Nhiều lọ tế bào gốc được rao bán trên mạng, giá chỉ từ 200.000 đồng, quảng cáo chữa bách bệnh, nhưng các bác sĩ khuyến cáo thận trọng, không thần thánh hóa dẫn đến “tiền mất, tật mang”.
Chị Lan 35 tuổi, ở TP HCM, được nhân viên một cơ sở y tế tư vấn truyền tế bào gốc để phục hồi cơ thể. Người này giới thiệu tế bào gốc xuất xứ nước ngoài, một hộp 10 lọ, giá 550.000 đồng một liệu trình, tác dụng tăng cường sản sinh tế bào, collagen, chống lại lão hóa khiến da nhăn nheo. Ngoài ra, tế bào gốc giúp xóa nám, giảm thâm, tái tạo các tế bào mới nhanh chóng, giúp da trắng sáng, mịn màng.
Người bán hàng nói với chị Lan rằng “chỉ cần một lọ tế bào gốc có thể giải quyết hết” các vấn đề của da. Tin lời, người phụ nữ tiêm 10 lọ trong một tháng. Sau tiêm một tuần, các nốt phồng xuất hiện trên da, kích thước 3 mm rải rác khắp mặt kèm nhiễm khuẩn tụ cầu vàng.
Tiếp nhận ca bệnh, bác sĩ Tạ Quốc Hưng, Khoa Da Liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết chị Lan tiêm không phải tế bào gốc, mà là một sản phẩm không tinh khiết, dẫn đến viêm da. Ngoài ra, người thực hiện kỹ thuật tiêm thao tác không đảm bảo vô trùng nên đã đưa thêm vi khuẩn vào cơ thể bệnh nhân qua vết tiêm.
Sau hai tuần điều trị bằng thuốc kháng sinh và kháng viêm, vết thương trên mặt chị Lan giảm sưng, đỏ. Tuy nhiên, các vết tiêm có xu hướng lõm, nguy cơ sẹo, không thể lành lại như ban đầu.
Theo bác sĩ Hưng, chị Lan là một trong nhiều nạn nhân của việc tiêm tế bào gốc trôi nổi, không rõ xuất xứ mà bệnh viện tiếp nhận điều trị. Một chuyên gia khác trong lĩnh vực thẩm mỹ cho rằng thứ được quảng cáo “tế bào gốc” đựng trong ống có thể là chất kích thích tuyến nội tiết (thượng thận, giáp, sinh dục) trong cơ thể hoạt động. Người được tiêm ban đầu có cảm giác hưng phấn, khỏe, trẻ lại nhưng hậu quả lâu dài như thế nào thì y học chưa thể xác định.
Không chỉ trong lĩnh vực làm đẹp, nhiều cơ sở còn quảng cáo tế bào gốc chữa được bách bệnh, kể cả ung thư giai đoạn muộn. TS. BS Phạm Nguyên Quý, chuyên ngành Ung thư, Đại học Kyoto, Nhật Bản, cho biết ngày nay nhiều người đến các cơ sở y tế tiêm tế bào gốc, thậm chí có trường hợp tự mua để tiêm trực tiếp vào cơ thể. Nhiều gia đình chi hàng tỷ đồng đưa người thân ra nước ngoài tiêm tế bào gốc chữa ung thư.
Theo bác sĩ Quý, tình trạng này phổ biến trong những năm gần đây, một phần do tế bào gốc được quảng cáo phóng đại, không được kiểm soát. Người bán lợi dụng tâm lý người bệnh muốn tìm liệu pháp chữa lành ung thư, ngăn ngừa tái phát hoặc khôi phục sức khỏe. Luận điểm người bán đưa ra là “điều trị bằng hóa chất sẽ tiêu diệt các tế bào khỏe nên cần bổ sung tế bào gốc để cơ thể phục hồi”.
“Đây thực chất là chiêu lợi dụng nỗi sợ người bệnh để trục lợi”, bác sĩ nói, thêm rằng hiện chưa có nghiên cứu khẳng định việc bổ sung tế bào gốc tràn lan có hiệu quả với sức khỏe, đặc biệt là chữa khỏi ung thư như quảng cáo.
Tế bào gốc là tế bào có khả năng tự làm mới (sinh sản tạo tế bào mới giống thế hệ trước) và biệt hóa thành các loại tế bào khác nhau trong cơ thể. Có nhiều loại khác nhau như tế bào gốc phôi, trưởng thành, tạo máu từ tủy xương… Trong đó, tế bào gốc dây rốn có tiềm năng ứng dụng cao nhất do sẵn có, an toàn, không xấm lấn, không vi phạm đạo đức.
Tại Việt Nam, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc tạo máu trong y học, điều trị các bệnh lý đã được thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ 20. Gần đây, tế bào gốc trung mô cũng được dùng trong điều trị thoái hóa khớp và sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng liên quan điều trị tiểu đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ gan.
Hiện, Bộ Y tế cho phép sử dụng tế bào gốc điều trị một số bệnh lý về máu như suy tủy xương, ung thư máu, các bệnh về máu cần ghép tủy xương, thoái hóa khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD.
Cục Quản lý Dược hiện không cấp phép cho các loại sản phẩm, mỹ phẩm được chế xuất từ tế bào cơ thể người. Ngoài ra, tế bào gốc chỉ sử tại các cơ sở y tế được cấp phép.
Điều trị tế bào gốc từ máu có thể chữa khỏi nhiều bệnh hiểm nghèo liên quan đến hệ tạo máu như đa u tủy xương, ung thư bạch cầu cấp tính, thalassemia,… Đối với tế bào gốc trung mô, tiềm năng ứng dụng điều trị nhiều bệnh khác nhau, dựa trên hai cơ chế chủ yếu là khả năng biệt hóa thành các tế bào chức năng thay thế các tế bào bị tổn thương và khả năng điều hòa miễn dịch.
“Còn lại, tất cả liệu pháp tế bào gốc khác đều đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng, nghĩa là cần nhiều thời gian để kiểm định và chắc chắn về hiệu quả”, bác sĩ Quý nói. Tại Nhật Bản, các Hiệp hội Y khoa chuyên ngành kêu gọi thận trọng với những liệu pháp tế bào gốc theo dạng điều trị tự do (bệnh nhân trả 100% chi phí cho các phòng khám, bệnh viện nhỏ) vì chúng không đủ bằng chứng khoa học. Chính phủ Nhật Bản cho phép một số đơn vị triển khai các hoạt động này nếu quy trình thực thi đảm bảo độ an toàn tối thiểu chứ không phải vì chúng có hiệu quả.
“Tuy nhiên, điều này khiến nhiều người bệnh rối trí vì khó phân định được sự khác biệt giữa điều trị bằng các phương pháp đã có bằng chứng khoa học rõ ràng với phương pháp đang trong quá trình nghiên cứu như tế bào gốc, dẫn đến bị lợi dụng, lừa gạt, tiền mất tật mang”, ông Quý nói.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Trung tâm tế bào gốc và Di truyền, Bệnh viện Bưu điện, nhiều người đang lạm dụng thuật ngữ tế bào gốc, hiểu lầm giữa tế bào gốc và tinh chất hoặc dung dịch nuôi cấy tế bào gốc. Tinh chất là chất chiết ra, có thể bảo quản ở nhiệt độ thường, còn tế bào gốc thật yêu cầu một quy chuẩn nghiêm ngặt trong thu thập, xử lý, bảo quản và vận chuyển mẫu. Chưa kể, chi phí để lưu trữ tế bào gốc cũng rất cao, lên đến hàng chục triệu đồng.
Tế bào gốc còn là một thực thể sống, được đóng gói trong vật dụng vô trùng, sau đó đưa về phòng labo, thao tác trong điều kiện vô trùng sạch sẽ. Tại đây, bác sĩ kiểm tra sinh phẩm này có bị nhiễm khuẩn, nấm, độc tố gì không, chất lượng tế bào gốc thế nào rồi mới quyết định tiêm vào người. Các cơ sở đủ điều kiện lưu trữ và xử lý tế bào gốc hiện nay tại Việt Nam là rất ít và sinh phẩm chứa tế bào gốc không thể trữ trong lọ hoặc ống để mang đi bày bán công khai, tràn lan như trên thị trường, bác sĩ Long nhận định.
“Do đó, mọi quảng cáo tiêm tế bào gốc theo liệu trình với hàng chục lọ như các spa hoặc cơ sở quảng cáo chỉ là lừa bịp, thậm chí nguy hiểm”, bác sĩ Long nói, thêm rằng việc sử dụng các sản phẩm trôi nổi có thể dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
Đầu tiên, sản phẩm có thể bị giả mạo về thành phần, nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn khi sử dụng. Thứ hai, phụ thuộc tế bào gốc có thể làm gián đoạn hoặc chậm trễ quá trình khỏi bệnh của bệnh nhân, khiến bệnh nặng hơn hoặc mất đi cơ hội điều trị. Một số nguy cơ khác như dị ứng thuốc hoặc các tai biến do điều trị, có thể gây tổn thương cho sức khỏe, thậm chí tử vong.
“Song, có cầu ắt có cung, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người bán”, bác sĩ nói và khuyến cáo người dân nên tỉnh táo, nắm rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm hoặc tham khảo ý kiến của nhân viên y tế trước khi tiêm thuốc vào người.
https://vnexpress.net/thuc-hu-te-bao-goc-tri-bach-benh-4571367.html