Nguyên lý hoạt động của LLLT dựa vào tác dụng kích thích và điều hòa sinh học với chromophore chính là cytochrome-c oxidase. Khi men cytochrome-c oxidase hấp thu ánh sáng, sẽ kích thích quá trình oxy-phosphorin hóa, dẫn đến tăng sản xuất ATP và giảm stress oxi hóa(7). Qua đó, liệu pháp này hỗ trợ quá trình sửa chữa mô, giảm viêm và giảm đau.
Lê Thái Vân Thanh*, Phạm Quốc Thảo Trang**, Đặng Thị Hồng Phượng**
Giới thiệu
Liệu pháp ánh sáng mức năng lượng thấp (low level light therapy – LLLT) là một phương pháp điều trị mới trong lĩnh vực y khoa, đặc biệt trong các bệnh lý da. LLLT phát ra phổ ánh sáng nằm trong vùng ánh sáng đỏ đến vùng gần hồng ngoại (600-1100 nm) với công suất thấp là 5-500 mW. Ánh sáng này khi chiếu lên da sẽ gây kích thích sinh học, thúc đẩy các tế bào tăng thực hiện chức năng của chúng, giúp cho quá trình lành vết thương, đây cũng là ứng dụng chính của LLLT trong các bệnh lý da.
Nguyên lý hoạt động của LLLT dựa vào tác dụng kích thích và điều hòa sinh học với chromophore chính là cytochrome-c oxidase. Khi men cytochrome-c oxidase hấp thu ánh sáng, sẽ kích thích quá trình oxy-phosphorin hóa, dẫn đến tăng sản xuất ATP và giảm stress oxi hóa(7). Qua đó, liệu pháp này hỗ trợ quá trình sửa chữa mô, giảm viêm và giảm đau.
Bên cạnh đó, kỹ thuật này an toàn, đơn giản, dễ thực hiện, không xâm lấn, không gây đau và ít tác dụng phụ. LLLT giúp lành nhanh các tổn thương da kháng trị với các điều trị truyền thống như corticoid hệ thống trong các bệnh lý bóng nước, do đó làm giảm thời gian dùng thuốc, dẫn đến giảm tác dụng phụ của thuốc. Gần đây, LLLT đã được sử dụng rộng rãi trong điều trị những tổn thương da loét, trợt của nhiều bệnh lý như pemphigus thông thường, bệnh lý bóng nước dạng pemphigus niêm mạc, bóng nước dạng pemphigus, ly thượng bì bóng nước, nhiễm herpes simplex, viêm loét miệng, loét chân.
LIỆU PHÁP ÁNH SÁNG MỨC NĂNG LƯỢNG THẤP TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH DA
Pemphigus thông thường
Pemphigus thông thường là một bệnh lý bóng nước tự miễn, gây tổn thương da và niêm mạc. Nhiều nghiên cứu cho thấy LLLT có hiệu quả giúp đẩy nhanh quá trình lành thương, tăng sinh tế bào, tăng ATP, acid nuleic và collagen.
Theo nhiều báo cáo ca về điều trị LLLT kết hợp với điều trị hệ thống trên sang thương da và niêm mạc, cho thấy hiệu quả của LLLT trong điều trị tổn thương trợt da của pemphigus thông thường. Điều này thể hiện trong báo cáo của tác giả Minicucci và cộng sự(6) về hai trường hợp pemphigus thông thường có vết trợt niệm mạc miệng đau và tổn thương loét, bóng nước trên da được điều trị prednisolone, dapsone kết hợp với LLLT (bước sóng 660 nm, công suất 100mW). Qua đó, cho thấy LLLT có tác dụng giảm đau và làm lành tổn thương da, niêm mạc miệng trong bệnh lý pemphigus thông thường.
Tương tự trong một thử nghiệm lâm sàng của tác giả Nasrin Zand và cộng sự(12) thực hiện trên 14 bệnh nhân pemphigus thông thường có sang thương niêm mạc miệng, được điều trị với laser CO2 năng lượng thấp cho thấy hiệu quả giảm đau ngay lập tức và tác dụng này còn kéo dài sau 4 ngày điều trị, mà không có bất kì biến chứng nào của điều trị. Tóm lại, chúng ta có thể thấy LLLT có tác dụng thúc đẩy quá trình lành thương ở da và niêm mạc đồng thời cũng làm giảm đau đối với các sang thương niêm mạc miệng trong bệnh lý bóng nước pemphigus thông thường.
Pemphigoid niêm mạc
Pemphigoid niêm mạc là bệnh bóng nước tự miễn mạn tính, có sang thương chủ yếu ở vùng niêm mạc, gây đau, khó nuốt. Nhiều nghiên cứu về ứng dụng nguyên lý LLLT với mục đích giảm viêm, giảm đau và tăng tái tạo mô tổn thương trong hỗ trợ điều trị bệnh lý này. Một báo cáo năm 2010 về trường hợp bệnh nhân nữ ở Thổ Nhĩ Kì(9), 55 tuổi được chẩn đoán pemphigoid niêm mạc với sang thương đỏ, phù, chảy máu tự nhiên, tróc biểu mô nướu răng, chưa ghi nhận bất thường ở da và mắt. Trong đó, bệnh nhân này không đáp ứng với điều trị corticoid bôi sau 9 tuần, sau đó bệnh nhân được điều trị laser diode với bước sóng 810nm, mật độ năng lượng 5 J/cm2.
Sau điều trị, bệnh nhân cải thiện đáng kể độ đồng nhất và màu sắc của mô nướu, không đau trong quá trình theo dõi bệnh. Qua đó, tác giả đưa ra kết luận là phối hợp LLLT với corticoid bôi tại chỗ giúp lành tổn thương của pemphigoid niêm mạc.
Tương tự, nghiên cứu của tác giả Adriana Cafaro và cộng sự(1) vào năm 2012, trên những bệnh nhân pemphigoid niêm mạc với tuổi trung bình là 79,4, có tổn thương trợt, đau lan tỏa trong niêm mạc miệng sau 3 đợt điều trị với laser diode bước sóng 980nm và công suất 300mW, cho thấy cải thiện đáng kể triệu chứng sau lần điều trị thứ nhất và lui hoàn toàn tổn thương sau đợt điều trị cuối cùng. Qua báo cáo loạt ca này cho thấy hiện nay, LLLT được xem là một phương pháp điều trị hiệu quả cho vết trợt ở niêm mạc miệng do pemphigoid niêm mạc ở một số bệnh nhân lớn tuổi đồng thời LLLT cũng có tác dụng giảm đau đáng kể.
Loét chân đái tháo đường
Điều trị loét chân đái tháo đường hiện vẫn còn là thách thức và là một trong những vấn đề được quan tâm. Hiện nay, có rất nhiều biện pháp giúp quản lý và điều trị loét chân đái tháo đường, trong đó LLLT cũng được ứng dụng trong điều trị loét chân đái tháo đường và cho thấy có hiệu quả trong thúc đẩy lành vết loét. Một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng của tác giả Kajagar và cộng sự(3) vào năm 2012, thực hiện trên 34 bệnh nhân loét chân đái tháo đường được điều trị với LLLT (bước sóng 660-850nm, mật độ công suất 60 mW/cm2, mật độ năng lượng 2-4 J/cm2) so với nhóm chứng là bệnh nhân loét chân đái tháo đường với biện pháp điều trị thông thường (đắp gạc nước muối sinh lý, kháng sinh, bó bột và cắt lọc). Sau 15 ngày điều trị với LLLT, vết loét giảm kích thước nhiều hơn so với nhóm chứng có ý nghĩa thống kê (p<0,01). Tác giả kết luận rằng LLLT là một phương pháp hữu hiệu giúp hỗ trợ lành vết loét cùng với những phương pháp truyền thống trong điều trị loét chân đái tháo đường.
Một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng, mù đôi của tác giả Kaviani và cộng sự(4), thực hiện trên bệnh nhân có loét chân đái tháo đường tối thiểu 3 tháng, nhằm mục đích đánh giá hiệu quả và an toàn của LLLT (bước sóng 685 nm, mật độ công suất 50mW/cm2, mật độ năng lượng 2-4J/cm2) so với nhóm chứng giả dược.
Kết quả cho thấy nhóm điều trị với LLLT có tỉ lệ lành vết loét hoàn toàn cao hơn so với nhóm chứng và thời gian lành vết loét ở nhóm được điều trị LLLT cũng ngắn hơn so với nhóm chứng. Nghiên cứu này giúp cung cấp thêm bằng chứng về hiệu quả của LLLT trong quá trình lành thương ở bệnh nhân loét chân đái tháo đường mạn tính đồng thời liệu pháp này cũng giúp rút ngắn thời gian lành thương.
Viêm loét miệng
LLLT được biết có vai trò trong giảm đáp ứng viêm, giảm đau và giảm phù nề, kích thích quá trình lành vết thương. Vì thế, LLLT được xem như là một liệu pháp điều trị thay thế khi những phương pháp khác không hiệu quả trong viêm loét miệng tái phát. Hiện nay, có rất nhiều nghiên cứu về việc ứng dụng LLLT trong viêm loét miệng tái phát.
Trong đó, có 3 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng có nhóm chứng so sánh hiệu quả của LLLT trong viêm loét miệng giữa nhóm bệnh nhân được điều trị với laser CO2 mức năng lượng thấp với nhóm không được điều trị(8,10,11). Kết quả cho thấy, điều trị LLLT cho tác dụng giảm đau ngay lập tức ở phần lớn bệnh nhân, hơn nữa quá trình lành thương tăng đáng kể ở nhóm điều trị so với nhóm không điều trị. Từ đó, các tác giả rút ra kết luận, ứng dụng LLLT trong điều trị viêm loét miệng giúp giảm đau, tăng lành vết thương và an toàn.
Một nghiên cứu khác của tác giả Lalabonova và cộng sự(5) cũng cho kết quả tương tự khi đánh giá hiệu quả điều trị của LLLT (laser diode 658nm, công suất 27mW) trên bệnh nhân viêm loét miệng mạn tính tái phát. Sau điều trị, bệnh nhân giảm đau và giảm triệu chứng viêm, bên cạnh đó LLLT cũng cho thấy có tác dụng kích thích sự lành thương. Qua những nghiên cứu này cho thấy LLLT là một phương pháp hỗ trợ đáng tin cậy trong điều trị viêm loét miệng tái phát.
Nhiễm herpes simplex môi
Điều trị truyền thống nhiễm herpes simplex môi là thuốc uống acyclovir. Mặc dù thuốc kháng virus có hiệu quả trong bệnh lý này, nhưng dễ gây độc thận trên những bệnh nhân lớn tuổi, suy giảm chức năng thận (tăng huyết áp, đái tháo đường). Ngoài ra, thời gian bán hủy của acyclovir tương đối ngắn, nên phải uống nhiều lần trong ngày. Hơn nữa, thuốc kháng virus chỉ hiệu quả trong giai đoạn sớm, điều trị trễ có thể không hiệu quả dẫn đến bệnh lý kéo dài, thời gian lành bệnh chậm, gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân. Vì vậy, nhiều nghiên cứu được thực hiện để tìm một phương pháp điều trị mới, an toàn và dễ sử dụng để quản lý bệnh.
Trong một báo cáo năm 2013 của tác giả G. Dougal và S. Y. Lee(2), sử dụng laser diode bước sóng 1072 nm, thực hiện trong 3 phút và 3 lần mỗi ngày trong 2 ngày, so với nhóm chứng giả dược. Kết quả cho thấy thời gian lành tổn thương ở nhóm điều trị (129 giờ) nhanh hơn so với nhóm giả dược (177 giờ), có ý nghĩa thống kê với p=0,01. Nghiên cứu của tác giả Muñoz Sanchez và cộng sự(7) vào năm 2012 với mục đích đánh giá tác dụng của LLLT trong lành thương tổn và thời gian tái phát ở bệnh nhân nhiễm herpes simplex môi tái phát cho thấy LLLT giúp rút ngắn thời gian lành thương và kéo dài thời gian tái phát của bệnh lý.
Nhìn chung, các tác giả đưa ra kết luận rằng LLLT là một phương pháp hiệu quả trong điều trị nhiễm herpes simplex môi và chưa có tác dụng phụ nào được báo cáo.
KẾT LUẬN
Theo nhiều nghiên cứu với các bằng chứng lâm sàng và cận lâm sàng cho thấy liệu pháp ánh sáng mức năng lượng thấp thúc đẩy quá trình sửa chữa vết thương, qua đó giúp rút ngắn thời gian lành thương đồng thời cũng có tác dụng giảm đau, giảm viêm, giảm kích thước và kéo dài thời gian tái phát của các tổn thương trong một số bệnh lý như viêm loét miệng tái phát, pemphigus thông thường, nhiễm herpes simplex môi. Ngoài ra, LLLT không gây tổn thương mô, không sinh nhiệt và không đau cũng như chưa có tác dụng phụ được ghi nhận. Với những đặc tính trên, liệu pháp này trở thành một phương pháp mới an toàn và hiệu quả trong điều trị những tổn thương loét, trợt của một số bệnh lý da, đồng thời cũng giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho bệnh nhân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Cafaro A, Broccoletti R, Arduino PG (2012), Low-level laser therapy for oral mucous membrane pemphigoid. Lasers in medical science, 27 (6): 1247-1250.
- Dougal G, Lee S (2013), Evaluation of the efficacy of low‐level light therapy using 1072 nm infrared light for the treatment of herpes simplex labialis. Clinical and experimental dermatology, 38 (7): 713-718.
- Kajagar BM, Godhi AS, Pandit A, Khatri S (2012), Efficacy of low level laser therapy on wound healing in patients with chronic diabetic foot ulcers—a randomised control trial. Indian Journal of Surgery, 74 (5): 359-363.
- Kaviani A, Djavid GE, Ataie-Fashtami L, Fateh M, Ghodsi M, Salami M, Zand N, Kashef N, Larijani B (2011), A randomized clinical trial on the effect of low-level laser therapy on chronic diabetic foot wound healing: a preliminary report. Photomedicine and Laser Surgery, 29 (2): 109-114.
- Lalabonova H, Daskalov H (2014), Clinical assessment of the therapeutic effect of low-level laser therapy on chronic recurrent aphthous stomatitis. Biotechnology & Biotechnological Equipment, 28 (5): 929-933.
- Minicucci EM, Miot HA, Barraviera SRCS, Almeida-Lopes L (2012), Low-level laser therapy on the treatment of oral and cutaneous pemphigus vulgaris: case report. Lasers in medical science, 27 (5): 1103-1106.
- Munoz Sanchez PJ, Capote Femenias JL, Diaz Tejeda A, Tuner J (2012), The effect of 670-nm low laser therapy on herpes simplex type 1. Photomed Laser Surg, 30 (1): 37-40.
- Prasad S., Pai A. (2013), Assessment of immediate pain relief with laser treatment in recurrent aphthous stomatitis. Oral surgery, oral medicine, oral pathology and oral radiology, 116 (2): 189-193.
- Yilmaz HG, Kusakci-Seker B, Bayindir H, Tözüm TF (2010), Low-level laser therapy in the treatment of mucous membrane pemphigoid: a promising procedure. Journal of periodontology, 81 (8): 1226-1230.
- Zand N, Ataie-Fashtami L, Djavid GE, Fateh M, Alinaghizadeh MR, Fatemi SM, Arbabi-Kalati F (2009), Relieving pain in minor aphthous stomatitis by a single session of non-thermal carbon dioxide laser irradiation. Lasers in medical science, 24 (4): 515.
- Zand N, Fateh M, Ataie-Fashtami L, Djavid GE, Fatemi SM, Shirkavand A (2012), Promoting wound healing in minor recurrent aphthous stomatitis by non-thermal, non-ablative CO2 laser therapy: a pilot study. Photomedicine and laser surgery, 30 (12): 719-723.
- Zand N, Mansouri P, Fateh M, Ataie-Fashtami L, Khiabanloo SR, Safar F, Chalangari R, Martits K, Shirkavand A (2017), Relieving Pain in Oral Lesions of Pemphigus Vulgaris Using the Non-ablative, Non-thermal, CO2 Laser Therapy (NTCLT): Preliminary Results of a Novel Approach. Journal of Lasers in Medical Sciences, 8 (1): 8.