Theo nghiên cứu được đăng trên Journal of Cosmetic Dermatology, đặc điểm lâm sàng và yếu tố khởi phát của trứng cá đỏ thay đổi theo từng độ tuổi khác nhau và việc điều trị các bệnh nhân nữ trên 45 tuổi sẽ khó khăn và phức tạp hơn.
Các nhà nghiên cứu tại đại học Sichuan, Chendu, Trung Quốc đã thực hiện nghiên cứu để đánh giá và so sánh đặc điểm lâm sàng của các bệnh nhân nữ mắc trứng cá đỏ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Họ nghĩ rằng đặc điểm lâm sàng trứng cá đỏ ở phụ nữ sẽ thay đổi theo lứa tuổi do thay đổi lượng estrogen trong cơ thể.
Họ tiến hành nghiên cứu hồi cứu trong khoảng thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 01/2022 trên 840 bệnh nhân nữ bị trứng cá đỏ tuổi từ 12 đến 73 (tuổi trung bình là 35,9±10,23). Các bệnh nhân này được chia thành 3 nhóm theo độ tuổi: nhóm 1: nhỏ hơn hoặc bằng 30 tuổi (độ tuổi estrogen đạt đỉnh), nhóm 2: từ 31 đến 44 tuổi (lượng estrogen ổn định) và nhóm 3: từ 45 tuổi trở lên (estrogen giảm).
Các bệnh nhân đỏ mặt có căn nguyên hay đỏ mặt do bệnh lý đều bị loại khỏi nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đánh giá 16 yếu tố làm bệnh nặng hơn dựa theo mối liên hệ đã được tìm ra trong những nghiên cứu trước đây và trên thực hành lâm sàng.
Trứng cá đỏ trầm trọng hơn vì nhiệt độ, cảm xúc, gia vị, ánh nắng
Nghiên cứu cho thấy yếu tố làm bệnh trầm trọng hơn phổ biến nhất là môi trường có nhiệt độ nóng (89,9%), thay đổi cảm xúc (67,3%), đồ ăn cay (55,6%) và tiếp xúc ánh sáng mặt trời (50,7%). Các yếu tố làm nặng bệnh cũng thay đổi theo lứa tuổi, các yếu tố như nhiệt độ tăng cao (P=0,03), xúc động (P=0,001), ăn đồ ăn cay (P=0,008) và dùng mỹ phẩm (P=0,002) có sự thay đổi theo lứa tuổi có ý nghĩa thống kê.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra các triệu chứng thường gặp nhất của trứng cá đỏ là cảm giác nóng hay châm chích (89,3%), giãn mạch (82,6%), hồng ban dai dẳng (82,0%), cảm giác khô (74,0%) và ngứa (41,9%).
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng bệnh nhân tuổi từ trung niên trở lên thường có giãn mạch nhiều hơn và hồng ban kéo dài hơn. Các bệnh nhân này cũng thường có các bệnh lý về nội tiết, tiêu hóa, tim mạch hơn và ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài hơn. Nhóm 3 (các bệnh nhân từ 45 tuổi trở lên) có tần suất ngứa và phù cao hơn có ý nghĩa thống kê khi so với 2 nhóm còn lại.
Các tác giả cũng nhận thấy rằng, sang thương của các bệnh nhân nhóm 3 thường phân bố ở quanh miệng và mắt hơn bệnh nhân ở 2 nhóm còn lại và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với P lần lượt là 0,029 và 0,09).
Trứng cá đỏ thường đi kèm với lo âu, trầm cảm
Trong số các bệnh nhân tham gia nghiên cứu có 20,4% bệnh nhân có các rối loạn đồng mắc, 48,8% bệnh nhân có lo âu và 35,2% bệnh nhân có tình trạng trầm cảm (các tình trạng này đều được đánh giá bằng Hospital Anxiety and Depression Scale trước khi đưa ra kết luận). Tần suất bệnh nhân mắc trầm cảm ở nhóm 3 cao hơn có ý nghĩa thống kê so với 2 nhóm còn lại.
Giới hạn của nghiên cứu là thực hiện theo phương pháp hồi cứu và không quan tâm đến tình trạng kinh nguyệt cũng nhưng tình trạng mãn kinh của bệnh nhân.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, triệu chứng trứng cá đỏ thường gặp nhất ở tất cả các nhóm là ngứa, cảm giác khô, nóng, châm chích, giãn mạch và hồng ban kéo dài. Các yếu tố làm nặng bệnh là xúc động, thức ăn cay, tiếp xúc ánh nắng và môi trường nóng. Tình trạng lo âu và trầm cảm có ở tất cả các nhóm.
Biểu hiện lâm sàng, yếu tổ khởi phát và bệnh lý hệ thống ở mỗi nhóm tuổi đều có sự khác biệt rõ rệt. Các bệnh nhân tuổi từ trung niên trở lên dễ bị hồng ban kéo dài trầm trọng, giãn mạch, ngứa, phù, tái đi tái lại và dễ mắc các bệnh lý hệ thống về nội tiết, tiêu hóa hay tim mạch hơn nhưng lại ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại lai.
Nguồn: Yang F, Wang L, Shucheng H, Jiang X. Differences in clinical characteristics of rosacea across age groups: a retrospective study of 840 female patients. J Cosmet Dermatol. Published online October 13, 2022. doi:10.1111/jocd.15470