ThS-BS Ngô Anh Tuấn đang công tác khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược, cho biết thuốc sinh học là một phương pháp điều trị với cơ chế nhắm đích miễn dịch, đang ngày càng phổ biến và trở thành một xu hướng điều trị bệnh da mạn tính trong chuyên ngành da liễu.
Xu hướng điều trị nhắm đích miễn dịch cho bệnh mạn tính
Thuốc sinh học là các sản phẩm, cụ thể ở đây là những phân tử protein lớn, được tạo ra từ các tế bào sống và được sử dụng để điều trị hay phòng ngừa bệnh tật. Tại Việt Nam, đã có khá nhiều loại “thuốc sinh học” đã phổ biến như insulin trong điều trị đái tháo đường, vắc-xin để phòng ngừa bệnh tật hay các chế phẩm máu…
Thuốc sinh học thường được chỉ định cho bệnh da mạn tính
Trong chuyên ngành da liễu, thuốc sinh học thường được chỉ định cho những bệnh da mạn tính như vảy nến, viêm da cơ địa, pemphigus, mày đay. Khi mắc những bệnh lý này, một phần các tế bào trong hệ miễn dịch hoạt động quá mức hay “nhận diện sai” một số thành phần của da như vật thể lạ và tấn công chúng. Thuốc sinh học sẽ ngăn chặn con đường dẫn truyền tín hiệu hay bất hoạt một cách chọn lọc một phần nhỏ của hệ miễn dịch, từ đó mang lại hiệu quả điều trị bệnh.
ThS-BS Ngô Anh Tuấn cho biết, để tạo ra một sản phẩm thuốc sinh học mang lại hiệu quả điều trị, cần nhiều nghiên cứu cơ sở trước đó, nghĩa là tìm ra được con đường dẫn truyền tín hiệu của bệnh lý, từ đó tạo tiền đề để đưa các phân tử sinh học đặc hiệu tác động lên con đường sinh bệnh.
Ví dụ như trong bệnh lý pemphigus, một bệnh lý bóng nước do cơ thể nhận diện cầu nối giữa các tế bào sừng trong da là vật thể lạ và tấn công chúng, đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện và đưa thuốc sinh học Rituximab chính thức vào điều trị bệnh.
Điều trị các bệnh da mạn tính nhắm đích miễn dịch
Tại Việt Nam, cũng có các nghiên cứu cơ sở trên bệnh lý này để tạo tiền đề đưa các thuốc sinh học mới vào điều trị. Trong đó có nghiên cứu về nồng độ của Interleukin 6 trong bệnh lý pemphigus được thực hiện bởi PGS-TS-BS Lê Thái Vân Thanh và ThS-BS Ngô Anh Tuấn.
Nghiên cứu nhận thấy rằng nồng độ của interleukin 6 trong máu của người bệnh pemphigus cao hơn của người bình thường có ý nghĩa thống kê. Từ đó đề xuất thuốc sinh học ức chế hoạt động interleukin 6 là một phương pháp khả thi trong tương lai để điều trị bệnh. Ngoài ra, bệnh vảy nến cũng là một bệnh lý rất phổ biến trong cộng đồng và cũng có nhiều thuốc sinh học đã và đang được sử dụng và mang lại hiệu quả điều trị cao trên thế giới.
Người bệnh vảy nến khi có chỉ định cũng có thể được tiếp cận với thuốc sinh học điều trị vảy nến chất lượng và hiệu quả cao, cũng như được theo dõi và thăm khám định kỳ cùng bác sĩ chuyên khoa Da liễu tại khoa Da liễu – Thẩm mỹ da. Người bệnh sẽ được bác sĩ thăm khám và thực hiện những xét nghiệm cần thiết trước khi được chỉ định điều trị thuốc sinh học.
Chẳng hạn như điều trị bệnh vảy nến bằng thuốc sinh học tại khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược, người bệnh sẽ được thăm khám, xác định độ nặng của bệnh, thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh như công thức máu, chức năng gan, thận, viêm gan siêu vi B, C, lao, chụp X-quang ngực.
Khi điều trị bệnh da mạn tính với thuốc sinh học cần lưu ý sẽ có những tác dụng phụ có thể xảy ra, bác sĩ da liễu sẽ là người tư vấn cho bạn. Song song, cũng sẽ có những thông tin được đính kèm trong sản phẩm thuốc sinh học bạn được chỉ định sử dụng. Tác dụng phụ đáng lưu tâm nhất là tăng nguy cơ nhiễm trùng. Chính vì vậy, người bệnh cần phải tầm soát các bệnh lý nhiễm trùng trước khi điều trị thuốc sinh học.
Ngoài ra, thuốc sinh học cũng sẽ có những nguy cơ về dị ứng, từ triệu chứng nhẹ như sưng đỏ vùng tiêm thuốc cho tới phản vệ. Vì vậy, sau khi tiêm thuốc sinh học, người bệnh sẽ ở lại cơ sở y tế một khoảng thời gian để theo dõi.
Nguồn: https://thanhnien.vn/xu-huong-dieu-tri-nham-dich-mien-dich-tuong-lai-cho-cac-benh-da-man-tinh-185231016164020747.htm