nghiên cứu của nhóm ông còn tồn tại một số giới hạn như thời gian theo dõi ngắn, các chỉ số về dịch tễ của 2 nhóm tương đương nhau nhưng có thể tình trạng sức khỏe cũng như tiền sử bệnh tự miễn trước không tương đương vì không xét được.
Hơn nữa, nghiên cứu chỉ tiến hành trên nhóm người từ 18 đến 65 tuổi nên kết quả nghiên cứu không thể áp dụng cho trẻ nhỏ và người lớn hơn 65 tuổi.
Chủ tọa TS.BS. Robert Paul Dellavalle, giáo sư Da Liễu đại Colorado, Aurora nhận xét kết quả nghiên cứu này còn khá sơ bộ.
Chúng ta nên nghiên cứu trong thời gian gần đây và tìm hiểu xem liệu vaccine COVID-19 có làm ảnh hưởng đến tỉ lệ mắc mới của các bệnh này hay không?