Bên cạnh da dầu, da khô, da hỗn hợp và da lão hóa, da nhạy cảm cũng là một tình trạng không nghiêm trọng nhưng dễ gặp, nữ nhiều hơn nam và đôi khi gây khó chịu cho người trong cuộc.
Như thế nào là da nhạy cảm?
Da nhạy cảm (Sensitive skin, Reactive skin, Overreactive skin, Intolerant skin, Irritable skin) được định nghĩa là sự xuất hiện cảm giác khó chịu trên da như kích ứng, nóng rát, đau, ngứa, sự căng kéo khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, đồ ăn hay những sản phẩm chăm sóc da. Da nhạy cảm thường gặp nữ giới nhiều hơn nam giới. Theo nghiên cứu cho thấy da nhạy cảm không phải là bệnh da dị ứng hay tự miễn.
Theo tạp chí y học trực tuyến Allure (AC) của Anh, da nhạy cảm có nhiều loại. Tác nhân gây bệnh gồm hormone, thiếu ngủ và ô nhiễm không khí… Khi tiếp xúc với một trong những yếu tố kích hoạt này, làn da nhạy cảm có thể bị bỏng hoặc châm chích, chuyển sang màu đỏ hoặc gây khó chịu.
Lớp ngoài cùng của da đóng vai trò là hàng rào bảo vệ trong cơ thể.. Chính lớp lipids của biểu bì da tạo thành một lớp hàng rào bảo vệ da khỏi tác nhân gây bệnh. Khi rào cản này bị suy yếu hoặc bị phá vỡ do tiếp xúc với các tác nhân gây hại từ môi trường, các sản phẩm gây dị ứng hoặc do cơ thể bị suy nhược do căng thẳng, nó không thể hoạt động bình thường và các đầu dây thần kinh nhạy cảm ngay dưới da dễ bị kích thích hơn và sau đó phản ứng.
Ngoài ra còn có các yếu tố gây bệnh khác như sản phẩm chăm sóc da, xà phòng, chất tẩy rửa, thuốc nhuộm và nước hoa trong các sản phẩm bôi ngoài da và sử dụng sai cách có thể dẫn đến ngứa, khô và đỏ da.
Nói ngắn hơn, nguyên nhân gây da nhạy cảm gồm tổn thương hàng rào da, nhạy cảm hệ thần kinh, các bệnh viêm da có sẵn. Do hormon, căng thẳng, rối loạn cảm xúc, do lối sống, thói quen dùng mĩ phẩm, chế độ ăn, dùng rượu. do ô nhiễm môi trường, thời tiết (nóng, gió), do tia UV….
Theo AC, có bốn loại da nhạy cảm chính là da nhạy cảm tự nhiên, đây là dạng da nhạy cảm do di truyền, nó có mối quan hệ mật thiết với các tình trạng da như eczema, bệnh hồng ban và bệnh vẩy nến. Hai, da nhạy cảm với môi trường do phơi nắng, khói thuốc lá, ô nhiễm không khí. Ba, da phản ứng do các sản phẩm chăm sóc da gây ra và bốn là da mỏng, nhất là khi tuổi cao làn da tự nhiên trở nên mỏng hơn, và da mỏng hơn sẽ dễ bị kích ứng hơn.
Triệu chứng da nhạy cảm
Triệu chứng da nhạy cảm rất đa dạng, không cụ thể, chủ yếu dựa vào cảm giác của người trong cuộc như cảm giác ngứa, rát, bỏng, châm chích sau vài phút đến vài giờ sau tiếp xúc với mỹ phẩm, môi trường hoặc sau vài lần sử dụng các sản phẩm (hiệu ứng tích luỹ). Dấu hiệu nhận biết như bong vảy nhưng không thường gặp.
Chẩn đoán dựa vào đánh giá lâm sàng như tiền sử gia đình, các sản phẩm mỹ phẩm thường dùng, lối sống, nghề nghiệp, yếu tố khởi phát. Bác sĩ có thể dùng bộ câu hỏi tự đánh giá da nhạy cảm để xác định các cá nhân có làn da nhạy cảm hay không? Ngoài ra bác sĩ da liễu còn tiến hành thử test trên da để đánh giá phản ứng thần kinh cảm giác, các dấu hiệu da bị kích ứng bằng việc áp dụng các chất hóa học hoặc các kích thích vật lý. Thử test cấu trúc và sinh lý da như độ mất nước qua da, mức độ dày thượng bì, pH da…
Cách điều trị da nhạy cảm
Mặc dù da nhạy cảm có thể xuất hiện ở mọi nơi trên cơ thể, nhưng rõ nhất là trên khuôn mặt. Nó xảy ra khi chức năng rào cản tự nhiên của da bị tổn thương, gây mất nước và cho phép sự xâm nhập của các chất gây kích ứng. Các triệu chứng có thể tồi tệ hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và một số thành phần nhất định trong mỹ phẩm và sữa rửa mặt.
Vì vậy cần một chế độ vệ sinh hàng ngày để làm sạch và giữ ẩm nhẹ nhàng cho da bằng nước ấm. Sử dụng các chất tẩy rửa nhẹ, xà phòng không có mùi thơm, tránh sử dụng tẩy tế bào chết, nên thoa kem dưỡng ẩm cho mặt và cơ thể (trong vòng vài phút sau khi tắm ).
Khi ra ngoài trời nên mang trang phụ che nắng, đội mũ, và dụng kem chống nắng UVA / UVB phổ rộng với SPF 50 kèm có tính năng oxit kẽm 100% có nguồn gốc tự nhiên và yến mạch. Không nên sử dụng loại kem chống nắng đặc biệt có chứa dẫn xuất axit P-aminobenzoic dễ gây kích ứng da.
Khi dùng một sản phẩm mới, hãy nhớ luôn luôn kiểm tra, thử trên cổ cổ hoặc cánh tay trước khi thoa lên mặt hoặc dùng trên cơ thể. Tránh các chất tẩy da chết mạnh vì chúng có thể làm trầm trọng thêm làn da nhạy cảm. Chỉ nên vỗ nhẹ thay vì chà xát khuôn mặt và cơ thể sau khi tắm, nên duy trì hàng rào bảo vệ da và giúp phục hồi da bằng cách thoa kem dưỡng ẩm phù hợp với loại da của bạn. Nếu sống trong môi trường khí hậu ẩm ướt, hãy sử dụng máy tạo độ ẩm giảm tác động xấu đến sức khỏe của da.
Da nhạy cảm là một tình trạng khá phổ biến, không nghiêm trọng nhưng hay gặp. Nếu có dấu hiệu mắc bệnh cần tư vấn bác sĩ để có phác đồ điều trị đúng cách, chủ yếu là tránh các tác nhân gây kích ứng, corticoid thoa tại chỗ có thể dùng ngắn ngày. Về phòng ngừa, ngoài những điều nêu trên cần duy trì lối sống khoa học, ăn uống đủ chất, cung cấp nước đầy đủ, năng vận động, và duy trì lối sống tích cực, ít stress.