Trong lĩnh vực chăm sóc da, người ta nhắc nhiều tới thuật ngữ collagen. Nó là gì và có tác dụng như thế nào đối với làn da và sức khỏe chung của con người. Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây để dùng collagen đúng cách và hiệu quả cao nhất.
Collagen và sứ mệnh của nó trong cơ thể
Collagen thực chất là một gia đình họ protein với thành phần cấu trúc chính là các mô liên kết, có trong động vật có vú như da và sụn. Trong cơ thể con người, nó chiếm “thị phần” khoảng một phần ba khối lượng protein, nhiều hơn bất kỳ loại protein nào khác trong cơ thể. Có 28 loại collagen khác nhau, mỗi loại được phân loại dựa trên thành phần axit amin.
Khoảng 90% collagen trong cơ thể là type 1, được tìm thấy trong da, gân, cơ quan nội tạng và các bộ phận hữu cơ của xương. Phần lớn collagen còn lại trong cơ thể được tạo thành từ các loại sau: type 2 được tìm thấy trong sụn, type 3 được tìm thấy trong tủy xương và các mô bạch huyết, type 4 có nhiều trong màng đáy (các tấm collagen mỏng bao quanh hầu hết các loại mô) và cuối cùng là type 5, được tìm thấy trong tóc và bề mặt của các tế bào.
Theo nghiên cứu của ĐH Yale, Mỹ, cơ thể tạo ra collagen một cách tự nhiên bằng cách chuyển đổi protein trong thực phẩm ăn vào thành các axit amin. Các axit amin là thứ tạo ra các loại protein khác nhau trong cơ thể, bao gồm collagen. Vì vậy nếu áp dụng chế độ ăn cân bằng các thực phẩm giàu protein (thịt gà, thịt bò, trứng, sữa, các loại đậu, hạt và ngũ cốc chẳng hạn) sẽ giúp cơ thể tạo thêm nhiều collagen.
Ngoài ra, nếu ăn nhiều sản phẩm tươi, rau xanh và trái cây tươi sẽ cung cấp chất chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể khỏi stress oxy hóa, làm chậm quá trình suy giảm collagen. Khả năng sản xuất collagen của cơ thể giảm đi khi chúng ta già đi. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức, hút thuốc và chế độ ăn uống kém cũng có thể ức chế sản xuất collagen.
Chức năng của collagen là kết nối các mô trong cơ thể với nhau, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc làm các vết thương mau lành. Trong y học, collagen là thành phần trong các chất liệu dùng cầm máu khi mổ xẻ, dùng để sửa và khâu vết mổ, dùng làm da nhân tạo trị bỏng, dùng tiêm vào da sửa sẹo. Thông thường collagen được lấy từ da heo hoặc bò có chất lượng cao để ngừa bệnh lây nhiễm từ động vật sang người.
Hoặc nghiên cứu được công bố trên tạp chí BioMedical Engineering OnLine, collagen đã thành công hơn trong việc điều trị vết thương và đã được sử dụng trong hơn 2.000 năm qua. Collagen thường được tạo thành miếng kết hợp với kháng sinh áp vào da tại chỗ, để thúc đẩy chữa lành vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Đối với tóc và móng, tác dụng của collagen là cung cấp chất dinh dưỡng hỗ trợ hoạt động của chất sừng. Việc bổ sung viên uống collagen giúp cho tóc và móng chân, móng tay chắc khỏe, giúp tóc bóng mượt, bớt rụng. Đối với hệ miễn dịch và não, nó có tác dụng hỗ trợ hoạt động của các vi khuẩn có lợi trong hệ miễn dịch.
Trong cơ thể con người, collagen có nhiều ở lớp hạ bì của da giúp da vừa căng lại vừa đàn hồi tốt. Collagen chiếm 75% trọng lượng khô của da. Khi già đi, lớp bên trong của da bị mất collagen và trở nên kém dẻo dai và dễ bị tổn thương nên collagen được xem là chất keo kết nối các tế bào dưới da, quyết định độ săn chắc, sự mịn màng của da.
Cũng phải nói thêm rằng suy giảm collagen không phải bổ sung là có hiệu quả ngay bởi cơ chế này khá phức tạp nên khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu.
Bí quyết bổ sung collagen để chăm sóc da hiệu quả
Theo các chuyên gia ở Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Texas, Mỹ, khi xem xét bổ sung collagen hay không, điều quan trọng đầu tiên là dựa vào chế độ ăn uống và lối sống của mỗi người cũng như mức độ ảnh hưởng của nó đến việc sản xuất collagen trong cơ thể.
Nếu chế độ ăn uống và lối sống nghèo nàn, bổ sung collagen sẽ không có bất kỳ lợi ích nào cho sức khỏe. Vì lý do này mà trước tiên mọi người hãy tập trung vào các yếu tố lối sống và chế độ ăn uống cân bằng, nếu tốt rồi có thể bổ sung thêm collagen hoặc không tùy theo nhu cầu của cơ thể.
Collagen là một thành phần phổ biến trong các chất bổ sung viên uống và kem bôi. Sử dụng kem chống nắng và kem dưỡng ẩm hàng ngày với retinoids, retinol, ceramides hoặc axit salicylic (tùy theo nhu cầu của một người) là cách hiệu quả hơn để giữ cho làn da khỏe mạnh.
Tại Mỹ, Cơ quan Quản lý Thực & Dược phẩm (FDA) không quy định bổ sung collagen với mức độ nghiêm ngặt tương tự như thuốc. Điều này có thể hiểu, các nhà sản xuất bổ sung collagen không phải chứng minh các chất bổ sung là hiệu quả hoặc an toàn trước khi đưa chúng ra thị trường.
Theo giới chăm sóc sức khỏe, hiện có hai cách bổ sung collagen chính là ngoại sinh, tức từ ngoài vào, thông qua mỹ phẩm dùng ngoài da, và nội sinh tức, từ trong ra bằng ăn uống. Sản phẩm collagen dạng uống để có thể mang lại tác dụng mạnh hơn cho cơ thể và làn da.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các loại viên uống collagen có khả năng phát huy tác dụng tốt hơn so với thoa ngoài nhờ khả năng thấm sâu đến nhiều vị trí trên cơ thể, thúc đẩy độ đàn hội và ngăn ngừa lão hóa từ bên trong.