Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn mãn tính, khiến hệ miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh trong cơ thể. Bệnh này có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, từ phát ban da đến đau khớp và mệt mỏi. Nếu bạn đang nghi ngờ mình có thể đang mắc bệnh lupus ban đỏ thì bài viết sau sẽ chia sẻ rõ hơn về căn bệnh này và những dấu hiệu cảnh báo để bạn có thể kịp thời thăm khám và điều trị.
Lupus ban đỏ là bệnh gì?
Lupus ban đỏ là một rối loạn tự miễn dịch, đặc trưng bởi tình trạng viêm cấp tính hoặc mãn tính tại nhiều loại mô trong cơ thể. Nguyên nhân của bệnh là do hệ thống miễn dịch tự sản xuất ra các kháng thể tấn công nhầm vào các thành phần khỏe mạnh của chính cơ thể. Hậu quả là bệnh có thể gây tổn thương ở khớp, da, phổi, tim, mạch máu, thận, hệ thần kinh và cả các tế bào máu. Bệnh thường diễn biến với các giai đoạn nặng và nhẹ xen kẽ.
Có nhiều dạng lupus ban đỏ khác nhau, bao gồm:
- Lupus ban đỏ hệ thống (SLE): Dạng phổ biến nhất, tác động lên nhiều cơ quan trong cơ thể.
- Lupus ban đỏ dạng đĩa (DLE): Biểu hiện bằng các mảng phát ban mãn tính trên da.
- Lupus ban đỏ da bán cấp: Gây ra các vết loét da, đặc biệt ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Lupus do thuốc: Phát triển do phản ứng với một số loại thuốc.
- Lupus sơ sinh: Một dạng hiếm gặp, ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.
Phụ nữ có nguy cơ mắc lupus ban đỏ cao hơn nam giới (gấp khoảng 8 lần hoặc hơn). Bệnh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi từ 20 đến 45. Các chủng tộc người Mỹ gốc Phi, người gốc Hoa và người Nhật có xu hướng dễ mắc bệnh hơn so với các chủng tộc khác.
Cơ chế gây bệnh
Bình thường, hệ thống miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus,… Nhưng trong trường hợp lupus ban đỏ cùng một số bệnh tự miễn khác, cơ chế miễn dịch hoạt động bất thường. Nó không còn khả năng nhận diện chính xác các tế bào của cơ thể, dẫn đến việc tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh. Quá trình này gây tổn thương mô và là nguyên nhân gây ra các triệu chứng bệnh.
Nguyên nhân bệnh Lupus ban đỏ
Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn miễn dịch trong bệnh lupus ban đỏ vẫn chưa được xác định rõ. Mặc dù vậy, giới khoa học đã đưa ra một số giả thuyết về nguyên nhân gây lupus ban đỏ rằng bệnh phát sinh do sự tác động qua lại của nhiều yếu tố khác nhau, nổi bật là:
- Yếu tố di truyền: Nguy cơ mắc bệnh tăng lên gấp 20 lần ở những người có tiền sử gia đình, đặc biệt là anh chị em ruột bị lupus. Bệnh có xu hướng xuất hiện trong các gia đình, nhưng không có một gen riêng biệt nào được xác định là nguyên nhân duy nhất. Nhiều gee có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh khi gặp các tác động từ môi trường bên ngoài.
- Yếu tố môi trường: Bao gồm các dược phẩm (ví dụ như một số thuốc điều trị trầm cảm và thuốc kháng sinh), áp lực tâm lý (trầm cảm nghiêm trọng), tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím (ánh nắng mặt trời), biến động nội tiết tố và các bệnh nhiễm trùng.
- Yếu tố nội tiết: Các hormone giới tính, đặc biệt là estrogen cũng góp phần hình thành bệnh. Số liệu thực tế cho thấy ở giai đoạn sinh sản, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 10 lần so với nam giới.
- Tương tác thuốc (Lupus do thuốc): Có triệu chứng giống với lupus ban đỏ nhưng lại do phản ứng với một số loại thuốc gây ra và thường sẽ tự khỏi khi ngừng sử dụng thuốc đó. Ước tính có khoảng 400 loại thuốc có khả năng gây ra tình trạng này, trong đó thường gặp nhất là procainamide, hydralazine, quinidine và phenytoin.
Triệu chứng bệnh Lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ là một rối loạn tự miễn dịch toàn thân, có khả năng tác động đến nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể. Quá trình bệnh có thể diễn ra từ từ trong một khoảng thời gian dài hoặc khởi phát một cách đột ngột.
Triệu chứng trên da
Biểu hiện da rất phổ biến ở bệnh nhân Lupus ban đỏ (với 75% ca bênh), thường gặp nhất là ban đỏ dạng cánh bướm trên mặt. Tuy nhiên, ban đỏ cũng có thể xuất hiện ở các vùng da tiếp xúc với ánh nắng khác như cổ, tay và chân.
Các biểu hiện này rất mẫn cảm với ánh sáng mặt trời và nếu không được điều trị kịp thời, phần trung tâm của tổn thương có thể bị teo lại, hình thành nên “hồng ban dạng đĩa”. Một số trường hợp có thể thấy sự xuất hiện của các bóng nước, chấm xuất huyết. Tình trạng loét niêm mạc miệng và vùng họng cũng thường xảy ra nhưng không gây đau đớn. Tóc của người bệnh cũng thường khô, xơ và dễ gãy rụng.
Tình trạng viêm mô mỡ do lupus ban đỏ có thể dẫn đến sự hình thành các nốt sưng dưới bề mặt da. Các tổn thương do viêm mạch máu thường biểu hiện bằng các nốt ban đỏ li ti ở bàn tay và các ngón tay, tình trạng viêm đỏ xung quanh móng tay, tổn thương hoại tử ở nếp gấp móng, nổi mề đay và các nốt xuất huyết có thể sờ thấy được.
Dấu hiệu ở hệ tim mạch
Người bệnh lupus ban đỏ có thể trải qua các triệu chứng như đau tức ngực, cảm giác khó thở, tương tự như các triệu chứng của viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim. Trong các tình huống nghiêm trọng, bệnh có thể tiến triển thành suy tim.
Dấu hiệu ở hệ hô hấp
Viêm phổi và viêm màng phổi là các biến chứng thường gặp ở những người mắc lupus ban đỏ, có thể gây khó thở và suy hô hấp.
Dấu hiệu ở hệ xương khớp
Viêm khớp là một dấu hiệu thường gặp của lupus ban đỏ (chiếm khoảng 90% số ca bệnh), thường biểu hiện dưới dạng viêm đa khớp cấp tính, gây ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Mặc dù hiếm khi gây biến dạng khớp vĩnh viễn, nhưng ở giai đoạn muộn, lupus có thể dẫn đến biến dạng khớp ngón tay, ngón chân hoặc viêm khớp Jaccoud mà không có sự bào mòn xương sụn. Cần lưu ý rằng hội chứng đau cơ xơ hóa, một bệnh mạn tính khác, có triệu chứng tương tự lupus như đau khớp, đau mỏi toàn thân và kiệt sức, có thể gây khó khăn trong chẩn đoán.
Dấu hiệu về huyết học
Thiếu máu là một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân lupus, với mức độ từ nhẹ đến nặng. Người bệnh có thể xanh xao, môi nhợt nhạt và khó vận động. Xét nghiệm máu thường cho thấy giảm cả ba dòng tế bào máu: hồng cầu, bạch cầu (đặc biệt là bạch cầu lympho, thường dưới 1500 tế bào/mcL) và tiểu cầu.
Dấu hiệu ở thận
Viêm thận do lupus, một biến chứng nghiêm trọng, thuộc nhóm bệnh viêm thận tự miễn. Tình trạng này có thể âm thầm diễn tiến hoặc gây ra các vấn đề đe dọa tính mạng. Phạm vi tổn thương rất đa dạng, từ viêm các cầu thận khu trú đến viêm cầu thận tăng sinh lan rộng.
Các triệu chứng thường gặp bao gồm nước tiểu đục, tiểu ra máu, sưng phù toàn thân và huyết áp cao. Ở giai đoạn đầu, viêm thận lupus có thể bị chẩn đoán nhầm là nhiễm trùng đường tiết niệu không triệu chứng. Xét nghiệm phân tích nước tiểu có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường và trong một số tình huống, việc sinh thiết thận có thể được chỉ định để chẩn đoán xác định.
Các vấn đề về hệ thần kinh và tâm lý
Lupus ban đỏ có thể gây ra các vấn đề về thần kinh ở một số người bệnh, bao gồm mất phương hướng, suy giảm nhận thức và rối loạn trí nhớ. Một số ít có thể bị đau đầu nghiêm trọng hoặc co giật. Việc sử dụng corticoid liều cao trong thời gian dài có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng thần kinh này.
Nhiều người bệnh ban đầu chỉ có các triệu chứng mơ hồ như giảm cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi kéo dài, biếng ăn, sốt nhẹ dai dẳng, rụng tóc nhiều, loét miệng lâu lành và đau các khớp nhỏ. Thậm chí, một số trường hợp chỉ đi khám vì đau nhức cơ và rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
Các triệu chứng lupus thường không ổn định, diễn biến thành từng đợt, xen kẽ giữa các giai đoạn bùng phát và lui bệnh. Vì có nhiều triệu chứng giống với các bệnh khác, việc chẩn đoán lupus ban đỏ thường phức tạp và có thể mất nhiều năm kể từ khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện.
Dấu hiệu sản khoa
Các biến chứng sản khoa có thể gặp ở bệnh nhân lupus bao gồm sảy thai trong giai đoạn đầu và cuối thai kỳ. Ở những bệnh nhân có kháng thể kháng phospholipid, nguy cơ sảy thai lặp lại là rất cao.
Việc mang thai vẫn khả thi ở phụ nữ bị lupus ban đỏ, lý tưởng nhất là sau khi bệnh đã được kiểm soát tốt từ 6 đến 12 tháng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bệnh có thể tái phát trong quá trình mang thai, đặc biệt là sau khi sinh con.
Phụ nữ mang thai có kháng thể SSA dương tính cần được theo dõi sát sao bởi các bác sĩ chuyên khoa sản để kiểm soát bệnh và phòng ngừa các biến chứng như huyết khối. . Việc siêu âm thai nên được thực hiện vào tuần thứ 18 và 26 của thai kỳ để kiểm tra các dị tật tim bẩm sinh.
Đối tượng nguy cơ bệnh Lupus ban đỏ
Một số yếu tố có thể làm tăng khả năng phát triển bệnh lupus ban đỏ, bao gồm:
- Giới tính: Tỷ lệ phụ nữ mắc lupus cao hơn so với nam giới, đặc biệt là trong giai đoạn thai kỳ và chu kỳ kinh nguyệt.
- Tiếp xúc với ánh nắng: Việc tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời hoặc tia cực tím có thể làm tăng khả năng phát triển bệnh.
- Nhiễm trùng: Các bệnh nhiễm trùng cũng được coi là một yếu tố góp phần vào nguy cơ mắc lupus.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại dược phẩm, chẳng hạn như thuốc điều trị động kinh, thuốc kiểm soát huyết áp và thuốc kháng sinh, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Độ tuổi: Mặc dù lupus có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng phần lớn các trường hợp được phát hiện trong khoảng từ 15 đến 40 tuổi.
- Chủng tộc: Các nghiên cứu cho thấy người Mỹ gốc Phi, người châu Á và người có nguồn gốc Tây Ban Nha có xu hướng mắc bệnh lupus cao hơn so với người da trắng.
Những biến chứng có thể xảy ra
Lupus ban đỏ có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan, bao gồm thận, máu, tim, não, hệ tiêu hóa và phổi. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, lupus có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
- Tim mạch: Bệnh có thể gây viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, ít gặp hơn là viêm động mạch vành, tổn thương van tim và viêm nội tâm mạc Libman-Sacks. Xơ vữa động mạch cũng là một mối lo ngại đáng kể. Những biến chứng này có thể tiến triển thành suy tim mãn tính hoặc cấp tính, thậm chí gây tử vong đột ngột do trụy mạch.
- Hô hấp: Người bệnh có thể bị khó thở, suy hô hấp cấp do tràn dịch màng phổi hoặc viêm phổi. Xuất huyết phế nang lan tỏa, một biến chứng nguy hiểm với tiên lượng dè dặt, cũng có thể xảy ra. Các biến chứng khác bao gồm tắc mạch phổi, tăng áp động mạch phổi và hội chứng phổi co rút.
- Thận: Lupus có thể tấn công các cầu thận, gây viêm và cuối cùng dẫn đến suy thận.
- Thần kinh: Co giật và các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể xuất hiện.
- Hệ tạo máu: Lupus có thể gây thiếu máu và các vấn đề đông máu, dẫn đến xuất huyết. Thiếu máu mãn tính làm suy yếu chức năng của các cơ quan, trong khi xuất huyết có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu máu và gây tử vong do xuất huyết não hoặc chèn ép não.
- Biến chứng do thuốc: Thuốc ức chế miễn dịch, mặc dù cần thiết để kiểm soát lupus, có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể nhanh chóng tiến triển thành nhiễm trùng huyết, gây sốc và tử vong nếu không được điều trị khẩn cấp.
Bệnh lupus ban đỏ sống được bao lâu?
Không có câu trả lời duy nhất cho câu hỏi này. Thời gian sống của bệnh nhân lupus ban đỏ có thể chỉ vài tháng nhưng cũng có thể sống lâu như người không mắc bệnh. Trong quá khứ, lupus ban đỏ từng là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, với 50% số bệnh nhân chỉ sống được tối đa 4 năm sau khi được xác định bệnh. Mặc dù vậy, nhờ vào những bước tiến lớn trong lĩnh vực y tế trong hơn 20 năm trở lại đây, trên 95% số người bệnh lupus hiện nay có thể sống hơn 10 năm và nhiều trường hợp đạt được tuổi thọ tương đương với người khỏe mạnh.
Một số yếu tố góp phần làm tăng tuổi thọ của bệnh nhân lupus ban đỏ bao gồm:
- Sự chính xác hơn trong việc xác định các dạng bệnh.
- Chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm.
- Sự ra đời của các loại thuốc điều trị mới có hiệu quả cao hơn.
- Các biện pháp điều trị hiệu quả nhắm vào các biến chứng thường gặp như tăng huyết áp, nhiễm trùng và suy giảm chức năng thận, , góp phần gia tăng tuổi thọ cho người bệnh.
Phương pháp chẩn đoán lupus ban đỏ
Để xác định bệnh Lupus ban đỏ, bác sĩ sẽ kết hợp nhiều phương pháp như thu thập bệnh sử và tiền sử bệnh, khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng. Trong đó, các xét nghiệm máu thường được chỉ định bao gồm:
- Kiểm tra tốc độ lắng hồng cầu (ESR).
- Phân tích công thức máu (CBC).
- Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA) và anti-dsDNA.
- Phân tích nước tiểu.
Phương pháp điều trị bệnh lupus ban đỏ hiệu quả
Hiện nay, lupus ban đỏ chưa có thuốc đặc trị. Việc điều trị chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Các biện pháp điều trị lupus ban đỏ bao gồm:
- Thuốc bôi ngoài da: Đối với các biểu hiện nhẹ trên da, bệnh nhân có thể sử dụng các loại kem hoặc thuốc mỡ có tác dụng kháng viêm và giảm đau
- Thuốc điều trị toàn thân: Các loại thuốc điều trị toàn thân như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc dị ứng và thuốc ức chế hệ miễn dịch sẽ được bác sĩ kê đơn tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý.
Song song với các liệu pháp y khoa, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ nhằm ngăn ngừa hoặc làm dịu các triệu chứng của bệnh Lupus ban đỏ:
- Bảo vệ da khỏi ánh nắng: Tia UV từ mặt trời có thể kích thích các phản ứng viêm da ở người bệnh lupus, gây ra các biểu hiện như đỏ da, bong vảy. Vì vậy, việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời là rất quan trọng. Khi ra ngoài, cần sử dụng các biện pháp bảo vệ như đội mũ, mặc quần áo dài tay, đeo kính râm và thoa kem chống nắng có chỉ số SPF phù hợp.
- Chế độ dinh dưỡng khoa học: Dinh dưỡng đóng một vai trò thiết yếu trong quá trình kiểm soát bệnh lupus. Khuyến khích người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là vitamin D, có trong các loại thực phẩm như trứng, bơ, sữa và dầu cá. Vitamin D còn có tác dụng củng cố sức khỏe xương khớp. Đồng thời, bạn nên tăng cường tiêu thụ các thực phẩm chứa canxi như phô mai và rau củ. Cần tránh các món ăn chế biến nhiều dầu mỡ và các thực phẩm chứa cholesterol cao để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
- Vận động thể chất điều độ: Để hỗ trợ quá trình điều trị, bệnh nhân lupus nên thiết lập một chương trình tập luyện thể dục vừa sức, phù hợp với tình trạng sức khỏe cá nhân, chẳng hạn như tập gym, đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà bạn cần biết về bệnh lupus ban đỏ và những cách để chẩn đoán căn bệnh này. Nếu bạn nghi ngờ mình mắc bệnh lupus ban đỏ, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh việc theo dõi các triệu chứng, việc duy trì một lối sống lành mạnh cũng rất quan trọng. Chế độ ăn uống cân bằng, tập luyện đều đặn, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và giảm stress sẽ giúp bạn tăng cường sức khỏe và phòng ngừa nhiều bệnh tật, trong đó có lupus ban đỏ.