Hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa bệnh vảy nến dứt điểm. Các phương pháp điều trị chỉ nhằm làm giảm viêm, ngăn ngừa bệnh phát triển và hạn chế biến chứng.
Bệnh vảy nến thường biểu hiện dưới dạng những mảng màu đỏ, tróc vảy ở bề mặt, giới hạn rất rõ với vùng da xung quanh; một số trường hợp có thể xuất hiện ngứa, châm chích, bỏng rát nổi mụn mủ… Bệnh thường gặp ở da đầu, khuỷu, đầu gối, mặt duỗi các chi và thân. Bệnh vảy nến có thể chia thành các dạng như:
- Vảy nến mảng (thường gặp nhất)
- Vảy nến giọt
- Vảy nến đỏ da
- Vảy nến khớp
- Vảy nến mủ
Biến chứng nguy hiểm của bệnh vảy nến
Ngoài những khó chịu và đau đớn ngoài da, bệnh vảy nến còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thẩm mỹ và tinh thần của người bệnh. Đa số người bệnh vảy nến đều cảm thấy mặc cảm, tự ti, thậm chí là trầm cảm vì căn bệnh này.
Bên cạnh đó, vảy nến còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như: tim mạch huyết áp, rối loạn chuyển hóa, tiểu đường, bệnh lý tiêu hoá, viêm khớp,… Bệnh có thể dẫn đến các triệu chứng tại khớp như co cứng khớp, đau đớn, hạn chế vận động, mất sức lao động hoặc nguy hiểm hơn là tàn phế.
Chữa bệnh vảy nến như thế nào?
Bởi vì nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ mà chỉ biết được có liên quan đến các yếu tố như: Di truyền, nhiễm khuẩn, lạm dụng thuốc, và nhất là liên quan đến hoạt động của tế bào Lympho T. Do đó, thuốc chữa bệnh vảy nến dứt điểm vẫn còn là một bài toán khó đối với giới y học.
Hiện nay, các phương pháp điều trị vảy nến chỉ nhằm giảm viêm và kiểm soát tình trạng tăng sinh tế bào da, giúp ổn định tình trạng bệnh cũng như ngăn ngừa biến chứng. Theo đó, tùy vào tình trạng bệnh mà một số phương pháp sau thường được sử dụng:
- Thuốc chữa bệnh vảy nến tại chỗ (Thông dụng nhất)
Sử dụng trong trường hợp vảy nến mức độ nhẹ hoặc trung bình, có thể đơn trị hoặc kết hợp với những phương pháp trị liệu khác. Có nhiều loại thuốc bôi tại chỗ được sử dụng trong điều trị vảy nến hiện nay nhưng đa số đều cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa gồm: Corticosteroid, dẫn xuất vitamin D3, thuốc ức chế calcineurin, retinoid, anthralin và acid salicylic. Trong số đó, corticosteroid là thuốc có hiệu quả cao nhất nếu được sử dụng đúng loại và liều lượng thích hợp.
- Thuốc chữa bệnh vảy nến toàn thân
Những thuốc này thường được chỉ định trong những trường hợp vảy nến nặng, do đó, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Các thuốc gồm: Methotrexate, cyclosporine, Acitretin (retinoid), sulfasalazine, và thuốc sinh học.
- Quang trị liệu
Đây là một cách chữa bệnh vảy nến không dùng thuốc. Thay vào đó, các bác sĩ sẽ sử dụng tia sáng như UVA, UVB, laser (Excimer). Các tia UV (tia tử ngoại) này sẽ tấn công và phá hủy các DNA trong tế bào, qua đó phá hủy toàn bộ tế bào da tại vùng bị tổn thương.
Lưu ý trong sinh hoạt
Bên cạnh việc dùng thuốc chữa bệnh vảy nến theo hướng dẫn của bác sĩ, để phòng ngừa cũng như kiểm soát bệnh, người bệnh nên:
- Giữ vệ sinh da thật tốt
- Tránh làm tổn thương da và làm khô da
- Kiểm tra những tổn thương da mỗi ngày để phát hiện kịp thời tình trạng nhiễm trùng, chàm hoá.
- Giữ tâm trạng thoải mái, tránh các cảm xúc tiêu cực, căng thẳng, giận dữ…
- Không hút thuốc và uống rượu bia
- Nên phơi nắng mỗi ngày khoảng 15 – 30 phút (trừ trường hợp bệnh vảy nến nhạy cảm ánh sáng)
- Tăng cường tập thể dục, duy trì cân nặng lành mạnh
- Tái khám đúng hẹn
- Không tự ý thoa thuốc có chứa corticosteroid mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ da
- Không tự ý ngưng hay thay đổi thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ.
Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da