Ngoài ho, sốt… gần đây khoa học còn phát hiện thấy nhiều dấu hiệu trên da cũng liên quan COVID-19.
Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Da liễu Anh (BJD), những ngày đầu của đại dịch COVID-19, y học quan tâm vào 3 dấu hiệu chính của COVID-19 là sốt, ho và khó thở. Nghiên cứu sâu hơn, còn cho thấy phát ban da cũng là dấu hiệu không thể bỏ qua.
Đây là kết luận được rút ra sau khi các nhà khoa học Anh nghiên cứu trên 336.847 người. Nhóm người này tự ghi lại những triệu chứng gặp phải, kể cả tiền sử bệnh lý. Kết quả, có khoảng 8,8% những người tự khai phát ban trên da.
Phát ban da, một trong những triệu chứng chính của COVID-19
Để hiểu rõ hơn về các dấu hiệu COVID-19 trên da này, các nhà khoa học còn tham khảo kết quả một cuộc nghiên cứu độc lập triệu chứng trên da của 11.544 người đã khỏi COVID-19 và phát hiện thấy ngoài sốt, ho và khó thở còn có nhiều vấn đề khác ở nhóm dương tính với virus SARS-CoV-2, như mất khứu giác, vị giác, tiêu chảy, đau nhức đầu…
Cụ thể, 47% gặp các thay đổi về da xuất hiện đồng thời một lúc với các dấu hiệu COVID-19 khác; 35% gặp các thay đổi về da sau những dấu hiệu COVID-19.
21% bệnh nhân Covid-19 chỉ phát ban da
Điều khiến các nhà khoa học quan tâm là có khoảng 21% nói rằng, phát ban trên da là dấu hiệu duy nhất mà họ gặp khi bị nhiễm virus.
Với nghiên cứu trên, các tác giả cho rằng những thay đổi trên da có thể dễ dàng nhận ra, điều này có thể giúp phát hiện virus và theo dõi tiếp xúc được dễ dàng hơn.
Những dạng phát ban được coi là dấu hiệu COVID-19
Hồng ban dạng sởi
Trong một loạt ca được mô tả, ban dạng sởi chủ yếu gặp ở thân mình được ghi nhận là biểu hiện da phổ biến nhất của COVID-19. Ban có thể xuất hiện ngay khi bệnh mới khởi phát nhưng thường gặp là sau khi ra viện hay hồi phục.
Tổn thương dạng cước đầu chi hay ngón chân, ngón tay chân COVID (Covid toes)
Biểu hiện các dát màu hồng tím hay ngứa ở ngón tay, khuỷu, ngón chân và bờ bên các ngón chân kèm hoặc không kèm theo phù nền và ngứa.
Triệu chứng được mô tả ở bệnh nhân nhiều lứa tuổi khác nhau nghi ngờ hoặc được xác định mắc COVID-19 mà không có tiền sử tiếp xúc lạnh hay bệnh nền liên quan đến cước. Thoái lui trong 2-8 tuần nhưng cũng có vài trường hợp kéo dài đến hơn 60 ngày ở những bệnh nhân bị cước.
Tổn thương bầm đen dạng mạng lưới
Tổn thương mạch máu bầm đen dạng mạng lưới gặp ở một vài bệnh nhân COVID-19.
Tổn thương mạch máu hoại tử/xuất huyết dạng lưới/dạng cành hoa bầm đen cố định
Ban xuất huyết dạng lưới và tổn thương mạch máu hoại tử có thể gặp ở bệnh nhân COVID-19 nặng. Trong số 11 ca bệnh có ban xuất huyết dạng lưới và xét nghiệm khẳng định nhiễm COVID-19, tất cả nếu nhập viện và 9 trong số có hội chứng suy hô hấp cấp.
Mày đay
Mày đay cấp có hoặc không kèm theo sốt đồng thời được báo cáo như là dấu hiệu biểu hiện của nhiễm COVID-19
Phát ban mụn nước (dạng thuỷ đậu)
Một vài báo cáo mô tả phát ban dạng thuỷ đậu, mụn nước – mụn mủ ở bệnh nhân COVID-19. Phát ban gồm sẩn, mụn nước mụn mủ nhỏ xuất hiện 4 – 30 ngày sau khi có triệu chứng của COVID-19 và khỏi sau chừng 10 ngày.
Hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em (MIS-C)
Biểu hiện hồng ban đa hình, tổn thương cứng chắc hoặc màu hồng ở bàn tay, ngón chân, niêm mạc miệng và kết mạc mắt kèm với triệu chứng toàn thân, kết quả xét nghiệm và hình ảnh của bệnh KAWASAKI nặng không điển hình.
Các biệu hiện da khác
Phát ban sẩn vảy, tổn thương dạng hồng ban đa dạng, phát ban dạng sốt Dengue, chấm xuất huyết và hoại thư.
Làm gì khi xuất hiện các triệu chứng trên da
So với các bệnh nhiễm virus khác, COVID-19 không phải là một bệnh nhiễm virus duy nhất gây ra các triệu chứng trên da, nhưng phát ban do nhiễm virus COVID-19 dường như phổ biến và đa dạng hơn. Nếu như tình trạng này không thuyên giảm, người bệnh cần tìm tới sự trợ giúp từ thuốc kê đơn của bác sĩ.
Những bệnh nhân mắc bệnh lý nền về da, đặc biệt những bệnh nhân mắc bệnh lý da tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm bì cơ…, cần tuân thủ chặt chẽ khuyến cáo phòng dịch của bác sĩ da liễu và của bệnh viện nơi bệnh nhân đến khám chữa bệnh.
Với những bệnh nhân không thuộc nhóm bệnh lý tự miễn nhưng đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch như corticoid hoặc các thuốc sinh học… cũng cần phải nâng cao cảnh giác để tránh mắc COVID-19 vì đây là nhóm đối tượng nguy cơ cao, dễ mắc bệnh.
Các biện pháp phòng dịch chung như vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khi chúng ta tiếp xúc với bề mặt bàn, ghế, thang máy, tay nắm cửa… nhất là những vị trí có thể bị dính virus SARS-CoV-2.