Rụng tóc bất thường từ năm 25 tuổi, Sơn tìm nhiều cách cải thiện song khu vực giữa đỉnh đầu ngày càng hói.
Sơn làm việc cho một công ty thiết kế may mặc ở huyện Gia Lâm, thường xuyên tiếp khách. Nhiều lần gặp khách hàng, anh bị nhầm là giám đốc vì “bụng to, đầu hói”. Nhiều người gọi anh là chú, bác vì trông già hơn so với tuổi, còn bạn bè trêu “rửa mặt thì lâu, gội đầu thì nhanh”.
Thời gian đầu, Sơn không chăm chút đến mái tóc, đến khi vùng đỉnh đầu hói rõ, tóc hai bên thái dương cũng mỏng dần, anh lo lắng, tìm cách khắc phục nhưng không thành công. Anh dùng đủ loại thuốc, từ dạng xịt đến uống, đều bị tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn ngủ. Anh được giới thiệu phương pháp cấy nang tóc, giá 30 đến 40 triệu đồng một liệu trình, gồm 10 buổi. “Tuy nhiên, hiệu quả chỉ khoảng 40-50% nếu nang tóc còn phục hồi được nên tôi không thực hiện theo cách này”, anh nói.
Cũng ám ảnh do bị rụng tóc, Hoa 28 tuổi, cứ thấy tóc rụng trên sàn nhà là stress. Cô thậm chí không dám gội đầu. Tình trạng rụng tóc xảy ra sau khi Hoa sinh con, dù trước đây tóc rất dày và đẹp. Bác sĩ cho biết rối loạn nội tiết tố sau sinh là nguyên nhân chính dẫn đến rụng tóc. “Tôi muốn trầm cảm, lúc nào cũng lo lắng, không biết mình mắc bệnh gì”, cô kể, thêm rằng đã thay đổi lối sống, ăn uống, tập thể dục, kết hợp dùng thuốc nhưng không chữa khỏi.
Hiệp hội rụng tóc Mỹ ước tính 1/4 nam giới bị hói đầu do di truyền sẽ bắt đầu rụng tóc trước khi họ 21 tuổi. Một nghiên cứu của Đại học Y khoa Harvard cho thấy 1/3 phụ nữ phải chịu đựng chứng rụng tóc trong đời, khoảng 25% nam giới bắt đầu có biểu hiện hói đầu ở 21 tuổi.
Các thống kê cho thấy thế giới có khoảng 147 triệu người đã hoặc sẽ bị hói đầu vào một thời điểm nào đó trong đời. Tại Mỹ hiện có khoảng 6,8 triệu người bị hói đầu và hơn 2% có thể mắc tình trạng này suốt đời, theo Science Alert. Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc ước tính, khoảng 1/6 dân số nước này mắc chứng rụng tóc (250 triệu người) và đang có xu hướng trẻ hóa. Người dưới 30 tuổi chiếm gần 70%, tỷ lệ lớn nhất là nhóm tuổi 26-30, với gần 42%.
Tại Việt Nam, chưa có thống kê chính thức nhưng y văn ghi nhận tình hình rụng tóc cũng tương đương các nước.
Thạc sĩ, bác sĩ Tạ Quốc Hưng, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, nhận định tình trạng hói đầu sớm ở người trẻ ngày càng phổ biến. Người bệnh bị tóc rụng nhiều hơn mức bình thường, làm lộ rõ vùng da đầu khiến họ tự ti và mặc cảm về diện mạo. Với người chưa lập gia đình, áp lực càng trở nên nặng nề.
Tại khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, mỗi tháng ghi nhận trung bình 120 bệnh nhân đến khám vì rụng tóc hói đầu, chiếm 5% tổng số lượt khám. So với trước đại dịch Covid-19, hiện tình trạng rụng tóc tăng 10-15%, theo bác sĩ Hưng. Biểu hiện là tóc rụng trên 100 sợi một ngày, thời gian hơn một năm, rụng nhiều cả khi tóc ướt lẫn khô, có thể thấy rõ da đầu (nữ) hoặc tóc rụng từng mảng gây hói nhẹ (nam), tóc con mọc lên yếu, mềm, mảnh, xoăn hoặc không mọc.
Có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc, hói đầu ở người trẻ, phổ biến nhất là di truyền. Những người sinh ra trong gia đình có người thân bị chứng rụng tóc, hói đầu, với nam nguy cơ này đến 99% và 65% ở nữ.
Thường xuyên căng thẳng, stress, lối sống thất thường cũng khiến tóc rụng. Đặc biệt, trong đại dịch, nhiều người nhiễm nCoV bị rụng cả mảng tóc do rối loạn tâm lý, mệt mỏi, lo âu.
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho hay rụng tóc là một trong những triệu chứng hậu Covid-19 được nhiều nghiên cứu và báo cáo ghi nhận. Một báo cáo khoa học gần đây cho thấy rụng tóc gặp ở 25% bệnh nhân hậu Covid-19, tức 100 trường hợp có 25 người bị rụng tóc. Triệu chứng này thường kéo dài khoảng 2-3 tháng.
Ngoài ra, thói quen sử dụng thức ăn nhanh, hoặc ăn kiêng sai cách khiến cơ thể thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu như vitamin A, B, sắt, kẽm, magie dẫn đến rụng tóc. Ở nữ giới, tóc rụng do thiếu hụt hoặc rối loạn hormone trong cơ thể, thường gặp ở phụ nữ thời kỳ sinh nở, trong chu kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh, mãn kinh. Ảnh hưởng từ một số bệnh lý như viêm da đầu, bệnh tuyến giáp cũng gây rụng tóc.
Tùy thuộc tình trạng, bác sĩ có phương pháp điều trị phù hợp như dùng thuốc, sử dụng laser liều thấp, hoặc cấy tóc. Trong đó, cấy tóc thường áp dụng cho người rụng tóc nhiều hoặc hói lâu năm, gồm cấy sinh học và tự thân. “Nhiều bệnh nhân sau cấy thì tiếp tục rụng và hói đầu lại”, ông Hưng nói, thêm rằng bệnh viện từng tiếp nhận trường hợp bị nhiễm trùng nang tóc ghép, để lại sẹo không thể hồi phục.
Chi phí cấy tóc hiện từ 40 triệu đến 50 triệu đồng, nhưng không phải người nào cũng đáp ứng điều trị. Một số người có cơ địa bệnh lý miễn dịch, dễ dị ứng, đang mắc bệnh nhiễm trùng, hói đầu lâu năm không nên thực hiện.
Để giảm rụng, bác sĩ khuyên nên chăm sóc tóc mỗi ngày, hạn chế để tóc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Khi ra ngoài cần buộc tóc gọn gàng và dùng mũ rộng vành để bảo vệ. Không nên buộc quá chặt khiến tóc bị thắt chặt, co kéo, dẫn đến nang tóc dần bị tổn thương, yếu ớt, dễ gãy.
Nên gội đầu khoảng hai đến ba lần mỗi tuần để làm sạch gàu, bụi bẩn và hỗ trợ kích thích nang tóc phát triển. Không nên gội hằng ngày, có thể dẫn đến mất lớp màng bảo vệ tóc, khiến da đầu dễ hư hại, chân tóc không còn chắc khỏe, mái tóc mất đi độ ẩm tự nhiên. Hạn chế stress, ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục, bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho tóc như vitamin E, A, C.
Hiện, anh Sơn chấp nhận sống chung với đầu hói, dừng hẳn các loại thuốc, chỉ thay đổi lối sống như không thức khuya, tập thể dục, ăn uống lành mạnh. Còn chị Hoa đang theo liệu trình cấy tóc tại bệnh viện, được ba buổi, chưa thấy hiệu quả rõ ràng.
“Thật may là chồng tôi vẫn luôn động viên vợ phải giảm căng thẳng, tóc mới đỡ rụng”, chị nói, cho biết đang bổ sung nhiều chất dinh dưỡng, tập thiền để cải thiện.
https://vnexpress.net/rung-toc-hoi-dau-noi-am-anh-cua-nhieu-nguoi-tre-4594173.html