Bệnh vảy nến biểu hiện trên da bằng các mảng đỏ có giới hạn rõ và đóng vảy màu trắng đục, khi ma sát, rơi xuống như sáp đèn cầy. Những mảng đỏ này có kích thước lớn nhỏ khác nhau, khi đè lên, màu đỏ biến mất.
Bệnh vảy nến thường gặp ở rìa chân tóc, da đầu, khuỷu tay, đầu gối, vùng xương cụt, mặt duỗi các chi. Bệnh không đau nhưng có thể gây ngứa với mức độ ít nhiều tùy theo từng người. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể làm hư móng, gây đau khớp, biến dạng khớp, xuất hiện mụn mủ từng vùng hoặc toàn thân và đỏ da bong vảy.
Bệnh vảy nến có lây không?
Bệnh vảy nến không phải do nấm, virus hay vi khuẩn gây ra, do đó, bệnh vảy nến không có khả năng lây nhiễm.
Yếu tố miễn dịch được cho là nguyên nhân chính gây ra bệnh vảy nến. Thêm vào đó, yếu tố di truyền, các bất thường về sinh hóa, chấn thương tâm lý, tác dụng phụ của thuốc… cũng có thể gây khởi phát, tái phát hoặc làm bệnh nặng thêm; đặc biệt là nhiễm liên cầu, nhiễm siêu vi, stress, chấn thương tâm lý… Vì bệnh vảy nến không lây, do đó, người bệnh hoàn toàn có thể tiếp xúc da với người lành như ôm hôn, mặc chung quần áo…
Do nguyên nhân sinh bệnh phức tạp, vảy nến là một trong những bệnh lý hiện tại vẫn chưa có cách chữa trị dứt điểm. Bệnh có thể dễ dàng tái phát, làm người bệnh chán nản. Trong khi đó, các biện pháp điều trị chỉ nhằm cải thiện triệu chứng, giảm nguy cơ dẫn đến các biến chứng nặng nề, khó điều trị.
Ai dễ mắc bệnh vảy nến?
Bệnh vảy nến có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính. Nguyên nhân gây bệnh đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng theo các chuyên gia y tế, bệnh có liên quan đến sự tác động giữa yếu tố di truyền và môi trường. Do đó, nếu trong gia đình có bố hoặc mẹ mắc bệnh, con cũng có khả năng mắc bệnh vảy nến, với tỷ lệ như sau:
- Chỉ có cha hoặc mẹ mắc bệnh: Khoảng 8% con sẽ mắc bệnh
- Cả cha và mẹ cùng bị vảy nến: Hơn 40% con có nguy cơ mắc bệnh
Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm bệnh trầm trọng hơn như:
- Nhiễm trùng như viêm họng liên cầu khuẩn hoặc nhiễm trùng da
- Tổn thương da, bao gồm: Vết cắt hoặc trầy xước, côn trùng cắn hoặc bị cháy nắng nghiêm trọng
- Hút thuốc
- Nghiện rượu
- Thiếu vitamin D
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc khác như kháng sinh tetracycline, doxycycline, thuốc chẹn beta, thuốc kháng sốt rét…
Bệnh vảy nến có nguy hiểm không?
Mặc dù bệnh vảy nến không lây nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể làm phát sinh biến chứng, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý hoặc làm nặng thêm tình trạng các bệnh mạn tính vốn có như:
- Viêm khớp vảy nến
- Một số bệnh lý về mắt như viêm kết mạc, viêm bờ mi và viêm màng bồ đào
- Bệnh đái tháo đường type 2
- Bệnh tim mạch, Huyết áp cao,
- Hội chứng chuyển hóa, Béo phì
- Các bệnh tự miễn khác như bệnh celiac, xơ cứng và bệnh viêm ruột gọi là bệnh Crohn
- Bệnh Parkinson
- Bệnh thận
- Đặc biệt, vì vảy nến ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, có thể làm người bệnh tự ti, ngại giao tiếp, gây ra những vấn đề về cảm xúc, thậm chí là trầm cảm, làm giảm chất lượng cuộc sống
Phòng ngừa bệnh vảy nến như thế nào?
Thắc mắc bệnh vảy nến có lây không đã được giải đáp, vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm là làm thế nào để phòng ngừa bệnh tái phát. Theo đó, để kiểm soát cũng như phòng ngừa vảy nến, người bệnh nên:
- Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng
- Bảo vệ sức khỏe tổng thể
- Giữ vệ sinh cơ thể và môi trường sống
- Giữ ẩm cho da
- Dinh dưỡng lành mạnh
- Tăng cường vận động, thể thao
- Thăm khám ngay khi các dấu hiệu vảy nến xuất hiện
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ da liễu hay một số chuyên khoa khác tùy theo tình trạng bệnh lý
Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da