Bệnh vảy nến được biết đến với các triệu chứng có xu hướng xảy ra theo từng đợt, được gọi là bùng phát, có thể được kích hoạt bởi một số nguyên nhân từ sự căng thẳng và nhiễm trùng đến thuốc và chấn thương da…
Chấn thương trên da bao gồm: Vết cắt, vết xước, bỏng, cháy nắng, côn trùng cắn và các loại vết thương hở… đều có thể gây nên tổn thương dạng vảy nến. Thậm chí sự kích ứng do thắt lưng quá chặt hoặc dây đeo vai có thể gây bùng phát. Hơn nữa, các mô sẹo hình thành sau khi xăm có thể trở thành nơi bùng phát bệnh vảy nến – thậm chí nhiều năm sau khi bạn xăm.
Theo một đánh giá được đăng tải trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada, khoảng 25% người bị bệnh vảy nến sẽ gặp phải hiện tượng Koebner sau các chấn thương (hoặc đơn giản là phản ứng Koebner). Nó thường xảy ra trong vòng 10 đến 20 ngày sau khi bị thương, nhưng có thể mất ít nhất là ba ngày hoặc lâu nhất là hai năm.
Hiện tượng Koebner không chỉ xảy ra ở những người mắc bệnh vẩy nến từ trước mà có thể xảy ra ở một số bệnh da khác như: liken phẳng, bệnh bạch biến và bệnh Darier hoặc ở những bệnh nhân không mắc bệnh da liễu từ trước đó.
Koebner được định nghĩa là sự xuất hiện của các tổn thương da theo đường tuyến tính vùng chấn thương, tiếp xúc hoặc kích thích. Mặc dù đã có những nghiên cứu về hiện tượng Koebner trong hơn một thế kỷ qua nhưng các nhà khoa học vẫn không chắc chắn nguyên nhân chính xác gây nên hiện tượng này. Về cơ bản, phản ứng Koebner mô tả phản ứng thái quá của cơ thể đối với chấn thương. Và đặc biệt những người bị bệnh vẩy nến nên biết rằng xăm mình có thể gây ra hiện tượng này.
Một giả thuyết cho rằng hiện tượng này xảy ra khi lớp ngoài và lớp giữa của da (được gọi là biểu bì và hạ bì) đều bị thương ở cùng một vị trí bởi vì khi xảy ra một chấn thương hoặc có sự xâm nhập một chất ngoại lai vào cơ thể, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ khởi động phản ứng viêm, có thể vô tình kích hoạt hoạt động của bệnh trong các mô đó.
Đặc biệt với bệnh vảy nến, phản ứng miễn dịch được kích hoạt do các chấn thương ở da và dẫn tới có thể kích hoạt không chỉ các kháng thể tấn công các sinh vật lạ, mà còn các tự kháng thể tấn công các tế bào bình thường.
Một giả thuyết cũng được chứng minh một phần là do bệnh vảy nến bùng phát ở những người đã trải qua xạ trị và có vết bầm tím. Mặc dù lớp biểu bì có thể vẫn không bị tổn thương, nhưng lớp hạ bì bên dưới sẽ bị tổn thương đủ để kích thích phản ứng miễn dịch.
Do đó, Khi một người xăm mình, cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng và phản ứng dị ứng. Phản ứng này có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng, tùy thuộc vào từng cá nhân. Một báo cáo được đăng trên Tạp chí của Học viện Da liễu Mỹ cho thấy, những người mắc bệnh vẩy nến có nguy cơ nhập viện vì nhiễm trùng cao hơn những người không mắc bệnh.
Nguy cơ nhiễm trùng ở người bị bệnh vẩy nến sẽ tăng lên nếu họ dùng thuốc ức chế miễn dịch để điều trị bệnh. Nguyên nhân là do những loại thuốc này làm suy yếu hệ thống miễn dịch và khiến việc chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng của cơ thể khó khăn hơn.
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Clinical Dermatology, khoảng thời gian từ tạo hình xăm đến khi xuất hiện bệnh vảy nến có thể từ ba ngày đến hai năm. Thậm chí có những trường hợp, hình xăm tồn tại trên da hàng thập kỷ sẽ đột nhiên trở thành vị trí chính (và đôi khi là ban đầu) của một đợt bùng phát vảy nến.
Có những trường hợp, hình xăm hoàn toàn bình thường nhưng đột nhiên các mô tại vị trí hình xăm có thể bắt đầu và xuất hiện hồng ban,bong vảy và lan rộng ra vùng da lân cận. Điều này cho thấy rằng chấn thương da có thể không phải là nguyên nhân duy nhất của bệnh vảy nến, thay vào đó, các yếu tố khác có thể kích thích sự khởi phát của các triệu chứng.
Điều này có thể là do các tế bào da được gọi là tế bào sừng hoạt động khác nhau trong mô sẹo. Thay vì trải qua vòng đời từ 5 – 6 tuần bình thường, nơi các tế bào cũ được thay thế bằng các tế bào mới. Đối với bệnh nhân vảy nến có hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức gây ra tình trạng viêm quá mức khiến cho da sản sinh tốc độ nhanh hơn và nhiều hơn thường với khoảng chu kì 4 -5 ngày.
Liên quan đến nguy cơ bùng phát bệnh vảy nến, điều quan trọng cần lưu ý là hình xăm không phải lúc nào cũng gây ra vấn đề ở những người mắc bệnh. Theo các nghiên cứu, phản ứng Koebner thường xuất hiện ở khoảng ¼ số lượng bệnh nhân bị vảy nến sau một chấn thương da, bao gồm cả hình xăm.
Như đã nói, nguy cơ có thể cao hơn đáng kể nếu bạn đã từng bị bùng phát sau vết cắt, vết bỏng hoặc cháy nắng hoặc phát triển bệnh vảynến theo mùa do thời tiết khô lạnh. Ngoài ra, mực hình xăm chứa nhiều hóa chất khác nhau như: nhôm, oxit sắt, mangan và sulfua thủy ngân.
Những thành phần này có thể gây ra phản ứng dị ứng như phát ban hoặc sưng tấy (đặc biệt là thuốc nhuộm màu vàng và đỏ có chứa cadmium sulfide) có thể gây dị ứng da kích thích phản ứng miễn dịch với mực, đặc biệt trên cơ địa dễ bị dị ứng da. .
Nếu có thể, hãy thử đến gặp các bác sĩ da liễu hoặc thẩm mỹ da để được khám, xác định chính xác tình trạng da trước khi xăm để cân nhắc đầy đủ những ưu và khuyết điểm dựa trên tiền sử bệnh và các yếu tố nguy cơ xảy ra với bạn. Nếu có thể, hãy bắt đầu với một hình xăm nhỏ mà bạn có thể sống cùng, và lên lịch các thủ thuật bổ sung sau mỗi ba đến sáu tháng nếu làn da của bạn vẫn khỏe mạnh.
Nếu bạn bị bùng phát một tình trạng khi xuất hiện tổn thương mới hoặc xấu đi hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng như mẩn đỏ, sưng tấy hoặc bỏng rát kéo dài ngoài thời gian chữa bệnh điển hình trên da sau khi xăm, hãy đến gặp bác sĩ da liễu. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bạn có thể được kê đơn steroid bôi tại chỗ hoặc các phương pháp điều trị khác để giảm đau và viêm.