Thị trường hiện nay xuất hiện tràn lan các loại thuốc nhuộm tóc, từ loại giá rẻ cho đến loại đắt đỏ, muốn loại nào có loại đó, nhưng cái giá kèm theo là nguy cơ dị ứng, nấm da đầu, thậm chí là ngộ độc toàn thân.
Trong khi đó, một số bệnh viện tại TP.HCM cho biết đã tiếp nhận không ít các trường hợp dị ứng thuốc nhuộm tóc dẫn đến ngộ độc toàn thân, tróc vảy và nấm da đầu.
Thuốc nhuộm tóc vài chục ngàn
Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm “thuốc nhuộm tóc” trên thanh công cụ Google, chưa đến 1 giây đã có hơn 6.000 kết quả tìm kiếm, hàng loạt các trang thương mại điện tử, website rao bán tràn lan thuốc nhuộm tóc. Các loại thuốc được rao bán tại đây có đủ màu sắc cho khách hàng lựa chọn, có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng.
Tại nhiều chợ cóc trong khu dân cư, không khó để tìm kiếm được các loại thuốc nhuộm tóc đủ màu tại các sạp bán mỹ phẩm.
Một tiệm tạp hóa nằm tại chợ Gò Vấp (phường 4, quận Gò Vấp), người bán tư vấn cho chúng tôi đủ loại thuốc nhuộm có giá từ 40.000-150.000 đồng với đủ màu sắc bắt mắt. Tuy nhiên hỏi về chất lượng, độ an toàn, người bán lại không cam đoan.
“Ở đây chỉ bán theo nhu cầu của người mua, muốn loại bao nhiêu tiền có loại đó, nhưng khi nhuộm có dị ứng hay không thì không biết. Với những loại rẻ tiền thì phải nhuộm vài lọ mới lên được màu”, người này tư vấn về hộp thuốc nhuộm tóc có giá 40.000 đồng.
Bác sĩ Tạ Quốc Hưng (khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) cho biết các sản phẩm tạo màu tóc (thuốc nhuộm tóc) thường chứa rất nhiều thành phần gây kích ứng da và dị ứng.
Hầu hết các trường hợp viêm da tiếp xúc do dị ứng thuốc nhuộm tóc đều xuất phát từ việc tiếp xúc với thành phần paraphenylenediamine (PPD) có trong sản phẩm làm đẹp này.
“Trong các thuốc nhuộm tóc bày bán trên thị trường, PPD thường được đóng trong chai riêng và đi kèm một chất oxy hóa. Khi được kết hợp với nhau, PPD sẽ bị oxy hóa một phần và gây ra phản ứng dị ứng ở những người có cơ địa nhạy cảm”, bác sĩ Quốc Hưng nhận định.
Viêm da tiếp xúc kích ứng, dị ứng vì thuốc nhuộm tóc
Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM gần đây tiếp nhận khá nhiều trường hợp viêm da tiếp xúc sau khi dùng thuốc nhuộm tóc. Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng ghi nhận khoảng 7-10 ca đến khám/tháng vì những vấn đề gặp phải khi dùng thuốc nhuộm tóc, cụ thể là tình trạng viêm da tiếp xúc kích ứng hoặc viêm da tiếp xúc dị ứng.
Bác sĩ Tạ Quốc Hưng cho biết thêm, những bệnh nhân hay gặp phải tình trạng trên tại bệnh viện thường là người lao động bình dân, học sinh, sinh viên, tự mua những loại thuốc nhuộm tóc không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường hoặc đi nhuộm tóc tại những salon hớt tóc, gội đầu nhỏ, giá thành thường rẻ.
Gần đây, bác sĩ tiếp nhận ca bệnh là chị T.H. (32 tuổi, TP.HCM) nhuộm tóc màu đỏ, sau nhuộm 1 tuần thì da đầu bắt đầu đỏ, chị H. có ra nhà thuốc mua thuốc dị ứng uống được 3 ngày không đỡ, da đầu ngày càng đỏ và bắt đầu chảy dịch vàng, tóc rụng.
Sau khi đến bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán chị H. bị viêm da tiếp xúc, bội nhiễm, nghi ngờ do thuốc nhuộm tóc. Được các bác sĩ điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm 2 tuần thì da đầu khô lại, da lành và hết tróc vảy.
Mới đây, bà H.T.M. (73 tuổi, Nghệ An) bị nổi mẩn đỏ toàn thân, mẩn xuất hiện từ đầu, mặt xuống thân mình, riêng da đầu nóng rát, cảm giác như kim chích sau khi nhuộm tóc. Nhưng bà vẫn chần chừ không đi khám vì nghĩ sức khỏe của mình do tuổi tác nên yếu dần.
Vài ngày sau, bà M. vào TP.HCM thăm con gái, tình trạng dị ứng trở nặng hơn khi toàn thân đỏ ửng, da phồng rộp, riêng mặt, tay, chân sưng phù.
Vì vậy bà được gia đình đưa đến bệnh viện ở TP.HCM thăm khám và được chẩn đoán bệnh đỏ da toàn thân (viêm da tróc vảy toàn thân), được điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng qua đường uống. Sau 1 tuần điều trị, bà mới có những dấu hiệu cải thiện, da đã bớt phồng rộp, tấy đỏ.
Cẩn thận với các hoạt chất, coi chừng sốc phản vệ
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Giang – khoa thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM – cho biết sợi tóc được bao phủ bên ngoài bởi lớp biểu bì xếp chồng lên nhau như vảy cá, lớp biểu bì này giúp tóc không bị hư tổn và giữ được độ ẩm.
Khi nhuộm tóc, người ta sử dụng các hoạt chất có tính kiềm để mở lớp biểu bì này, đồng thời sử dụng thêm hoạt chất mang tính tẩy màu như hydro peroxide. Các thành phần này đều có khả năng gây kích ứng da.
Bên cạnh đó, trong thuốc nhuộm tóc còn chứa thành phần PPD – đây là nguyên nhân gây dị ứng thường gặp nhất, đặc biệt trên cơ địa mẫn cảm.
Bác sĩ Quốc Hưng cho hay biểu hiện thường gặp khi bị viêm da tiếp xúc do thuốc nhuộm tóc gồm: cảm giác châm chích và nóng rát trên da đầu, mặt và cổ; phồng rộp da; da đầu, da mặt sưng và ngứa; sưng mí mắt, môi, tay và chân; nổi mẩn đỏ ở nhiều vị trí trên cơ thể.
Những biểu hiện này khiến bệnh nhân rất băn khoăn, lo lắng. Thực tế, nguyên nhân gây ra các triệu chứng dị ứng với thuốc nhuộm tóc có thể là do cơ thể mẫn cảm với các thành phần có trong thuốc nhuộm, hoặc cũng có thể bị dị ứng với thuốc nhuộm.
Các triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng. Chúng thường xảy ra ngay lập tức hoặc trong vòng 48 giờ sau khi tiếp xúc với thuốc nhuộm. Trong một số trường hợp, dị ứng với thuốc nhuộm tóc còn có thể dẫn đến tình trạng sốc phản vệ – một phản ứng cấp tính có thể gây tử vong.
Để giảm thiểu rủi ro, các trường hợp bị sốc phản vệ cần phải được cấp cứu kịp thời và đúng cách. Các triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm: các phản ứng ở da như châm chích, nóng rát, sưng và phát ban; sưng họng và lưỡi; khó thở; ngất xỉu; nôn mửa…
https://tuoitre.vn/xai-thuoc-nhuom-toc-khong-nguon-goc-troc-da-dau-nhu-choi-20220817232542203.htm