ThS.BS Tạ Quốc Hưng, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện ĐH Y Dược, cho biết, độ tuổi bị sụp mí cũng tương đồng với độ tuổi lão hóa của các vùng da khác trên cơ thể. Thông thường, phụ nữ bước qua tuổi 30, mật độ collagen trong da sụt giảm, sụp mí bắt đầu xảy ra.
“Sau tuổi 35 hoặc gần giai đoạn 40 tuổi, sụp mí bắt đầu diễn ra một cách rõ ràng hơn, nghiêm trọng hơn là khiến chúng ta mở mắt ngày càng trở nên khó khăn hơn, che khuất tầm nhìn,” BS Quốc Hưng cho biết.
Nguyên nhân, cơ chế tác động sụp mí bị ảnh hưởng bởi hai yếu tố: nội sinh (tuổi tác, quá trình trao đổi chất ảnh hưởng, nhiều gốc oxy hóa…); ngoại sinh (stress, sinh hoạt không điều độ, ăn uống quá nhiều đồ ngọt, hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường….).
Phương pháp điều trị sụp mí để giúp nâng phần mí mắt tùy mức độ mà chúng ta can thiệp. Ở mức độ nhẹ, chúng ta có thể nghỉ ngơi mắt, nhỏ mắt, massage nhẹ nhàng; ở mức độ sụp mí trung bình dùng thẩm mỹ nội khoa (botox, HIFU), xâm lấn tối thiểu (căng chỉ); nặng hơn có thể dùng phương pháp tạo hình thẩm mỹ bằng can thiệp ngoại khoa… (treo cung mày, cắt mí)
Ngoài sụp mí, mỡ thừa cũng bắt đầu tích tụ khi bước vào tuổi trung niên, nhất là ở các vùng như: bụng, cánh tay, đùi, nọng cằm…
Theo ThS.BS Tạ Quốc Hưng, để điều trị giảm mỡ bằng thẩm mỹ nội khoa (laser – tác động sâu vào mô mỡ, ít xâm lấn và nhẹ nhàng; quang đông hủy mỡ, RF nội bì hoặc laser nội bì – dùng năng lượng luồng bên dưới mô mỡ, gia tăng nhiệt hủy mỡ…) và ngoại khoa phẫu thuật cắt toàn bộ phần mỡ sau đó tạo hình lại thành bụng. Phẫu thuật tạo hình là phương pháp được xem gần như hiệu quả nhất hiện nay trong điều trị mỡ thừa.