Vảy nến là một bệnh viêm mạn tính, không lây nhiễm nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ của người bệnh. Theo nhiều nghiên cứu, thuốc sinh học được xem là giải pháp “cứu cánh” giúp điều trị hiệu quả đối với nhóm bệnh này.
Bệnh vảy nến là?
Vảy nến (Psoriasis) là bệnh da mạn tính, có thể nhẹ, hoặc nặng có nguyên nhân là sự tác động giữa yếu tố gen và môi trường. Thường khởi phát khi người bệnh bị stress, nhiễm trùng, tiếp xúc với khí hậu khô lạnh, béo phì hoặc mắc phải những bệnh tự miễn khác. Bệnh vảy nến chiếm 5% dân số Châu Âu, 2% dân số Châu Á và Châu Phi, chiếm xấp xỉ 10% tổng các ca đến khám da liễu.
Bệnh tuy có xu hướng lành tính nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý và làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nam mắc bệnh cao hơn nữ, người lớn cao hơn trẻ em và thường xuất hiện từng đợt, tăng giảm theo mùa.
Nguyên nhân gây bệnh không rõ ràng, mặc dù đã được chấp nhận là do di truyền (khoảng 30%, 70% các cặp song sinh cùng mắc), khi được kích hoạt sẽ làm cho hệ thống miễn dịch tăng sự chu chuyển của tế bào da và hiện chưa có cách chữa trị dứt điểm.
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra các kháng nguyên liên quan đến miễn dịch như HLA-Cw6, B13, B17, DR7 liên quan đến vảy nến da và khớp. Những bệnh nhân mắc vảy nến cũng có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, rối loạn chuyển hoá, … (thường được gọi là các bệnh đồng mắc) làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tiến triển bệnh cũng như hiệu quả điều trị và tiên lượng bệnh.
Vảy nến còn do nhiễm khuẩn, do stress, do thuốc uống để điều trị các bệnh lý khác như dùng thuốc chẹn beta kéo dài, lithium, … và do hiện tượng Kobner là tình trạng sang thương da xuất hiện sau các kích thích cơ học (gãi, chà xát) hoặc các kích thích lý hóa (bệnh nặng nhẹ theo mùa).
Hình thái của vảy nến rất đa dạng như thể mảng phân bố ở khuỷu tay, đầu gối, da đầu, thắt lưng, … Vảy nến giọt thường hay gặp ở trẻ em sau nhiễm liên cầu, vảy nến mụn mủ, bệnh vảy nến bàn tay -bàn chân, bệnh vảy nến kẽ, bệnh vảy nến toàn thân, viêm khớp vảy nến…
Lý do nên chuyển sang dùng thuốc sinh học?
Trước đây, do chưa rõ nguyên nhân nên việc điều trị hiện chỉ mang tính tình thế, kiểm soát triệu chứng, như dùng các loại mỡ, kem, lotion với mục đích bong vảy, tiêu sừng, hạn chế hình thành nhanh chóng vảy da…
Trong những năm gần đây, liệu pháp sinh học (Biotherapy) đã ra đời và được áp dụng để trị bệnh, đặc biệt cho bệnh nhân vảy nến thể mảng và viêm khớp vảy nến.
Nhiều hợp chất sinh học đã được tổng hợp có tác dụng tốt trong điều trị như Etanercept, Alefacept, Efalizumab, infliximab, ustekinumab, secukinumab, … Nhiều nước như Mỹ, Anh, Pháp, Úc… đã áp dụng phương pháp này và đạt kết quả tốt nhưng do chi phí cao nên chưa phổ biến rộng.
Theo tạp chí y học Healthline của Mỹ, dưới đây là một số lý do nên chuyển sang dùng thuốc sinh học:
Một, phương pháp điều trị truyền thống không phát huy tác dụng như dùng corticosteroid bôi tại chỗ, cyclosporine, retinoids, methotrexate và quang trị liệu. Tác dụng mang tính cục bộ và mất hiệu quả dần theo thời gian.
Theo khuyến cáo của Hội Da liễu Hoa Kỳ (AAD), nếu bị bệnh vảy nến từ trung bình đến nặng và khi chế độ điều trị hiện tại không hiệu quả, hoặc các phương pháp điều trị này gây ra nhiều tác dụng phụ, nên chuyển sang trị liệu sinh học bằng tác nhân sinh học.
Hai, bệnh vảy nến tuy nhẹ nhưng thực sự gây phiền toái, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Như đau ngứa lòng bàn chân, lòng bàn tay, mặt hoặc bộ phận sinh dục. Cơn đau có thể khiến bạn không thể hoạt động bình thường, cũng nên chuyển sang dùng thuốc sinh học.
Ba, khi muốn dùng liều ít hơn: Thông thường, điều trị bệnh vảy nến phải được thực hiện hàng ngày, đúng giờ mới có hiệu quả nhưng ở nhóm bận rộn điều này không thực hiện được.
Thuốc sinh học khắc phục được nhược điểm này, dùng ít liều hơn nên dễ sử dụng. Một số thuốc sinh học phải được tiêm mỗi tuần 1 lần, ví dụ những người dùng ustekinumab (Stelara) chỉ cần tiêm một lần cho 12 tuần sau hai liều đầu tiên.
Bốn, nếu điều trị thuốc truyền thống gặp nhiều tác dụng phụ: Việc dùng cyclosporine, corticosteroid và methotrexate thường để lại tác dụng phụ như loét miệng, buồn nôn, đau dạ dày, tổn thương gan-thận và thậm chí là ung thư da.
Thuốc sinh học hoạt động theo cách chọn lọc hơn bằng cách nhắm mục tiêu các protein cụ thể trong hệ thống miễn dịch được chứng minh liên quan đến bệnh vảy nến. Vì lý do này, chúng ít tác dụng phụ hơn các phương pháp điều trị hiện có.
Người bệnh khi được điều trị với thuốc sinh học sẽ có sự cải thiện đáng kể sang thương da – khớp cũng như các tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa và điều trị các bệnh đồng mắc với vảy nến. Hiện tại, một số thuốc đã có thể giảm hoàn toàn sang thương da, người bệnh lấy lại được hình ảnh thẩm mỹ, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Tuy thuốc sinh học vẫn có thể gây ra tác dụng phụ, nhưng xu hướng ít nghiêm trọng hơn. Tác dụng phụ tại chỗ phổ biến nhất là kích ứng nhỏ, đỏ, đau hoặc phản ứng tại vị trí tiêm. Các tác dụng phụ toàn thân sẽ được sang lọc và theo dõi bằng xét nghiệm cũng như biểu hiện lâm sàng chặt chẽ trong suốt thời gian điều trị
Một khả năng khác là kết hợp liệu pháp hiện tại với liệu pháp sinh học. Cách này có thể cải thiện hiệu quả điều trị và giảm liều, và giảm tác dụng phụ. Ví dụ, certolizumab pegol (Cimzia), etanercept (Enbrel), adalimumab (Humira) và Infliximab (Remicade) đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả khi dùng chung với methotrexate.
Hiện nay có 11 loại sinh học trên thị trường để điều trị bệnh vảy nến, bao gồm: Infliximab (Remicade), adalimumab (Humira), etanercept (Enbrel), ustekinumab (Stelara), ixekizumab (Taltz), secukinumab (Cosentyx), guselkumab (Tremfya), brodalumab (Siliq), certolizumab pegol (Cimzia), tildrakizumab (Ilumya), risankizumab (Skyrizi). Tuỳ theo tình trạng bệnh của bệnh nhân mà Bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn loại thuốc, quản lí liệu trình phù hợp và theo dõi diễn biến cho từng bệnh nhân.
Lưu ý khi dùng liệu pháp sinh học trị vảy nến
Thuốc sinh học trị vảy nến không phải mới mà đã được phê duyệt năm 2003. Trong vài thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã thu thập khá nhiều bằng chứng để hỗ trợ sự an toàn và hiệu quả của chúng. Cấn nhấn mạnh rằng việc điều trị bằng thuốc sinh học cần duy trì liên tục chứ không phải điều trị lành là kết thúc. Do vậy, bệnh nhân sử dụng thuốc sinh học cần phải tái khám định kỳ đúng hẹn.
Tuy nhiên, nhóm người sau đây không nên dùng, gồm nhóm người có hệ thống miễn dịch yếu, dễ bị nhiễm trùng, gần đây được tiêm vắc-xin sống như bệnh zona, MMR (sởi, quai bị và rubella) hoặc cúm mùa, đang mang thai hoặc cho con bú…
Hiện tại trên thị thường, có 1 loại thuốc thường được gọi là thuốc sinh học là Apremilast (Otezla), thuốc được Cơ quan Quản lý Thực & Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn để điều trị bệnh vảy nến thể mảng từ vừa đến nặng khi điều trị bằng liệu pháp quang học hoặc toàn thân không còn phù hợp.
Otezla là thuốc uống dạng viên, dùng một viên hai lần mỗi ngày. Tuy nhiên, Otezla không phải là thuốc sinh học mà gọi chính xác là thuộc nhóm thuốc mới được gọi là chất ức chế PDE4.
TS. BS. Lê Thái Vân Thanh