Qua thăm khám cho nhiều trường hợp, bác sĩ chỉ ra ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tăng cân ở người nhiễm COVID-19 sau khi khỏi bệnh.
Một tháng tăng 10kg
Vài ngày qua, mỗi buổi ngồi khám, TS.BS Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, gặp từ 7 – 10 trường hợp liên quan đến các vấn đề về da cũng như tăng cân khó kiểm soát.
Đặc điểm chung của những bệnh nhân này đều từng mắc COVID-19 và đã khỏi bệnh.
Cụ thể, trường hợp của chị P.T.K.A., 39 tuổi, ngụ Q.Tân Bình (TPHCM), tới khám vì da khô sạm, trong thời gian ngắn mà tăng cân quá nhiều. Chị A. kể, mình bị mắc COVID-19 và được xuất viện cách đây một tháng. Trước khi mắc bệnh, chị A. nặng 55kg, ngày xuất viện cân nặng của chị còn 49kg.
Thế mà kể từ đó tới nay, chỉ vỏn vẹn 30 ngày, chị A. tăng 10kg. Việc tăng cân nhiều trong thời gian ngắn làm chị rất mệt mỏi, chỉ hoạt động nhẹ như rửa chén, lau nhà cũng đủ khiến chị thở dốc. Bình thường mập mạp thì da dẻ phải hồng hào, mướt mịn; chị lại trái ngược, da bị khô, sạm đen.
Bác sĩ Vân Thanh cho rằng, F0 sau khi khỏi bệnh dễ bị tăng cân khó kiểm soát là bởi ba nguyên nhân. Thứ nhất, lúc mắc COVID-19 mất vị giác, ăn uống kém; khi khỏi bệnh có vị giác trở lại, cảm nhận được mùi vị nên ăn thấy ngon miệng. Thứ hai, do quan niệm dân gian, cần cật lực bồi bổ bù lại cho lúc ốm không ăn được. Cuối cùng, có thể liên quan đến tác dụng phụ của corticoid mà bệnh nhân dùng trong thời gian điều trị COVID-19.
Tăng cân nhanh sẽ khiến cơ thể mệt mỏi vì hệ hô hấp vẫn còn bị hạn chế do sự xơ hóa của nhu mô phổi khi bị mắc COVID-19 trước đó. Chưa kể đến xương khớp phải chịu một khối lượng lớn từ cơ thể dẫn tới các bệnh lý về khớp. Ngoài ra, tăng cân dẫn tới béo phì cũng sẽ kéo theo hàng loạt bệnh chuyển hóa như huyết áp, tăng mỡ máu, tim mạch.
Bác sĩ Vân Thanh khuyến cáo bệnh nhân cần có chế độ ăn chừng mực. Khi mắc COVID-19, nếu phải dùng thuốc kháng viêm chứa corticoid thì điều đó là rất cần thiết để cứu mạng. Sau khi xuất viện, nếu thấy cân nặng tăng nhanh, cơ thể có dấu hiệu phù nề thì hãy uống nhiều nước để thuốc mau đào thải ra ngoài.
Khởi phát viêm da, xuất hiện mảng chàm hóa
Ngoài tình trạng tăng cân khó kiểm soát của F0 giai đoạn hậu COVID-19, bác sĩ Vân Thanh còn ghi nhận các trường hợp bị khởi phát bệnh về da. Theo bác sĩ, điều này hoàn toàn có thể giải thích được.
Điển hình là trường hợp của chị N.T.D., 27 tuổi, ngụ Q.5 (TPHCM). Trước đó, chị D. là F0 với triệu chứng nhẹ. Chị D. đã khỏi bệnh cả tuần nay, nhưng cơ thể lại nổi lên các nốt sẩn viêm nang lông giống như phát ban.
Vị trí phát ban nhiều nhất là ở trước ngực kéo dài xuống bụng, lưng, mặt duỗi của hai cánh tay, cổ và mặt. Bệnh nhân ngứa ngáy khó chịu, thậm chí mất tự tin về vẻ ngoài của mình.
Tương tự chị D., chị T.T.H., 45 tuổi, ngụ Q.8 (TPHCM), cũng là F0 khỏi bệnh khoảng một tháng nay. Chị D. có bệnh nền lupus ban đỏ nhưng trước đó đã điều trị ổn định.
Bỗng dưng hiện nay, chị bị nổi nhiều nốt sẩn viêm ngứa ngáy ở da đầu. Khi thăm khám cho chị, bác sĩ còn ghi nhận các mảng da khô chàm hóa ở tay, chân. Bị viêm da đột ngột mà không điều trị đúng cách, bệnh sẽ kéo dài và trở thành mạn tính.
Không chỉ thế, tình trạng ngứa ngáy, mất thẩm mỹ còn gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng tới thể trạng và tâm lý của bệnh nhân. Do đó, nếu thấy xuất hiện các mảng chàm hóa hoặc viêm nang lông, mọi người cần nhanh chóng đi khám chuyên khoa để được điều trị triệt để.
Bệnh nhân sẽ được chẩn đoán, cho thuốc uống và bôi nhằm giảm thiểu triệu chứng và khôi phục hàng rào bảo vệ của da. Thông thường mất từ 4 – 8 tuần bệnh sẽ được điều trị ổn định.